Triệu chứng trượt đốt sống lưng bạn cần biết
Triệu chứng trượt đốt sống lưng bạn cần biết
Trượt đốt sống
Đau thắt lưng là triệu chứng thườn gặp của trượt đốt sống - Ảnh BookingCare

Triệu chứng trượt đốt sống lưng bạn cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/03/2024
Trượt đốt sống thắt lưng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau và diễn tiến âm thầm nên thường được phát hiện muộn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu kĩ hơn về triệu chứng căn bệnh này.

Bệnh trượt đốt sống thắt lưng có thể được chẩn đoán trên lâm sàng với các biểu hiện cụ thể của hội chứng cột sống và hội chứng chèn ép rễ thần kinh. Bác sĩ sẽ thăm hỏi về tiền sử bệnh, khám kỹ các triệu chứng và đưa ra các chỉ định xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh

Bị trượt đốt sống có thể xuất hiện những triệu chứng gì?

Khi bị trượt đốt sống, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng của 2 hội chứng sau: 

  • Hội chứng cột sống
  • Hội chứng chèn ép rễ

Hội chứng cột sống

  • Đau thắt lưng, co cứng cơ cạnh sống, hạn chế tầm vận động của cột sống.
  • Lúc đầu, bệnh nhân thấy đau vùng thắt lưng, đau khi đi, đứng lâu, cúi gập cột sống. Sau đó, đau làm người bệnh khó thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng. Có khi cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa. 
  • Người bệnh càng hoạt động nhiều thì càng đau nhiều, nghỉ ngơi thì giảm đau. 
  • Trường hợp nặng, bệnh nhân có dáng đi giống trẻ tập đi.

Hội chứng chèn ép rễ

  • Đau dọc theo rễ thần kinh chi phối, rối loạn cảm giác, teo cơ theo vùng phân bố của rễ thần kinh. 
  • Đau dọc theo rễ thần kinh thường được biểu hiện đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân do thần kinh tọa bị chèn ép.
  • Đau tăng lên khi ho, hắt hơi.
  • Đôi khi bệnh nhân giảm hoặc mất cảm giác vùng rễ thần kinh chi phối. Một số trường hợp xuất hiệnteo cơ, hạn chế vận động cẳng, bàn chân.

Các giai đoạn tổn thương của trượt đốt sống 

Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng thường phụ thuộc vào từng mức độ của trượt đốt sống. 

Trượt đốt sống được phân thành 5 cấp độ theo tiêu chuẩn Meyerding. Mỗi cấp độ trượt được xác định dựa theo tỉ lệ trên phim chụp X quang quy ước ở tư thế nghiêng. Tỷ lệ trượt đốt sống được tính bằng khoảng cách trượt với độ rộng của thân đốt sống trượt, cụ thể:

  • Độ 1: Trượt 0% đến 25% thân đốt sống.
  • Độ 2: Trượt 25% đến 50% thân đốt sống.
  • Độ 3: Trượt 50% đến 75% thân đốt sống.
  • Độ 4: Trượt 75% đến 100% thân đốt sống.
  • Độ 5: Trượt đốt sống hoàn toàn (trên 100%), đốt trên hoàn toàn rời khỏi bề mặt thân đốt dưới.

Thông thường người bệnh trượt đốt sống độ 1 thường sẽ khó cảm nhận cơn đau. Tuy nhiên khi mức độ trượt tăng dần sẽ gây ra một số biểu hiện như:

  • Giai đoạn nhẹ: Khó cảm nhận được cơn đau.
  • Giai đoạn đau: 
    • Đau lưng, đặc biệt đau thắt lưng, đau lưng dưới. Cơn đau tăng khi đi lại, cúi người, đứng lâu, giảm khi nằm và nghỉ ngơi. Cúi, ngửa người khó khăn.
    • Cơn đau có thể lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Thay đổi tư thế gặp khó khăn.
  • Giai đoạn đau nặng:
    • Thay đổi dáng đi, tư thế. Co cứng thắt lưng, đau căng cơ mặt trong đùi.
    • Tần suất đau tăng, đau cả khi nằm nghỉ ngơi. Tê bì chân tay.

Khi nào bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ? 

Khi gặp phải các cơn đau thắt lưng có biểu hiện như mô tả phía trên, người bệnh cần chủ động liên hệ bác sĩ để được thăm khám kịp thời trong trường hợp:

  • Các cơn đau không có dấu hiệu thuyên giảm ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Tình trạng tê bì chân tay nặng nề hơn.
  • Đi lại khó khăn.
  • Cảm nhận lưng bị gù, cột sống bị cong.

Các triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó, đau vùng thắt lưng là triệu chứng hay gặp nhất. Trượt đốt sống thắt lưng để lại nhiều hậu quả nặng nề. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám khi cơ thể mình có những dấu hiệu bất thường. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết