Tìm hiểu ngay 9 dấu hiệu thường gặp ở bệnh buồng trứng đa nang
Dấu hiệu bệnh buồng trứng đa nang
Dấu hiệu bệnh buồng trứng đa nang - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu ngay 9 dấu hiệu thường gặp ở bệnh buồng trứng đa nang

Tác giả: - Xuất bản: 10/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 23/03/2024
Bệnh buồng trứng đa nang có những triệu chứng như thế nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Buồng trứng đa nang (PCOS) là  hội chứng có liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố, không chỉ giảm khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Phát hiện và điều trị buồng trứng đa nang kịp thời là yếu tố quan trọng giúp người bệnh giảm thiểu nguy cơ đối mặt với những rủi ro nguy hiểm. 

Dưới đây là 9 dấu hiệu thường gặp ở phụ nữ mắc bệnh buồng trứng đa nang

Kinh nguyệt không đều 

Kinh nguyệt thất thường là triệu chứng thường gặp nhất ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Có đến 50% phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều, một nửa trong số đó là mất hoàn toàn kinh nguyệt.

Nguyên nhân là do rối loạn nội tiết tố điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Da tiết nhiều dầu và nổi mụn

Nội tiết tố trong cơ thể ảnh hưởng rất lớn tới trạng thái của làn da. Trong đó, đa nang buồng trứng là nguyên nhân hàng đầu gây ra thay đổi nội tiết tố. 

Lúc này, sự tăng tiết hormone androgen khiến tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, da đổ dầu nhiều hơn gây bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn trứng cá. Các vùng da ở mặt, ngực và lưng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Lông trên cơ thể mọc nhiều bất thường

Hội chứng buồng trứng đa nang khiến lông trên cơ thể người bệnh phát triển nhanh và nhiều một cách bất thường, đặc biệt là ở vùng chân, tay, ngực bụng,...

Tuy nhiên, tóc của phụ nữ mắc buồng trứng đa nang lại bị yếu đi, mỏng và rụng dần, có thể gây ra tình trạng hói đầu

Tăng cân, béo phì 

Thống kê cho thấy, tỷ lệ phụ nữ buồng trứng đa nang bị béo phì là 30-50%. 

Ở phụ nữ mắc bệnh đa nang buồng trứng, hormon insulin dư thừa nhiều hơn. Người bệnh có thể dễ dàng bị béo phì hơn mặc dù không ăn nhiều thức ăn.

Sạm da

Ở những trường hợp nặng hơn thì những vùng da dưới cổ, cánh tay, ngực hoặc đùi cũng xuất hiện những mảng màu đen hoặc nâu nhạt do thay đổi sắc tố.

Đau bụng vùng chậu

Khi mắc hội chứng này, phụ nữ có thể gặp phải những cơn đau âm ỉ từ mức độ nhẹ đến dữ dội (cảm giác tương tự như những cơn đau bụng kinh), đồng thời cảm thấy khó chịu ở vùng bụng, vùng chậu và cả lưng dưới.

Vô sinh, hiếm muộn

Hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây rối loạn phóng noãn. Vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản ở nữ giới và là một trong những mối e ngại hàng đầu khi người bệnh được chẩn đoán mắc căn bệnh này.

Tuy vậy, vẫn có nhiều phụ nữ đa nang buồng trứng có thai tự nhiên, không cần phải sử dụng bất kỳ biện pháp can thiệp nào. 

Khi cơ thể gặp khó khăn trong việc mang thai, người bệnh nên đi khám sớm bởi đây rất có thể là biểu hiện của bệnh buồng trứng đa nang.

Tâm trạng thất thường, dễ nổi nóng mất kiểm soát

Rối loạn nội tiết ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người bệnh. Tâm trạng hay thay đổi thất thường cũng là một dấu hiệu cho thấy một người có khả năng đã mắc bệnh buồng trứng đa nang.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất trong PCOS. Các nghiên cứu dựa trên dân số gần đây cho thấy tỷ lệ mắc OSA cao ở phụ nữ trưởng thành mắc PCOS.

Một số bằng chứng cho thấy OSA có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin và không dung nạp glucose ở phụ nữ PCOS, và do đó làm tăng nguy cơ chuyển hóa của họ.

Trong nhiều trường hợp, người bệnh không phát hiện ra mình bị đa nang buồng trứng bởi bệnh không có bất kì biểu hiện nào ra bên ngoài. Bệnh chỉ được phát hiện khi người bệnh đi khám và điều trị về một vấn đề nào đó.

Các triệu chứng của bệnh buồng trứng đa nang có thể dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Trước khi xác định chính xác được vấn đề, người bệnh không nên tự ý điều trị mà chưa có chỉ định từ bác sĩ.

Ngay khi nhận thấy có thể xuất hiện triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết