Tìm hiểu ngay: Những nguyên nhân gây dọa sảy thai

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
Nguyên nhân gây dọa sảy thai
Nguyên nhân gây dọa sảy thai - Ảnh: BookingCare
Nguyên nhân hay yếu tố nào tác động khiến phụ nữ mang bầu bị dọa sảy thai là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Dọa sảy thai là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng chảy máu âm đạo và đau bụng bất thường xảy ra trong khi thai kỳ vẫn tiếp tục. Dấu hiệu doạ sảy thai có thể nhầm lẫn với các nguyên nhân ra máu trong 3 tháng đầu như ra máu do thai làm tổ, dịch màng nuôi,..Do vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường thì việc thăm khám bác sĩ để được phát hiện sớm tình trạng này là cần thiết.  

Nguyên nhân gây dọa sảy thai

Các triệu chứng của dọa sảy thai có thể xuất phát từ nhiều yếu tố bên trong cơ thể hoặc môi trường bên ngoài tác động. Dưới đây là một số nguyên nhân được ghi nhận phổ biến:

  • Bất thường nhiễm sắc thể do bố, mẹ hoặc cả 2 khiến thai nhị bị thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể.
  • Niêm mạc tử cung của người mẹ quá mỏng do có tiền sử  nạo phá thai nhiều lần. Niêm mạc tử cung mỏng gây khó khăn cho việc làm tổ của phôi và tăng nguy cơ dọa sảy thậm chí là sảy thai. Tiền sử nạo hút thai nhiều lần không những gây khó khăn cho quá trình làm tổ mà còn có thể gây tổn thương cổ tử cung là nguyên nhân gây sảy thai sau 12 tuần, sảy thai liên tiếp. 
  • Chị em trên 40 tuổi mang thai, đặc biệt là có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tuyến giáp cũng có nguy cơ cao bị dọa sảy hơn những người phụ nữ trẻ, khỏe mạnh.
  • Khi mang thai những tháng đầu, mẹ bầu mắc các vấn đề sức khỏe như sốt cao, suy tim, mất cân bằng nội tiết hay các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, u tử cung, tử cung tăng co bất thường…
  • Mẹ bầu thường xuyên phải lao động nặng nhọc, chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng khiến thai nhi yếu, kém phát triển.
  • Nhau thai gặp vấn đề khiến em bé không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc dọa sảy thai.
  • Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, stress kéo dài
  • Cơ thể bị chấn thương, va chạm. Nếu bị tác động vật lý ở mức độ nghiêm trọng, trường hợp xấu nhất là không thể giữ được thai nhi.
  • Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi cũng có thể khiến thai khó phát triển trong bụng mẹ.

Mẹ bầu bị dọa sảy thai cần chăm sóc cơ thể như thế nào?

Khi được chẩn đoán bị dọa sảy thai, chị em không nên quá hoang mang lo lắng. Nếu cơ thể được chăm sóc và theo dõi cẩn thận, thai nhi vẫn có thể phát triển khỏe mạnh.

Khi bị dọa sảy thai, chị em nên lưu ý những điều sau đây để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như em bé trong bụng được phát triển tốt nhất:

Nghỉ ngơi, thư giãn cả về thể chất lẫn tinh thần

Chị em bị dọa sảy thai nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, giữ tinh thần được ổn định và thoải mái. Không nên suy nghĩ hay lo lắng vì tâm trạng xấu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Một điều các mẹ nên an tâm là phần lớn những trường hợp dọa sảy đều sẽ ổn định trong thời gian sau đó. 

Không hoạt động mạnh hay làm những công việc nặng nhọc, tốn sức

Các hoạt động mạnh gắng sức gây sức ép lên bụng có thể gây hại cho thai nhi nên mẹ hãy tránh lao động nặng trong thời gian này, hạn chế làm việc nhà nhiều nhất có thể. Lao động quá sức, chơi các môn thể thao mạnh như đạp xe, chạy bộ, bơi lội... là những điều cần tránh.

Kiêng quan hệ tình dục

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng quan hệ tình dục ở mức độ nhẹ nhàng trong những tháng mang bầu không gây ảnh hưởng đến thai  nhi. Tuy nhiên, đối với chị em gặp tình trạng dọa sảy thai, những tác động bên ngoài dù là không đáng kể cũng có thể gây ra ảnh hưởng xấu.

Chị em nên đợi đến khi tình trạng ổn định trở lại, các dấu hiệu dọa sảy không còn nữa thì chị em có thể quan hệ vợ chồng bình thường.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày là điều quan trọng, đặc biệt là vitamin có trong rau củ quả. Trong trường hợp chị em bị ốm nghén không thể ăn uống đầy đủ, có thể dùng các loại viên uống bổ sung dinh dưỡng thay thế.

Khám thai định kỳ

Khám thai định kỳ là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp phát hiện những bất thường sớm và đưa ra phương pháp xử trí kịp thời. Qua mỗi lần khám thai, chị em cũng được các bác sĩ tư vấn chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để bảo vệ thai nhi an toàn và phát triển bình thường bên trong bụng mẹ.

Để có thể đảm bảo thai nhi phát triển an toàn, khỏe mạnh, chị em cần lưu ý theo dõi sức khỏe thường xuyên và thăm khám định kỳ. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường, chị em nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.