Tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh sốt vàng 
Tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh sốt vàng 
Bệnh nhân bị bệnh sốt vàng thể nặng có thể làm tổn thương nhiều phủ tạng, trong đó có suy gan - Ảnh BookingCare
Bệnh nhân bị bệnh sốt vàng thể nặng có thể làm tổn thương nhiều phủ tạng, trong đó có suy gan - Ảnh BookingCare

Tìm hiểu thông tin chi tiết về bệnh sốt vàng 

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 13/02/2024 | Cập nhật lần cuối: 13/02/2024
Sốt vàng là chứng bệnh sốt gây vàng da do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra. Đây là bệnh vi rút cấp tính gây ra các triệu chứng sốt đột ngột, nhịp tim chậm, đau đầu, nếu biểu hiện nặng sẽ có vàng da, xuất huyết và suy đa phủ tạng.

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) nhiều quốc gia có nguy cơ lây truyền bệnh sốt vàng, chủ yếu là các nước khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, trong đó khoảng 90% trường hợp mắc bệnh đến từ sa mạc Sahara. Ở Việt Nam vẫn chưa có ca bệnh sốt vàng lưu hành, nhưng có nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc ở những nước có dịch bệnh vẫn có nguy cơ mắc cao. 

Nguyên nhân gây bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng gây ra bởi loài virut thuộc họ Flaviviridae, có thể gây bệnh ở cả con người và các loài động vật linh trưởng khác. Khi bị muỗi đốt, virut xâm nhập vào cơ thể con người, theo hạch bạch huyết đến gây bệnh nhiều cơ quan khác như tổn thương gan, tổn thương thận, tổn thương cơ tim, rối loạn chức năng đông máu,…

  • Trong bệnh sốt vàng tại các thành phố, bệnh lây lan bởi muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này lây truyền bệnh bằng cách đốt một người mang vi rút gây bệnh, mang mầm bệnh và truyền mầm bệnh cho người qua vết muỗi đốt.
  • Trong bệnh sốt vàng da trong rừng (sylvatic), vi rút lây truyền qua loài muỗi Haemagogus và các loài muỗi tán rừng khác có thể mắc phải vi rút từ loài linh trưởng hoang dã. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong những tháng cao điểm mùa mưa, nóng ẩm ở Nam Mỹ và trong cuối mùa mưa và đầu mùa khô ở Châu Phi.

Như vậy, muỗi Aedes aegypti chứa virut là nguyên nhân chính gây bệnh sốt vàng

Triệu chứng cảnh báo cơ thể bạn đang mắc bệnh sốt vàng

Thông thường các triệu chứng của bệnh sốt vàng sẽ xuất hiện trong khoảng từ 3-6 ngày sau khi bị muỗi đốt. Đây là khoảng thời gian để virut xâm nhập vào các cơ quan của cơ thể con người và gây ra các triệu chứng bệnh tại cơ quan đó. 

  • Thời gian ủ bệnh: Từ 3-6 ngày sau khi nhiễm virut gây bệnh. Bệnh nhân sốt vàng có thể lây truyền bệnh từ trước khi sốt một vài ngày và sau sốt 3 – 7 ngày. Muỗi Aedes sau khi hút máu có nhiễm virus sốt vàng sẽ trở thành nguy hiểm trung bình từ 9-12 ngày, sau đó có khả năng truyền bệnh suốt đời.
  • Thời kỳ khởi phát bệnh: Bệnh nhân đột ngột sốt cao, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu không tương xứng với tăng thân nhiệt, có vàng da nhẹ, bạch cầu máu ngoại vi giảm.
  • Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn và tử vong.

Tỷ lệ tử vong ở thể nặng từ 20% tới 50% trong khi các bệnh sốt khác có tỷ lệ tử vong dưới 5%. Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sốt vàng

Khi một bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ bệnh sốt vàng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Nếu một trong các xét nghiệm dưới đây dương tính có thể chẩn đoán xác định người đó bị bệnh sốt vàng:

  • Phát hiện kháng thể IgM bằng phản ứng ELISA trong giai đoạn sớm của bệnh hoặc kháng thể IgG trong những giai đoạn muộn
  • Xét nghiệm nuôi cấy hoặc phản ứng PCR trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết. Có thể lấy dịch não tủy hoặc phủ tạng (sinh thiết) để phân lập phát hiện vi rút hoặc cho phản ứng huyết thanh miễn dịch.
  • Các phản ứng ngăn ngưng kết hồng cầu (HI), kết hợp bổ thể (CI) hoặc trung hòa (NT) phát hiện kháng thể IgG; phản ứng RT- PCR phát hiện dấu ấn di truyền của vi rút sốt vàng.

Để chẩn đoán phân biệt bệnh sốt vàng với các bệnh lý khác, bác sĩ còn chỉ định thêm các loại xét nghiệm: Công thức máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm đông máu, xét nghiệm nước tiểu, nuôi cấy virus, và xét nghiệm huyết thanh học.

Phân biệt bệnh sốt vàng với các bệnh sốt thông thường

Bệnh sốt vàng có triệu chứng khá giống với nhiều bệnh sốt lây truyền qua vết muỗi đốt khác, nhưng khác nhau ở loài muỗi truyền bệnh. Vì vậy, yếu tố quan trọng để phân biệt các bệnh lý truyền nhiễm là xác định rõ dịch tễ - người bệnh đang - đã từng sống ở vùng có lưu hành dịch sốt vàng. 

  • Bệnh sốt xuất huyết dengue, thể nặng có suy gan thận và vàng da.
  • Bệnh sốt Ebola và Marburg: có xuất huyết nặng, gan lách to, rối loạn tâm thần, tổn thương nhiều phủ tạng. Bệnh có thể du nhập từ ngoài vào Việt Nam.
  • Bệnh sốt Tây sông Nin: thể viêm não, màng não có suy gan, vàng da. Bệnh do muỗi truyền, có thể du nhập từ ngoài vào Việt Nam.

Trong các trường hợp chẩn đoán phân biệt, cần dựa vào kết quả xét nghiệm PCR phát hiện dấu ấn di truyền của vi rút hoặc phản ứng huyết thanh phát hiện các marker gián tiếp.

Phương thức lây truyền và cách dự phòng

Phương thức lây truyền

Bệnh lây theo đường máu do côn trùng đốt và hút máu người và động vật nhiễm bệnh, sau đó đốt, hút máu và truyền vi rút cho người lành. Loài muỗi Aedes được coi là véc tơ chính của vi rút sốt vàng, đồng thời cũng là ổ chứa mầm bệnh.

  • Tại khu vực có lưu hành bệnh sốt vàng ở vùng rừng núi Châu Mỹ và Châu Phi, vi rút được truyền từ loài khỉ sang người và giữa người với người bởi một số loài muỗi như Ae. africanus, Ae. bromelia, Ae. simpsoni, Ae. furcifer-taylor, Ae. leptocephalus, Ae. Albopictus và một số loài muỗi rừng thuộc nhóm Haemagogus.
  • Trong các vùng nông thôn và thành thị, bệnh lan truyền chủ yếu bởi loài muỗi Aedes aegypti. Muỗi sống gần người, hút máu người, song cũng có thể đốt động vật. Muỗi thường sinh sản ở những ổ nước sạch và phát triển mạnh nhất vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình tháng trên 20°C.
  • Bệnh không lây truyền do ăn uống, tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đồ dùng hàng ngày.

 Dự phòng bệnh sốt vàng

Mặc dù ở nước ta không phải là vùng dịch tễ của bệnh sốt vàng, tuy nhiên đây là một bệnh lý tương đối nguy hiểm, cần phải được dự phòng để tránh dịch bệnh lây lan. 

  • Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng là tiêm phòng vắc xin sốt vàng 17D. Vắc xin được tiêm dưới da cho bất kỳ đối tượng nào từ 9 tháng tuổi trở lên, dùng 1 liều duy nhất, hiệu lực đạt trên 90% và có thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài. Tuy nhiên nên tiêm nhắc lại vắc xin sau mỗi 10 năm ở những người đang sống trong vùng dịch lưu hành.
  • Việt Nam cho tới nay chưa có bệnh nhân sốt vàng, vì thế biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý  những trường hợp nghi mắc sốt vàng có thể xâm nhập.
  • Tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho cộng đồng tiến hành các biện pháp giám sát thường xuyên, khống chế việc sinh sản và diệt muỗi trưởng thành đối với loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư, đặc biệt là khi có cảnh báo về ca bệnh sốt vàng du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam.

Điều trị bệnh sốt vàng

Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị bệnh theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.

Việt Nam không phải là vùng dịch tễ của bệnh sốt vàng. Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là các kế hoạch dự phòng bệnh mà Bộ Y tế đã phát hành, bao gồm tiêm phòng vắc-xin 17D cho trẻ nhỏ,  kiểm dịch y tế vùng biên giới và tuyên truyền giáo dục cho nhiều người cùng biết để diệt muỗi, nhất là loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết