Trượt đốt sống và những điều bạn cần biết
Trượt đốt sống và những điều bạn cần biết
Trượt đốt sống
Trượt đốt sống có thể gây tàn phế suốt đời - Ảnh BookingCare

Trượt đốt sống và những điều bạn cần biết

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 21/03/2024
Trượt đốt sống thắt lưng nếu không điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tê bì chân tay, đi đứng khó khăn, teo cơ, thậm chí là tàn phế.

Người bệnh trượt đốt sống thường phải chịu đựng những cơn đau thắt lưng lan xuống một hoặc hai chân, đi lại khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày. Cùng BookingCare tìm hiểu một số kiến thức, nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh trượt đốt sống.

Trượt đốt sống là gì? 

Trượt đốt sống tình trạng đốt sống trên trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau vùng thắt lưng, đi đứng khó khăn và thường đau lan xuống một hoặc hai chân.

Nguyên nhân gây ra trượt đốt sống thắt lưng

5 loại trượt đốt sống, được phân loại dựa trên căn nguyên gây trượt đốt sống lưng:

  • Loại 1, bẩm sinh: do các khiếm khuyết về giải phẫu của mấu khớp như: thiểu sản mấu khớp,thường có dị tật gai đôi cột sống.
  • Loại 2, khuyết eo: do hiện tượng gãy xương và liền xương xảy ra liên tục ở vùng eo; chấn thương làm gãy eo gây trượt, thường xảy ra ở thanh thiếu niên hoặc thanh niên là vận động viên.
  • Loại 3, thoái hóa: thường gặp ở nữ giới, trên 60 tuổi. do thoái hóa khớp xảy ra đồng thời với viêm xương khớp.
  • Loại 4, chấn thương: do gãy xương, trật khớp hoặc chấn thương khác gây trượt đốt sống
  • Loại 5, bệnh lý: do nhiễm trùng, ung thư hoặc các bất thường về xương khác.

Trượt đốt sống thường xảy ra ở các đốt sống thắt lưng L3-L4, L4-L5, hoặc phổ biến nhất là L5-S1. Đốt sống bị trượt do khuyết eo hay do thoái hóa là nguyên nhân hàng đầu. 

Triệu chứng trượt đốt sống thắt lưng?

  • Giai đoạn đầu, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc chỉ có đau lưng thoáng qua.
  • Giai đoạn đau thắt lưng, đau lưng nhiều, đau khi bệnh nhân đi, đứng lâu, cúi ngửa cột sống, sau đó đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân, đôi khi kèm tê, đau tăng lên khi ho, hắt hơi. Đau tăng khi cột sống phải chịu lực như khi đứng, đi bộ, lao động,... nhưng nằm nghỉ thì hết đau hoặc đau giảm hẳn. Bệnh nhân thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng lên khó khăn. Đôi khi, bệnh nhân cảm nhận được sự trượt của đốt sống khi cúi, ngửa.
  • Giai đoạn nặng, bệnh nhân thay đổi tư thế và dáng đi, co cứng cơ ở thắt lưng và sự căng cơ ở mặt trong đùi, đi hơi khom lưng về phía trước, có thể kèm theo vẹo cột sống sang bên. Tình trạng đau cột sống thắt lưng mạn tính từng đợt, đau theo cơn và các cơn đau ngày càng xuất hiện dày lên. Khi người bệnh sử dụng áo nẹp cột sống thì triệu chứng này giảm rõ rệt.

Chẩn đoán trượt đốt sống như thế nào?

Trong chẩn đoán trượt đốt sống, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các kỹ thuật sau:

  • Chụp X-quang cột sống thắt lưng các tư thế như đứng thẳng, nghiêng, cúi - ưỡn tối đa. Trong một số trường hợp sẽ cần chụp thêm X-quang chếch 3⁄4 (phải, trái). Kết quả X-quang giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí vàmức độ trượt của đốt sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): đây làphương pháp chẩn đoán rất có giá trị đánh giá về cấu trúc xương, xác định vị trí, mức độ trượt và các tổ thương của eo, mấu khớp, hẹp ống sống...
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là công cụ lý tưởng để đánh giá tổn thương về mô mềm và sự chèn ép thần kinh trong trượt đốt sống thắt lưng. Thông qua kết quả cộng hưởng từ, bác sĩ có thể phát hiện các nguyên nhân gây chèn ép thần kinh như đĩa đệm thoát vị, dây chằng dày, các tổ chức xơ sẹo, hẹp lỗ ghép,...

Điều trị trượt đốt sống thắt lưng

Điều trị nội khoa

Phần lớn bệnh nhân trượt đốt sống được điều trị nội khoa sẽ cải thiện rõ rệt các cơn đau

  • Đối với bệnh nhân  ở tuổi thiếu niên, nên nằm nghỉ ngơi, mặc áo cố định ngoài và hạn chế các hoạt động gây đau có thể cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
  • Đối với bệnh nhân là người trưởng thành, điều trị bảo tồn gồm:
    •  Cố định ngoài và hướng dẫn các vận động phù hợp.
    • Chỉ định nằm nghỉ trong các đợt đau cấp.
    •  Sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau Điều trị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tập các bài tập tăng cường sức cơ lưng, đùi và bụng.
    • Giảm cân đối với người béo phì.

Phẫu thuật 

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật trong những trường hợp sau:

  • Trượt đốt sống đã được điều trị bảo tồn bằng thuốc ít nhất 6 tuần và  sau 6-12 tháng điều trị bảo tồn mà không giảm, ảnh hưởng sinh hoạt và lao động.
  • Bệnh nhân đau nhiều, không đáp ứng với các biện pháp nghỉ ngơi và dùng thuốc.
  • Trượt đốt sống gây các biến chứng: liệt vận động một hoặc hai chân, teo cơ, rối loạn cơ vòng bàng quang (bí tiểu).
  • Trượt đốt sống nặng, tiến triển do khuyết eo đốt sống ở trẻ nhỏ.

Phẫu thuật điều trị trượt cột sống được thực hiện với mục đích là giải phóng chèn ép thần kinh và làm vững cột sống.

Biến chứng có thể xảy ra nếu không được điều trị?

Tình trạng này nếu trì hoãn điều trị có thể khiến người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với hội chứng chùm đuôi ngựa. Đây là là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, ảnh hưởng đến chức năng vận động, cảm giác tới hai chân, bàng quang và trực tràng.

Biến chứng này khi tiến triển nặng có thể dẫn tới tình trạng đại tiểu tiện không tự chủ, tê liệt hai chân vĩnh viễn. Người bệnh thường phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu.

Khi nào bệnh nhân cần đi khám bác sĩ?

  • Khi xuất hiện đau lưng hơn 1 tuần, gây khó chịu trong hoạt động thường ngày.

  • Đau lưng xảy ra ngay sau khi ngã hoặc sau chấn thương.

  • Đau lưng kèm theo tê chân, vận động gập cúi người khó khăn.

Trượt đốt sống có nguy hiểm hay không?

Đây là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Tùy từng trường hợp, mức độ bệnh khác nhau mà biến chứng nhận được sẽ khác nhau.

  • Những trường hợp chỉ bị dưới 50% đốt sống do khuyết eo đốt sống gây ra thì cũng không quá nghiêm trọng. Người bệnh sẽ bị đau thắt lưng, đau dần xuống chân. Những trường hợp ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị được, thậm chí là không cần điều trị vẫn khỏi.
  • Những trường hợp trượt đốt sống do khuyết eo ở cấp độ nặng sẽ khiến cột sống bị lệch hơn 50% và gây nên gù. Biến chứng này hiếm gặp, chỉ chiếm 10% và thường xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên. Người bệnh sẽ đi khom lưng về phía trước hoặc bị vẹo cột sống sang một bên.
  • Nếu không được khắc phục kịp thời, khi xoay lưng khung chậu cũng xoay theo hai bên cơ hông teo đi do không hoạt động.

Tóm lại, trượt đốt sống có thể khiến người bệnh đau thắt lưng, đi lại khó khăn, thậm chí có trường hợp teo cơ vùng chi dưới, liệt rễ thần kinh, đại tiện không tự chủ. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị tích cực khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết