Tìm hiểu phương pháp tiêm filler đang được ưa chuộng hiện nay
Tìm hiểu phương pháp tiêm filler đang được ưa chuộng hiện nay
Tiêm filler
Tiêm filler là hình thức làm đẹp rất phổ biến hiện nay - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu phương pháp tiêm filler đang được ưa chuộng hiện nay

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 08/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 08/04/2024
Tiêm filler là gì? Phương pháp làm đẹp phổ biến này có những ưu - nhược điểm gì, những ai nên và không nên tiêm filler, quy trình cũng như cách chăm sóc sau tiêm thế nào? Hãy tìm hiểu những thông tin này trong bài viết dưới đây.

Tiêm filler là một phương pháp làm đẹp không cần phẫu thuật được rất nhiều chị em ưa chuộng bởi tính an toàn và quy trình thực hiện đơn giản, nhanh chóng. Đây là giải pháp có thể cải thiện những nhược điểm trên khuôn mặt một cách tạm thời với chi phí hợp lý, giúp chúng ta có vẻ đẹp hài hòa, cân đối và trẻ trung hơn. 

Filler là gì? Tiêm filler có tác dụng gì?

Trải qua năm tháng, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói bụi hay căng thẳng, mất ngủ,... và rất nhiều nguyên nhân khác nữa sẽ khiến cho cơ thể chúng ta bị lão hóa.

Da cũng là một bộ phận của cơ thể và không thể tránh khỏi quá trình lão hóa này. Tuổi tác tăng lên đi kèm với đó là lượng collagen trong da giảm dần, khiến da trở nên lỏng lẻo, chảy xệ, mất đi độ đàn hồi. Làn da bắt đầu xuất hiện nhiều những nếp nhăn, các rãnh lớn đặc biệt là ở khóe miệng, khóe mắt, khóe mũi,...

Ngoài ra, một số người có những khuyết điểm hoặc những điểm chưa được hài lòng trên khuôn mặt như: môi mỏng, môi không cân đối, mặt lệch, đường viền hàm không rõ, cằm chẻ,...

Filler là chất làm đầy có thể giải quyết được tất cả những vấn đề này. Kể cả không có những khuyết điểm kể trên, bạn vẫn có thể tiêm filler nếu muốn có những thay đổi khiến khuôn mặt trở nên hoàn hảo và giúp bản thân tự tin hơn.

Có một số loại hoạt chất làm đầy da và chuyên gia sẽ tư vấn  cũng như thảo luận để bạn đưa ra sự lựa chọn. Giống như bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào, tiêm filler cũng đều có những rủi ro, có thể kể tới như nhiễm trùng, chảy máu và bầm tím. Các dịch vụ bảo hiểm y tế thường sẽ không chi trả cho những thủ thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy.

Filler có thể được tiêm vào rất nhiều vị trí như:

  • Môi
  • Cằm
  • Mũi
  • Thái dương
  • Trán
  • Hàm
  • Các nốt sẹo lõm

Những ứng dụng của việc tiêm filler có thể kể đến như:

  • Tạo hình môi trái tim
  • Giúp đôi môi mỏng trở nên đầy đặn, quyến rũ hơn
  • Cải thiện tình trạng lệch môi, khuôn môi không cân đối
  • Làm đầy sẹo rỗ, sẹo lõm
  • Giúp da căng bóng, cải thiện các nếp nhăn hay tình trạng da chảy xệ
  • Cải thiện tình trạng hõm thái dương, má hóp
  • Giúp đường viền hàm rõ nét hơn
  • Tạo hình cằm V-line
Tiêm filler trán
Tiêm filler có thể được sử dụng để làm đẹp ở nhiều vị trí trên khuôn mặt - Ảnh: Canva

Ưu điểm, hạn chế của phương pháp tiêm filler

Ưu điểm

Tiêm filler là một hình thức thẩm mỹ đơn giản, không cần phẫu thuật, không mất nhiều thời gian. Thông thường, chỉ cần 30 phút đến 1 giờ là bạn đã có thể hoàn thành quy trình tiêm filler.

Một số người có thể thấy ngay hiệu quả sau khi tiêm filler hoặc chỉ cần mất vài ngày cho đến một tuần là sẽ đạt được kết quả như mong muốn.

Tùy thuộc vào loại chất filler sử dụng mà hiệu quả sau khi tiêm sẽ kéo dài vài tháng hoặc thậm chí là vài năm. Một số chất làm đầy có thể duy trì tác dụng hơn hai năm.

Chi phí, giá thành cho mỗi lần tiêm filler cũng tương đối hợp lý, đỡ  tốn kém hơn nhiều so với những phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ phức tạp. Độ an toàn của phương pháp này cũng rất cao nếu như được thực hiện bởi các chuyên gia y tế có trình độ tốt .

Hạn chế

Tương tự như bất kỳ phương pháp thẩm mỹ nào, tiêm filler cũng có những rủi ro và tác dụng phụ nhất định. Hầu hết các tác dụng phụ liên quan đến tiêm filler sẽ xuất hiện ngay sau khi tiêm và tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tác dụng phụ có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm sau đó. 

Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:

  • Đau ở vị trí tiêm
  • Bầm tím
  • Sưng nề, tấy đỏ
  • Ngứa
  • Phát ban

Các tác dụng phụ hiếm gặp hơn thường chỉ xảy ra trong trường hợp quy trình tiêm filler không đảm bảo an toàn, vô khuẩn, sản phẩm tiêm không đảm bảo và do thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ không uy tín, gây ra những sai sót không đáng  có:

  • Viêm, nhiễm trùng ở vị trí tiêm
  • Xuất hiện nốt sần, u, hạt dưới da
  • Vết thương hở hoặc chảy dịch 
  • Dị ứng
  • Tắc mạch, hoại tử
  • Mù lòa
  • Đột quỵ

Những trường hợp không nên tiêm filler

Theo FDA Hoa Kỳ, chưa có khẳng định chắc chắn về tính an toàn của việc tiêm filler với người dưới 22 tuổi hay đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú.

Ngoài ra, một số người có những vấn đề sức khỏe nhất định được khuyến cáo không nên tiêm filler bao gồm: 

  • Người có cơ địa dễ bị sẹo lồi, sẹo phì đại
  • Da đang có tình trạng viêm, nhiễm trùng: u nang, mụn nhọt, phát ban hoặc nổi mề đay,...
  • Người bị rối loạn chảy máu.
  • Người bị dị ứng nặng hoặc có tiền sử sốc phản vệ
  • Người bị dị ứng với collagen hoặc trứng (một số loại filler có chứa collagen hoặc có nguồn gốc từ trứng)
  • Người bị dị ứng với các sản phẩm từ động vật (một số loại filler có chứa thành phần từ động vật).
  • Người bị dị ứng với thuốc gây tê như lidocain (một số loại filler có chứa lidocain).
  • Người bị dị ứng với vi khuẩn (một số loại filler có chứa Axit Hyaluronic - có nguồn gốc từ quá trình lên men của vi khuẩn).

Quy trình tiêm filler

Quy trình tiêm filler thông thường bao gồm các bước sau:

  • Bước 1 - Đánh giá vị trí tiêm: Bác sĩ sẽ cần đánh giá tình trạng khuôn mặt hay đặc điểm cụ thể mà bạn muốn tiêm để tư vấn về vị trí cũng như liều lượng filler cần tiêm.
  • Bước 2 - Sát khuẩn và gây tê: Vùng da xung quanh khu vực tiêm filler cần được làm sạch bằng các chất sát khuẩn. Sau đó, các bác sĩ sẽ ủ tê hoặc tiêm thuốc gây tê cục bộ tại vị trí tiêm nhằm giảm đau, giúp quá trình tiêm diễn ra thuận lợi.
  • Bước 3 - Tiến hành tiêm: Trong quá trình tiêm filler, bác sĩ có thể vừa tiêm vừa xoa nắn vùng da được tiêm để filler phân bố đều hơn. Việc tiêm thường  diễn ra nhanh chóng, chỉ mất vài phút.
  • Bước 4 - Theo dõi sau tiêm: Sau khi tiêm filler, bạn sẽ cần ở lại cơ sở thẩm mỹ ít nhất  30 phút để đảm bảo không gặp phải các tác dụng phụ đáng lo ngại như chảy máu, chóng mặt, buồn nôn, dị ứng,...

Cách chăm sóc sau khi tiêm filler

Sau khi tiêm filler, vị trí tiêm sẽ có những biểu hiện như sưng đau, bầm tím và cần thời gian để hồi phục. Bạn cần chú ý những điều dưới  đây để quá trình phục hồi được nhanh chóng, thuận lợi hơn:

  • Chườm mát giúp giảm các tình trạng đau, sưng, ngứa và bầm tím sau tiêm.
  • Tránh vận động mạnh, gắng sức trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi tiêm do huyết áp và nhịp tim tăng cao có thể làm tình trạng sưng tấy hoặc bầm tím trở nên trầm trọng hơn.
  • Uống nhiều nước giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ giúp cung cấp nước và vitamin, khoáng chất  để  cơ thể nhanh hồi phục.
  • Tránh ăn mặn vì dư thừa natri có thể làm tình trạng sưng tấy nặng hơn.
  • Tránh để vùng da tiêm filler tiếp xúc với nhiệt độ cao vì có thể làm vị trí tiêm sưng nề hơn.
  • Không nên tự ý dùng thuốc giảm đau mà cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước .
  • Tránh đụng chạm nhiều hay tác động mạnh vào vị trí tiêm filler.
  • Tránh trang điểm hay bôi bất kỳ chất gì không được bác sĩ chỉ định lên vùng da tiêm filler trong vòng 24 giờ đầu.
  • Không uống rượu bia vì nó có thể làm loãng máu, tăng khả năng gây viêm và khiến tình trạng sưng hoặc bầm tím nặng hơn. Bạn cũng nên tránh đồ uống có cồn vài ngày trước khi tiêm filler.
  • Không nên đi máy bay ngay sau tiêm filler vì áp suất không khí trong máy bay có thể khiến tình trạng sưng tấy và bầm tím trở nên trầm trọng hơn.

Trên đây là những thông tin bạn cần biết về phương pháp tiêm filler. Mong rằng bài viết đã giải đáp được phần nào những thắc mắc của độc giả về dịch vụ làm đẹp này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare