Giải đáp: Xạ trị có đau không?
Giải đáp: Xạ trị có đau không?
Xạ trị có đau không?
Giải đáp: Xạ trị có đau không? - Ảnh: BookingCare

Giải đáp: Xạ trị có đau không?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 31/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 31/12/2023
Xạ trị có đau không là một trong những câu hỏi được thắc mắc nhiều xoay quanh vấn đề xạ trị ung thư. Cùng giải đáp ngay trong bài viết sau đây.

Tùy vào từng phương pháp xạ trị, liều chiếu xạ, vùng được chiếu xạ và cơ địa của mỗi người mà bệnh nhân có thể cảm thấy đau hay không hoặc đau nhiều hay đau ít khi chiếu xạ.

Xạ trị có đau không?

Xạ trị tia chiếu ngoài sẽ không gây đau đớn. Với phương pháp xạ trị trong (xạ trị áp sát), bệnh nhân có thể cảm thấy hơi khó chịu khi chất phóng xạ được đưa vào cơ thể. Tuy nhiên cảm giác đau sẽ không dữ dội hay gây cảm giác quá khó chịu.

Thực tế, những đau đớn bệnh nhân phải chịu đến từ các tác dụng phụ do xạ trị gây ra.

Xạ trị gây đau rát vùng da được chiếu xạ

Tác dụng phụ chung thường gặp ở các bệnh nhân xạ trị chính là vấn đề về làn da. Xạ trị có thể khiến cho làn da của người bệnh ở vùng xạ trị bị sưng đỏ, phồng rộp hay trở nên khô ráp và bong tróc.

Cảm giác bỏng rát, đau ngứa giống như bị cháy nắng này thường khiến người bệnh vô cùng khó chịu, dẫn đến làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số điều bệnh nhân cần lưu ý có thể giúp cải thiện tình trạng này:

  • Mặc quần áo rộng rãi, có tính co giãn, đàn hồi, chất liệu vải mềm mịn để tránh ma sát lên vùng da bị đau.
  • Không gãi hay chà xát mạnh lên da.
  • Khi tắm rửa, nên dùng nước ấm và những loại xà phòng dịu nhẹ với da.
  • Không chườm nóng hay chườm lạnh lên da khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ vì việc này có thể khiến da bị tổn thương hơn.
  • Mặc quần áo tối màu hoặc đeo khẩu trang chống tia cực tím để che lại vùng da được xạ trị trước khi ra ngoài.
  • Hỏi bác sĩ về việc có nên sử dụng kem chống nắng hay không. Nếu được, hãy sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30 và thoa lại kem chống nắng thường xuyên.
  • Với các bệnh nhân nam có râu bị tổn thương da do xạ trị vùng đầu thì cần hỏi bác sĩ trước khi cạo râu.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi muốn bôi hay thoa bất cứ thứ gì lên da trong quá trình điều trị.
  • Không sử dụng băng, gạc hay dán bất cứ thứ gì lên da trừ khi bác sĩ yêu cầu.

Các cảm giác đau khác do xạ trị

Ngoài ra, tùy vào vùng chiếu xạ mà mỗi bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể.

  • Xạ trị vùng đầu - cổ: nhức đầu, đau họng, lở loét miệng lưỡi, đau tai,...
  • Xạ trị vùng ngực: đau họng, đau tức ngực,...
  • Xạ trị vùng chậu: tiểu buốt, đau rát khi đi tiểu
  • Xạ trị vùng bụng: đau bụng

Tóm lại, quá trình xạ trị thường không gây đau đớn hoặc cảm giác đau không dữ dội. Các tác dụng phụ mới là nguyên nhân chính gây khó chịu cho bệnh nhân.

Các điều trị hỗ trợ có thể cải thiện những khó chịu này, nhưng cũng luôn cần thời gian. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn về những phương pháp phòng tránh hoặc cải thiện các vấn đề này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare