Những điều bạn cần biết về xạ trị ung thư
Những điều bạn cần biết về xạ trị ung thư
Những điều bạn cần biết về xạ trị ung thư - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về xạ trị ung thư

Tác giả: - Xuất bản: 30/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/12/2023
Xạ trị là liệu pháp điều trị ung thư phổ biến hàng đầu hiện nay. Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Bệnh lý ung thư hiện nay ngày càng có xu hướng gia tăng, không chỉ ở riêng một đất nước hay khu vực nào mà là trên toàn thế giới. Theo số liệu từ Globocan, năm 2020 có khoảng 20 triệu ca ung thư mắc mới và 10 triệu ca tử vong do ung thư, cao nhất từ trước tới nay.

Điều trị bệnh lý ung thư diễn ra từ nhiều thập kỷ nay là phương pháp điều trị “ đa mô thức”, tức là sự kết hợp của nhiều phương pháp lại với nhau, trong đó 3 phương pháp chính cho tới nay vẫn là phẫu thuật, hóa chất và xạ trị.

Theo ghi nhận từ nhiều trung tâm lớn trên thế giới, có tới một nửa số bệnh nhân ung thư được điều trị bằng tia xạ (bao gồm các bệnh nhân được xạ trị đơn thuần, xạ trị kết hợp với phẫu thuật hoặc kết hợp với hóa chất, hoặc kết hợp với cả phẫu thuật và hóa chất).

Xạ trị ung thư là gì?

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các hạt hoặc sóng bức xạ như tia X, tia gamma, tia proton, chùm tia electron,... ở liều cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u, và do vậy nó cũng làm chết cả các tế bào lành (điều này liên quan tới các tác dụng phụ của xạ trị).

Các tế bào ung thư phát triển và phân chia nhanh hơn hầu hết các tế bào bình thường trong cơ thể. Các tia bức xạ trong quá trình điều trị tạo ra các vết nứt trong DNA của tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển và dần dần làm chết chúng.

Các tế bào ung thư sẽ tiếp tục chết đi ngay cả khi quá trình xạ trị kết thúc được nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng.

Ung thư nào cần xạ trị?

Có khoảng một nửa những người mắc ung thư sẽ cần xạ trị. Xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất hoặc được kết hợp cùng các phương pháp khác như: hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch,... để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, việc điều trị cho bệnh nhân ung thư được “ cá thể hóa” - tức là để đưa ra quyết định điều trị cho mỗi một bệnh nhân ung thư cần có sự tham gia của nhiều bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan, cùng với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Các yếu tố được cân nhắc là loại ung thư, giai đoạn bệnh, thể giải phẫu bệnh, tình trạng sức khỏe chung của người bệnh, các bệnh lý phối hợp, nguyện vọng của bệnh nhân, khả năng hiện có của cơ sở điều trị,… từ đó mới đưa ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Thêm nữa, mục đích điều trị là tối ưu hóa kết quả, tức là phải cân nhắc giữa lợi ích đạt được và các tác dụng cũng như là biến chứng không mong muốn có thể xảy ra, lý tưởng nhất là kết quả đạt tối đa và tác dụng không mong muốn là tối thiểu.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng không phải cứ có cùng một bệnh ung thư hoặc thậm chí là cùng một giai đoạn thì hai bệnh nhân khác nhau được điều trị bằng một phác đồ giống nhau, hay nếu được xạ trị thì liều xạ của họ cũng có thể khác nhau.

Sau đây là một số loại ung thư có thể cần xạ trị:

  • Ung thư vùng đầu - cổ: ung thư vòm, ung thư mũi xoang, khoang miệng, tuyến nước bọt, tuyến giáp, thanh quản, não, da,…
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư vú
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Ung thư phổi
  • Ung thư tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng)

Cần nhớ rằng cách thức tiến hành xạ (trước, trong hay sau phẫu thuật/hóa chất, xạ đơn thuần hay có phối hợp), và liều xạ là bao nhiêu sẽ được cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể nhằm tối ưu hóa kết quả điều trị.

Quy trình xạ trị

Bệnh nhân ung thư điều trị bằng xạ trị thông thường sẽ trải qua các bước cơ bản sau đây:

  • Bước 1 - Thăm khám lần đầu: Qua thăm khám, phân tích các kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán tình trạng, giai đoạn bệnh,... để thiết kế phác đồ điều trị phù hợp.
  • Bước 2 - Chụp CT mô phỏng: Đây là một bước vô cùng quan trọng để lập kế hoạch điều trị. Ở các buổi xạ trị, bệnh nhân sẽ được đặt ở tư thế chính xác như khi chụp CT mô phỏng.
  • Bước 3 - Lên kế hoạch xạ trị: Bác sĩ sẽ lên kế hoạch chi tiết về phương pháp xạ trị, số buổi xạ trị, liều chiếu xạ,... thích hợp cho bệnh nhân.
  • Bước 4 - Tiến hành xạ trị buổi đầu tiên: Sau buổi xạ trị đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá sự đáp ứng của bệnh nhân và có thể điều chỉnh phác đồ xạ trị một cách phù hợp hơn.
  • Bước 5 - Xạ trị theo phác đồ: Quá trình điều trị có thể kéo dài vài tuần. Thời gian các buổi xạ trị thường sẽ ngắn hơn so với buổi xạ trị đầu tiên.
  • Bước 6 - Theo dõi quá trình điều trị: Trong suốt quá trình điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sẽ được theo dõi, đánh giá một cách sát sao.
Bác sẽ thăm khám thiết kế phác đồ xạ trị phù hợp
Thăm khám lần đầu giúp bác sĩ thiết kế phác đồ điều trị phù hợp - Ảnh: Canva

Tác dụng phụ của xạ trị

Tác dụng chính của xạ trị là tiêu diệt tế bào ung thư, và hầu hết có tính khu vực (chiếu xạ vào khu vực nào thì có tác dụng tại khu vực đó), nhưng tuy nhiên nó cũng tiêu diệt cả các tế bào lành tại khu vực được chiếu xạ. Do vậy tác dụng phụ của xạ trị hầu hết gây ra bởi điều này.

Tác dụng phụ xảy ra trong hoặc sau xạ trị được gọi là tác dụng phụ sớm hay tác dụng phụ cấp tính. Những tác dụng phụ này có xu hướng ngắn hạn, nhẹ và có thể điều trị được. Chúng thường biến mất trong vòng vài tuần sau khi kết thúc điều trị.

Các tác dụng phụ cấp tính chung thường gặp của phương pháp xạ trị có thể kể đến như:

Mệt mỏi

Hầu hết bệnh nhân bắt đầu cảm thấy mệt mỏi sau vài tuần xạ trị. Điều này xảy ra vì xạ trị không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn có thể làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh gần đó.

Cảm giác mệt mỏi do xạ trị ung thư khác với sự mệt mỏi bình thường bởi nó có thể không thuyên giảm dù đã người bệnh đã nghỉ ngơi. Nhưng nó thường sẽ biến mất theo thời gian sau khi kết thúc điều trị.

Các vấn đề về da

Da ở vùng xạ trị của bệnh nhân ung thư có thể bị kích ứng, tấy đỏ, phồng rộp hoặc có thể bị teo da, hoại tử hoặc viêm da (da trở nên khô, ngứa, bong tróc) sau một vài tuần điều trị bằng phương pháp chiếu xạ.

Rụng tóc

Xạ trị có thể gây rụng tóc ở vùng chiếu xạ. Ví dụ, xạ trị ở vùng đầu có thể khiến bệnh nhân bị rụng một phần hoặc toàn bộ tóc trên đầu (thậm chí cả lông mày và lông mi).

Trong hầu hết trường hợp, tóc sẽ mọc lại sau khi kết thúc điều trị. Tuy nhiên, tóc có thể mỏng hơn hoặc chất tóc có thể khác so với trước đây.

Rụng tóc ở bệnh nhân xạ trị
Rụng tóc là tác dụng phụ thường gặp ở bệnh nhân xạ trị vùng đầu - Ảnh: Canva

Ngoài ra, tùy thuộc vào vị trí xạ trị khác nhau mà mỗi người bệnh sẽ gặp các tác dụng phụ khác nhau:

  • Xạ trị vùng đầu và cổ: Khô miệng, nước bọt đặc quánh, khó nuốt, đau họng, thay đổi khẩu vị, ăn không ngon miệng, buồn nôn, lở miệng, sâu răng,...
  • Xạ trị vùng ngực: Khó nuốt, ho, khó thở,...
  • Xạ trị vùng bụng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy,...
  • Xạ trị vùng xương chậu: Tiêu chảy, đi tiểu thường xuyên, rối loạn chức năng tình dục,...

Một số tác dụng phụ khác có thể phát triển sau vài tháng thậm chí là sau nhiều năm được gọi là tác dụng phụ muộn. Chúng có thể xảy ra ở bất kỳ mô bình thường nào trong cơ thể đã nhận được bức xạ. Nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ muộn phụ thuộc vào vùng được điều trị cũng như liều lượng bức xạ được sử dụng.

Chăm sóc bệnh nhân xạ trị

Chăm sóc một bệnh nhân xạ trị sẽ phải tính đến chăm sóc toàn thân trong bối cảnh chung của một bệnh lý ung thư, và chăm sóc tại chỗ, tại vùng, nơi mà bị chiếu xạ.

Bệnh nhân xạ trị ung thư rất dễ bị suy mòn nếu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, do bức xạ gây tổn thương cho cả các tế bào khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy 30% bệnh nhân ung thư chết vì suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do ung thư.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau xạ trị sẽ giúp bệnh nhân tăng cường sức khỏe để lại bệnh tật cũng như có đủ sức để theo được hết quy trình điều trị.

Người bệnh cần ăn đủ các nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và uống đủ nước. Nên ăn nhiều cá, thịt gà, rau củ quả, ăn ít thịt đỏ và kết hợp với chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý.

Các tác dụng phụ do điều trị (mệt mỏi, thay đổi khẩu vị, khô miệng,...) cũng là một yếu tố ảnh hưởng, khiến bệnh nhân ăn uống khó khăn hơn. Một số phương pháp có thể giúp cải thiện tình trạng này bao gồm:

  • Súc miệng trước khi ăn
  • Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày
  • Chế biến món ăn đa dạng, theo sở thích người bệnh (thêm gia vị, nước sốt,...)
  • Ăn các món nước hoặc thức ăn chế biến mềm nhừ
  • Uống nhiều nước, uống từ từ, từng ngụm nhỏ (có thể thay thế nước lọc bằng sữa, nước hoa quả)
  • Nhai kẹo cao su hoặc ăn hoa quả chua để tăng tiết nước bọt

Tóm lại, xạ trị có thể được sử dụng để điều trị cho rất nhiều loại ung thư và cũng mang lại những tác dụng phụ nhất định. Hãy đến các bệnh viện lớn, uy tín để được thăm khám và tư vấn điều trị một cách an toàn, hiệu quả nhất. Mong rằng bài viết trên đã đem lại những thông tin hữu ích về phương pháp xạ trị ung thư cho độc giả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết