Tìm hiểu: Những nguyên nhân nào dẫn tới viêm ruột thừa
Những nguyên nhân đau ruột thừa
Nguyên nhân đau ruột thừa - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu: Những nguyên nhân nào dẫn tới viêm ruột thừa

Tác giả: - Xuất bản: 27/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 28/03/2024
Viêm ruột thừa là một bệnh lý thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm ruột thừa. Nếu bệnh không được phát hiện sớm sẽ gây nhiều biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Ruột thừa nằm phía dưới bụng phải. Đau  ruột thừa là tín hiệu để cảnh báo ruột thừa đang có vấn đề bất thường. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn tới hoại tử, vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc hoặc những biến chứng nặng nề khác ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người bệnh. Việc nắm được những nguyên nhân gây nên đau ruột thừa sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh.

Khái quát chung về ruột thừa

Ruột thừa là bộ phận nằm trong hệ thống tiêu hoá, có hình túi, một đầu kín đầu còn lại thông với manh tràng.  Ở trẻ nhỏ, ruột thừa là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Ở người trưởng thành, ruột thừa không còn tác dụng này, chức năng chính xác vẫn đang còn nghiên cứu. 

Vị trí ruột thừa thường nằm ở bụng dưới bên phải (hố chậu phải). Tuy nhiên có một số trường hợp ruột thừa nằm ở ngoài phúc mạc sau manh tràng hoặc trường hợp đảo ngược phủ tạng ruột thừa có thể nằm ở hố chậu trái.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến viêm ruột thừa thường gặp trên lâm sàng

Viêm ruột thừa là cấp cứu hay gặp nhất trong bệnh lý ngoại khoa ổ bụng. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng viêm ruột thừa. Nguyên nhân chính xác gây nên viêm ruột thừa khó xác định rõ. Tuy nhiên, có một vài lý thuyết được đưa ra:

  • Viêm ruột thừa xảy ra do nhiễm khuẩn trong lòng ruột thừa bị bít tắc, đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm ruột thừa. Các dị vật như sỏi phân, thức ăn (hạt, sợi rau...), ký sinh trùng, khối u hoặc khối hạch phì đại có thể gây tắc nghẽn lòng ruột thừa. Khi lòng ruột thừa bị tắc sẽ gây nên ứ đọng dịch tiết, dẫn tới tăng áp lực trong lòng ruột thừa ứ trệ tuần hoàn là yếu tố thuận lợi để vi khuẩn phát triển tạo mủ. Cuối cùng đưa đến tình trạng hoại tử ruột thừa (viêm ruột thừa tắc nghẽn).
  •  Nhiễm trùng đường tiêu hóa: thường do các chủng vi khuẩn như Salmonella, E.coli… hoặc một số loại virus. Các tác nhân này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch gây phản ứng viêm. : Thương tổn viêm bắt đầu từ vết loét trên niêm mạc ruột thừa, làm cho thành ruột thừa phù nề và làm tắc các mạch máu nuôi ruột thừa. Lúc này ruột thừa bị thiếu máu nuôi và hoại tử (viêm ruột thừa xuất tiết)
  • Ngoài ra, viêm ruột thừa có thể xuất hiện trong bệnh viêm ruột đặc hiệu như Crohn, viêm loét đại trực tràng… Thành ruột thừa có thể bị viêm như tình trạng chung của các đoạn ruột khác. 

Triệu chứng của viêm ruột thừa

  • Đau ruột thừa

Là triệu chứng điển hình và xuất hiện đầu tiên.

Mức độ đau đa dạng phụ thuộc vào diễn biến của bệnh. Ban đầu,  đau từ khu vực quanh rốn hoặc trên rốn. Sau đó cơn đau di chuyển khu trú dần xuống hố chậu phải, đau âm ỉ và đau tăng dần khi người bệnh di chuyển, thay đổi tư thế, ho, hít thở sâu,... 

  • Triệu chứng toàn thân

Sốt: người bệnh sốt nhẹ từ 37,5 - 38 độ C. Trong trường hợp sốt cao hơn cần phải tìm hay nghĩ tới các nguyên nhân khác, đặc biệt là viêm phần phụ phụ nữ hoặc viêm ruột thừa đã có biến chứng.

Hội chứng nhiễm khuẩn: người bệnh vẻ mặt hốc hác, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn

  • Rối loạn tiêu hoá

Người bệnh buồn nôn hoặc nôn là dấu hiệu hay gặp, đặc biệt là ở trẻ em

Ngoài ra chán ăn, ăn không ngon miệng, tiêu chảy 

Chẩn đoán viêm ruột thừa

  • Khám lâm sàng đánh giá tình trạng đau của người bệnh: khám nhẹ nhàng vùng hố chậu phải thấy cơ thành bụng căng hơn những vùng khác của ổ bụng càng ấn sâu cảm giác co cơ càng tăng. Ngoài ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có thể sẽ được thăm khám vùng chậu để loại trừ nguyên nhân gây viêm phần phụ gây ra. Các bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện để đưa ra định hướng chẩn đoán và chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác.
  • Xét nghiệm công thức máu: Đánh giá chỉ số bạch cầu tăng cao tuy nhiên ở một số bệnh nhân đặc biệt là người già chỉ số bạch cầu có thể thay đổi không đáng kể hoặc bình thường
  • Chẩn đoán hình ảnh: quan sát những hình ảnh bất thường của ruột thừa qua hình ảnh siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính, MRI. Bên cạnh đó kết quả của chẩn đoán hình ảnh cũng giúp bác sĩ loại trừ được các bệnh có  triệu chứng tương tự. 

Điều trị viêm ruột thừa

  • Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là nguyên tắc điều trị khi viêm ruột thừa cấp tính. Phẫu thuật sớm nhất khi có chẩn đoán chính xác nhằm tránh các biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ người bệnh. Có thể thực hiện phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi để cắt ruột thừa.
  • Điều trị nội khoa: sử dụng kháng sinh trong trường hợp ruột thừa viêm đã tiến triển thành đám quánh ruột thừa. Nếu đám quánh ruột thừa đáp ứng  tốt sau thời gian điều trị kháng sinh, sẽ được chỉ định cắt ruột thừa sau khoảng 3-6 tháng
  • Cần lưu ý đối với phụ nữ có thai tiến triển của viêm ruột thừa thường nhanh chóng dẫn tới hoại tử hay vỡ vậy nên việc chẩn đoán đúng và chỉ định mổ sớm trước khi hoại tử là điều cần thiết để bảo vệ sức khoẻ cho người mẹ và thai nhi.

Việc phát triển chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng về nguyên nhân và cách nhận biết các dấu hiệu viêm ruột thừa là việc quan trọng nên được thực hiện hiện nay. Từ đó, giúp chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng của bệnh ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết