Triệu chứng nhận biết chứng phình động mạch chủ bụng

Tác giả: - Xuất bản: 25/10/2023 - Cập nhật lần cuối: 06/11/2023
Triệu chứng nhận biết chứng phình động mạch chủ bụng
Triệu chứng nhận biết chứng phình động mạch chủ bụng - Ảnh: BookingCare
Phình động mạch chủ bụng chỉ có triệu chứng khi chúng dọa vỡ hoặc có sự lóc tách tại chỗ phình.. Do đó, cần thực hiện khám sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện và kiểm soát kịp thời bệnh lý này.

Hiện tượng động mạch chủ ở vùng bụng bị tổn thương khiến thành động mạch bị yếu đi, không chịu được áp lực máu khiến chúng bị phình ra bất thường được gọi là bệnh lý phình động mạch chủ bụng. Điều nguy hiểm của tình trạng này chính là chúng không phát triển triệu chứng cho đến khi chúng dọa vỡ. Việc tầm soát, khám sức khỏe thường xuyên là cách hiệu nhất để phòng ngừa cũng như chẩn đoán sớm bệnh.

Các triệu chứng nhận biết phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng thường phát triển chậm mà không có triệu chứng rõ rệt. Do đó, bệnh lý này rất khó để phát hiện. 

Hầu hết những người mắc phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng cho đến khi chúng gần vỡ. Vào thời điểm đó, bạn có thể sẽ phát triển một hoặc nhiều các triệu chứng sau:

  • Đau sâu, đau liên tục tại vùng bụng hoặc phía sau lưng
  • Đau ở chân, háng hoặc vùng xương chậu
  • Cảm giác đập trong bụng giống như nhịp tim

Khi chứng phình động mạch chủ bị vỡ là một trường hợp cần phải cấp cứu y tế, các triệu chứng xuất hiện rất đột ngột, bao gồm:

  • Đau dữ dội ở bụng, lưng dưới hoặc chân.
  • Hụt hơi.
  • Tim đập nhanh.
  • Huyết áp thấp.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Da ẩm ướt, đổ mồ hôi

Trường hợp nhận thấy bản thân mình hoặc những người xung quanh có những triệu chứng giống như trên, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức bằng cách gọi cấp cứu hoặc cứu trợ y tế của địa phương.

Phương pháp chẩn đoán và sàng lọc phình động mạch chủ bụng

Vì chứng phình động mạch chủ bụng thường không gây ra các triệu chứng nên các chuyên gia y tế thường phát hiện tình trạng này thông qua các chỉ định chẩn đoán được yêu cầu cho các tình trạng sức khỏe khác. 

Những chỉ định chẩn đoán này bao gồm:

  • Chụp cắt lớp vi tính (còn gọi là chụp CT hoặc CAT): Phương pháp này sử dụng tia X và công nghệ máy tính để tạo ra các hình ảnh nằm ngang hoặc dọc (thường được gọi là lát cắt) của cơ thể. Chụp CT cho thấy hình ảnh chi tiết của bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, bao gồm xương, cơ, mỡ và các cơ quan. Quét CT chi tiết hơn so với chụp X-quang tiêu chuẩn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp sử dụng sự kết hợp của nam châm lớn, tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.
  • Siêu âm tim qua thực quản (TEE). Xét nghiệm này sử dụng siêu âm tim để kiểm tra chứng phình động mạch, tình trạng van tim hoặc sự hiện diện của vết rách ở niêm mạc động mạch chủ. TEE được thực hiện bằng cách đưa một đầu dò xuống vùng thực quản qua đường miệng.
  • Chụp động mạch (angiogram). Đây là hình ảnh X-quang của các mạch máu được sử dụng để đánh giá các tình trạng như chứng phình động mạch, hẹp mạch máu hoặc tắc nghẽn. Thuốc nhuộm (chất cản quang) sẽ được tiêm qua một ống mỏng, dẻo đặt trong động mạch. Thuốc nhuộm làm cho các mạch máu nhìn thấy được trên tia X.

Ngoài ra, người có nguy cơ cao mắc chứng phình động mạch chủ bụng, chẳng hạn như đàn ông từ 65 đến 75 tuổi hiện đang hoặc đã từng hút thuốc, được khuyến nghị nên sàng lọc siêu âm 6 - 12 tháng một lần để được chẩn đoán sớm chứng phình động mạch chủ bụng. Từ đó, có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời, ngăn chặn trường hợp nguy hiểm khi phình động mạch chủ bị vỡ.