Tìm hiểu ngay các phương pháp xạ trị ung thư hiện nay
Các phương pháp xạ trị ung thư hiện nay
Tìm hiểu ngay các phương pháp xạ trị ung thư hiện nay - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu ngay các phương pháp xạ trị ung thư hiện nay

Xuất bản: 30/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/12/2023
Xạ trị là một trong những liệu pháp điều trị ung thư phổ biến nhất hiện nay. Vậy có những phương pháp xạ trị nào? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.

Xạ trị là phương pháp sử dụng các loại tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó có tác dụng làm thu nhỏ khối u, giảm thiểu các triệu chứng do ung thư hay chữa khỏi ung thư.

Để quyết định sử dụng phương pháp xạ trị nào phụ thuộc vào nhiều rất yếu tố:

  • Loại ung thư (mỗi loại tế bào khác nhau có độ nhạy cảm với tia xạ khác nhau)
  • Kích thước của khối u
  • Vị trí của khối u trong cơ thể
  • Mức độ gần của khối u với các mô
  • Sự nhạy cảm với bức xạ của bệnh nhân
  • Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân

Các phương pháp xạ trị phổ biến hiện nay

Có thể chia xạ trị thành 2 phương pháp chính đó là xạ trị ngoài và xạ trị trong.

Xạ trị ngoài

Xạ trị ngoài hay liệu pháp xạ trị bằng chùm tia bên ngoài sẽ sử dụng máy gia tốc tuyến tính để chiếu tia bức xạ vào cơ thể từ nhiều hướng khác nhau.

Xạ trị bằng chùm tia ngoài là phương pháp điều trị cục bộ, chỉ tác động lên một vùng trên cơ thể. Ví dụ, nếu bị ung thư phổi, bệnh nhân sẽ chỉ được chiếu xạ ở ngực chứ không phải toàn bộ cơ thể.

Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi, phổ biến nhất hiện nay và có thể điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.

Xạ trị trong

Xạ trị trong còn được gọi là xạ trị áp sát. Ở phương pháp này, một nguồn bức xạ ở dạng rắn hoặc lỏng sẽ được đưa vào bên trong cơ thể đến vị trí gần khối u hoặc bên trong khối u.

Xạ trị trong với nguồn bức xạ rắn cũng có tác dụng điều trị cục bộ giống như xạ trị ngoài (ví dụ như xạ áp sát trong ung thư cổ tử cung, trực tràng hay xạ cắm kim trong ung thư khoang miệng).

Việc điều trị với nguồn xạ như thế này sẽ làm tăng liều chiếu xạ lên khối u và giảm thiểu liều chiếu xạ lên tế bào lành gần đó, nhằm tăng tác dụng chiếu xạ mà lại giảm tác dụng phụ.

Khi bức xạ được đưa vào cơ thể dưới dạng lỏng, nó được gọi liệu pháp dược phóng xạ và có thể ảnh hưởng đến cả cơ thể.

Thông qua việc tiêm, truyền thuốc vào tĩnh mạch hay qua đường uống (ví dụ như uống i ốt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến giáp), chất phóng xạ sẽ di chuyển theo máu đến khắp các mô trong cơ thể để tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với phương pháp này, nước tiểu, mồ hôi và nước bọt của bệnh nhân sẽ là nguồn phát ra phóng xạ trong một thời gian. Bệnh nhân sẽ cần được cách ly trong một vài ngày để tránh lây nhiễm phóng xạ cho người khác.

Như vậy, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh của mỗi người mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xạ trị cho phù hợp. Dù xạ trị bằng phương pháp nào, bệnh nhân cũng cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị.

Trong quá trình xạ trị cũng không tránh khỏi gặp phải các tác dụng phụ nhất định, do vậy bệnh nhân nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để chuẩn bị nền tảng sức khỏe thật tốt cho liệu trình trị liệu.

Mong rằng bài viết trên đây đã đem lại thông tin hữu ích cho độc giả về các phương pháp xạ trị ung thư đang được áp dụng hiện nay.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết