TOP 7 nguyên nhân dẫn đến vô kinh bạn nên biết
TOP 7 nguyên nhân dẫn đến vô kinh bạn nên biết
TOP 7 nguyên nhân dẫn đến vô kinh bạn nên biết - Ảnh: BookingCare

TOP 7 nguyên nhân dẫn đến vô kinh bạn nên biết

Tác giả: - Xuất bản: 27/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Dựa vào top 7 nguyên nhân dẫn đến vô kinh trong bài viết sau đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin về bệnh. Từ đó có biện pháp phòng bệnh vô kinh hiệu quả.

Có nhiều nguyên nhân gây vô kinh, các nguyên nhân có thể xuất phát từ thay đổi nội tiết do mang thai, cho con bú hoặc dùng thuốc, hoặc do thay đổi lối sống, sinh hoạt.

Các bệnh lí như hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome, PCOS), cường giáp hay suy giáp… có thể biểu hiện vô kinh. Ngoài ra còn nguyên nhân tiềm ẩn từ các bệnh nguy hiểm khác như u tuyến yên,...

Nguyên nhân gây ra vô kinh

Vô kinh có thể xảy ra vì nhiều lý do. Một số là bình thường, trong khi một số khác có thể là tác dụng phụ của thuốc hoặc là dấu hiệu của một số bệnh lý.

1. Vô kinh tự nhiên

Bạn có thể bị vô kinh vì những lý do tự nhiên, chẳng hạn như:

  • Thai kỳ
  • Cho con bú
  • Mãn kinh

2. Thuốc tránh thai

Một số phụ nữ dùng thuốc tránh thai đặc biệt nhóm thuốc chứa thành phần progestin như Implanon NXT, vòng Mirena… có tỉ lệ vô kinh khá cao. Ngay cả sau khi ngừng dùng thuốc tránh thai, có thể phải mất một thời gian trước khi rụng trứng trở lại đều đặn và kinh nguyệt trở lại. 

3. Thuốc

Một số loại thuốc có thể gây vô kinh, bao gồm một số loại:

  • Thuốc chống loạn thần
  • Hóa trị ung thư
  • Thuốc chống trầm cảm
  • Thuốc huyết áp
  • Thuốc dị ứng

4. Yếu tố lối sống

Đôi khi các yếu tố lối sống góp phần gây vô kinh, ví dụ:

  • Trọng lượng cơ thể. Những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn vô độ, thường rối loạn kinh nguyệt do những thay đổi nội tiết tố bất thường.
  • Tập thể dục quá mức. Phụ nữ tập luyện cao độ, chẳng hạn như múa ba lê, có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt của họ bị gián đoạn. Một số yếu tố kết hợp lại góp phần làm mất kinh ở vận động viên, bao gồm lượng mỡ trong cơ thể thấp, căng thẳng và tiêu hao năng lượng cao.
  • Căng thẳng. Căng thẳng tinh thần có thể tạm thời làm thay đổi chức năng của vùng dưới đồi - đây là vùng não kiểm soát các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Kết quả là sự rụng trứng và kinh nguyệt có thể dừng lại. 

5. Mất cân bằng hóc môn

Nhiều bệnh khác có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, bao gồm:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Rối loạn điều hòa nội tiết vùng hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng được coi là cơ chế chính gây ức chế phát triển nang trứng, gây vô kinh ở những phụ nữ có hội chứng PCOS .
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp. Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể gây ra kinh nguyệt không đều, bao gồm cả vô kinh.
  • Khối u tuyến yên. Một khối u ngay cả không phải ung thư (lành tính) trong tuyến yên của bạn có thể cản trở việc điều hòa nội tiết tố trong kinh nguyệt.
  • Mãn kinh sớm. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu vào khoảng tuổi 50. Tuy nhiên, đối với một số phụ nữ, lượng trứng cung cấp cho buồng trứng giảm dần trước tuổi 40 và dẫn tới mất kinh.

6. Vấn đề về kết cấu cơ quan sinh dục

Các vấn đề với cơ quan sinh dục cũng có thể gây vô kinh. Những ví dụ bao gồm:

  • Sẹo tử cung. Hội chứng Asherman,là tình trạng tổn thương lớp nội mạc tử cung và màng đáy lớp nội mạc dẫn đến hình thành cấu trúc xơ dính buồng tử cung, đôi khi có thể xảy ra sau khi nong và nạo tử cung (D&C), mổ lấy thai hoặc điều trị u xơ tử cung. Sẹo tử cung ngăn cản sự bong tróc bình thường của nội mạc tử cung và dẫn đến vô kinh.
  • Thiểu sản cơ quan sinh dục. Đôi khi các vấn đề phát sinh từ khi phát triển phôi của thai nhi dẫn đến thiếu các bộ phận của hệ thống sinh sản, chẳng hạn như tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo. Bởi vì hệ thống sinh sản chưa phát triển đầy đủ nên chu kỳ kinh nguyệt không thể xảy ra sau này.
  • Cấu trúc bất thường của âm đạo. Sự tắc nghẽn của âm đạo có thể ngăn ngừa chảy máu kinh nguyệt. Một màng hoặc thành có thể hiện diện trong âm đạo ngăn chặn dòng máu chảy ra từ tử cung và cổ tử cung.

7. Các yếu tố rủi ro

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ vô kinh bao gồm:

  • Tiền sử gia đình. Nếu những người phụ nữ khác trong gia đình bạn từng bị vô kinh, bạn có thể đã thừa hưởng khuynh hướng mắc bệnh này.
  • Rối loạn ăn uống. Nếu bạn mắc chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn hoặc ăn vô độ, bạn có nguy cơ mắc chứng vô kinh cao hơn.
  • Luyện tập thể chất. Tập luyện thể thao nghiêm ngặt có thể làm tăng nguy cơ vô kinh.
  • Tiền sử từng làm một số thủ thuật phụ khoa. Bệnh nhân có tiền sử nong và nạo buồng tử cung, đặc biệt liên quan đến mang thai hoặc từng thực hiện khoét chóp bằng vòng điện (LEEP), nguy cơ vô kinh của có thể cao hơn.

Vô kinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chị em cần chú ý đến dấu hiệu bệnh và không nên tự ý điều trị mà cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết