Triệu chứng bệnh glôcôm đáng lưu tâm
Triệu chứng bệnh glôcôm đáng lưu tâm
triệu chứng tăng nhãn áp
Triệu chứng bệnh glôcôm sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu khác biệt tùy từng thể bệnh - Ảnh: BookingCare

Triệu chứng bệnh glôcôm đáng lưu tâm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 12/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Trong giai đoạn đầu, bệnh glôcôm thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nổi bật khiến nhiều người bỏ lỡ và chỉ phát hiện ra khi bệnh tiến triển nặng.

Bệnh glôcôm là tình trạng tăng nhãn áp hoặc không tăng nhãn áp nhưng gây tổn thương dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não. Nguyên nhân gây bệnh thường do tắc nghẽn dòng chảy thủy dịch ở tiền phòng mắt  làm tăng áp lực bên trong mắt.

Bệnh glôcôm có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu về các triệu chứng glôcôm trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Triệu chứng của bệnh glôcôm

Trong giai đoạn đầu, bệnh glôcôm thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nổi bật. Nó có xu hướng phát triển chậm trong nhiều năm và trước tiên sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn ngoại vi (khả năng nhìn không gian xung quanh mà không cần đảo mắt) của bạn.

Vì lý do này, nhiều người không nhận ra mình mắc bệnh và bệnh thường chỉ được phát hiện khi kiểm tra mắt định kỳ.

Những bệnh nhân bị glôcôm có thể sẽ gặp phải một số triệu chứng chung chung và khó phân biệt như: Khó khăn trong việc nhìn thấy trong bóng tối, ánh sáng kém, thay đổi thường xuyên lực của mắt, thấy quầng mờ, giảm tầm nhìn, nhìn thấy quầng sáng quanh bóng đèn, đau, đỏ trong mắt và đôi khi có buồn nôn.

Khi bệnh phát triển nặng hơn bệnh nhân sẽ nhận thấy những dấu hiệu đặc trưng hơn. Đối với những loại glôcôm khác nhau sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu khác biệt, bao gồm:

Triệu chứng glôcôm góc đóng cơn cấp

  • Bệnh nhân đau nhức mắt đột ngột dữ dội, lan lên đỉnh đầu, kèm theo dấu hiệu mắt đỏ, mi nề, sợ ánh sáng, chảy nước mắt
  • Bệnh nhân nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ
  • Kết mạc cương tụ rìa mạnh, giác mạc phù nề, tiền phòng nông, giảm tính trong suốt
  • Đồng tử giãn méo, mất phản xạ, bờ đồng tử mất viền sắc tố, mống mắt cương tụ
  • Thể thủy tinh mờ đục, có thể rạn bao thể thủy tinh
  • Dịch kính phù nề, mất độ trong suốt, không soi rõ đáy mắt
  • Soi góc tiền phòng thấy góc đóng toàn bộ chu vi, có thể có dính góc
  • Nhãn áp tăng cao, nhãn cầu căng cứng như hòn bi

Triệu chứng glôcôm góc đóng bán cấp

  • Thỉnh thoảng bệnh nhân xuất hiện những cơn đau nhức mắt, nhức đầu thoảng qua kèm theo nhìn mờ, qua cơn thị lực trở lại bình thường
  • Các cơn tăng dần về tần suất, mức độ, thị lực ngày càng giảm, kèm theo là kết mạc cương tụ nhẹ, giác mạc phù nề nhẹ, tiền phòng nông, đồng tử giãn méo, phản xạ kém, mống mắt có đám thoái hóa, mất viền sắc tố bờ đồng tử
  • Thể thủy tinh và dịch kính phù nhẹ
  • Khi soi đáy mắt thường thấy có lõm teo đĩa thị giác đặc hiệu của glôcôm
  • Soi góc thấy góc tiền phòng đóng, nhãn áp cao

Triệu chứng glôcôm góc đóng mạn tính

  • Bệnh thường ít gặp và cũng rất ít triệu chứng. Không có triệu chứng đau nhức hoặc đau nhức rất nhẹ.
  • Thị lực giảm dần, phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã bị mù hoặc gần mù một mắt.
  • Kết mạc không cương tụ, giác mạc trong, tiền phòng nông, góc tiền phòng đóng. Khi đo, nhãn áp có thể cao hoặc có thể không cao. Lõm teo đĩa thị điển hình kiểu glôcôm. Chức năng thị giác tổn hại nhiều.

Triệu chứng glôcôm góc mở

  • Bệnh xuất hiện âm thầm, tiến triển mạn tính, lần lượt qua từng giai đoạn, thị lực trung tâm thường được bảo tồn đến giai đoạn sau của bệnh.
  • Người bệnh không nhận thấy thị lực ngày càng bị giảm nên thường đến khám ở giai đoạn muộn khi bệnh đã tiến triển nặng. Đa số người bệnh không đau nhức mắt hay đau nhức đầu.
  • Một số người có cảm giác nặng, căng tức mắt thoáng qua, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, xuất hiện thành từng cơn ngắn rồi lại tự hết. Triệu chứng không rõ ràng nên thường ít được người bệnh quan tâm.

Như vậy, trên đây là những triệu chứng glôcôm đáng lưu tâm. Glôcôm là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai trên thế giới sau đục thủy tinh thể, vậy nên bạn đọc không nên chủ quan nếu nghi ngờ mắc bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết