Tư vấn tâm lý miễn phí cùng Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Tư vấn tâm lý miễn phí cùng Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Tư vấn tâm lý miễn phí cùng Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh - Ảnh: BookingCare

Tư vấn tâm lý miễn phí cùng Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh

Tác giả: - Xuất bản: 13/09/2024 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2024
Nếu bạn đang có băn khoăn, tâm sự cần được chuyên gia giải đáp, đừng ngần ngại chia sẻ với Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh để được chuyên gia tư vấn miễn phí nhé!

Chương trình Lắng nghe Teen kể số 11 sẽ quay trở lại vào cuối tuần này (21/9 -  22/9/ 2024) với sự đồng hành của Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh.

Chương trình được tổ chức hoàn toàn miễn phí, các thành viên có thể thoải mái chia sẻ tâm sự, khó khăn của mình để được chuyên gia giải đáp thắc mắc và đưa ra lời khuyên hữu ích!

Thông tin chương trình Tư vấn Tâm lý - Sức khỏe tinh thần

Trong chương trình Lắng nghe Teen kể số 11 này, BookingCare rất vui mừng khi nhận được lời đồng ý tham gia của Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh.

Thông tin chuyên gia:

Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh là một chuyên viên tâm lý trẻ, đầy tài năng với kinh nghiệm thực hành nhiều năm. Dưới đây là một số thông tin nổi bật về Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh:

  • Chuyên gia tham vấn Tâm lý và Trị liệu Tâm lý, Trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần BrainCare (10/2021 - nay)
  • Giám sát chuyên môn, Đường dây nóng ngày mai (05/2021 - nay)
  • Nhà tham vấn và Trị liệu Tâm lý, Không gian tâm lý Hà Thành - Sophia Psylad (03/2021 - 10/2021) 
  • Chuyên viên phòng tham vấn học đường, Trung tâm ứng dụng và thực hành tâm lý Bình Minh (05/2020 - 12/2020)
  • Thực tập sinh khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương (05/2019 - 08/2019)
  • Thực tập sinh khoa Tâm lý, Bệnh viện Thần kinh Trung ương I (02/2019 - 05/2019)
  • Trợ lý diễn giả, Trung tâm thực hành ứng dụng Tâm lý Mindalife (10/2018 - 01/2019)
  • Thực tập sinh tham vấn học đường, Trường Trung học Cơ sở Ngô Sĩ Liên - Hà Nội (09/2017 - 01/2018)
  • Thế mạnh chuyên môn: Chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý cho thanh thiếu niên về vấn đề:
    • Hàn gắn các mối quan hệ, trị liệu các rối loạn tâm thần.
    • Điều trị chứng nghiện, đặc biệt là nghiện Game/Internet

Thời gian diễn ra chương trình: 20h00 ngày 21 tháng 09 năm 2024 - 20h ngày 22 tháng 09 năm 2024.

Hình thức:

  • Chương trình sẽ diễn ra trong Group: Tư vấn Tâm lý - Sức khỏe tinh thần của BookingCare. 
  • Các thành viên đặt câu hỏi hoặc chia sẻ câu chuyện của mình bằng cách bình luận trực tiếp trong bài đăng tư vấn được Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh đăng vào 20h (thứ 7 - 21/9). Chuyên viên sẽ phản hồi trực tiếp dưới phần bình luận trong các khung giờ 10h - 11h và 15h - 16h (Chủ nhật - 22/9).  

Đặt câu hỏi cho Thạc sĩ tâm lý Lê Thế Hanh ngay hôm nay

Tránh trường hợp nhiều thành viên lỡ mất thời gian tham gia chương trình hoặc muốn gửi câu hỏi đến chuyên gia dưới dạng ẩn danh, BookingCare sẽ tiếp nhận câu hỏi trước khi hoạt động diễn ra. Bạn đọc có thể yên tâm đặt câu hỏi trước tại đây.

BookingCare sẽ tổng hợp lại câu hỏi và gửi đến Thạc sĩ tâm lý Lê Thế Hanh. Mọi thông tin về người đặt câu hỏi sẽ được bảo mật! Sau chương trình, các câu hỏi được chuyên gia giải đáp, BookingCare cũng sẽ gửi lại câu trả lời tới email của bạn đọc. 

Hy vọng BookingCare sẽ nhận được thật nhiều câu hỏi của bạn đọc để chương trình "Lắng nghe teen kể" được diễn ra sôi nổi và hiệu quả hơn! Đừng quên chia sẻ bài viết đến người thân, bạn bè để mọi người cùng được chuyên gia tư vấn nhé!

Câu hỏi đã được đặt
Huyền
Nữ
, 2000 tuổi
, Hà Nội
Mình hiện đang là giáo viên, có một số câu hỏi như sau: 1. Làm thế nào để thấu hiểu được tâm lý của học sinh? 2. Nếu 1 em học sinh có định hướng sai lệch về tương lai, làm như thế nào?
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Chào cô giáo, hiện tại mình đang phụ trách khối cấp mấy vậy ạ? Vì mỗi khối cấp sẽ có một đặc tính tâm lý khác nhau và hoạt động phát triển cũng là khác nhau, sau quá trình làm tham vấn học đường tôi có một số khuyến nghị kết nối với học sinh như sau: 1/lắng nghe tích cực các suy nghĩ của HS cho phép các bạn ấy được nói ra vấn đề của bản thân mình, 2/ thấu hiểu câu chuyện của HS như cách mà bạn ấy đang suy nghĩ từ đó phân tích và thảo luận những giải pháp xử lý tình huống phù hợp. 3/ tôn trọng những cảm xúc và suy nghĩ của HS, khi học HS được chấp nhận và tôn trọng bạn ấy sẽ sẵn sàng nhận lỗi và sửa lỗi của bản thân. 4/ đồng hành cùng HS với những khó khăn mà bạn ấy chưa thể thay đổi được ngay. Trên đây là một số kiến nghị hy vọng sẽ giúp được cô giáo phần nào
VKĐT
Nam
, 24 tuổi
, Hải Phòng
Một số người có hành vi dằn vặt, cắn dứt, đôi khi tự làm đau bản thân vì những sự việc diễn ra trong quá khứ. Biểu hiện này diễn ra từ rất lâu về trước và vẫn kéo dài cho đến hiện tại. Liệu đây có phải là một căn bệnh về tâm lí hay không hay là biểu hiện bình thường? Có cách nào khắc phục được không?
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Hành vi này sẽ có thiên hướng xuất hiện nhiều ở rối loạn trầm cảm, bạn cần được một nhà chuyên môn đánh giá xem liệu tiến trình biểu hiện đã trở thành bệnh hay chưa. Tuy nhiên hành vi làm đau bản thân là một hành vi nguy hiểm lên sự toàn vẹn cơ thể, cho nên hành vi này cần được hỗ trợ tâm lý ngay bạn ạ.
Thảo
Nữ
, 17 tuổi
, Tây Ninh
Em bị lừa đảo một số tiền, đây là số tiền em tiết kiệm gần 2 năm, em còn đi học nên không thể kiếm tiền, trong đầu em luôn suy nghĩ làm sao kiếm lại số tiền đã mất, nó cứ ám ảnh trong đầu khiến em rất mệt mỏi không thể nào tập trung làm việc khác. Bây giờ em bị dằn vặt trong đầu về chuyện này khiến em bị stress ,đau đầu. , đêm ngủ bị giật mình thức giấc, lo lắng, ù tai. Em phải làm sao bậy giờ ạ.
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Khi bị mất tiền chắc chắn sẽ cảm thấy khó chịu, mất mát và đặc biệt là cảm giác bất lực không thể thay đổi được sự kiện đã diễn ra và đôi khi mình ước mình không đưa ra quyết định sai lầm nào. Anh cũng đã gặp nhiều tình huống bị lừa tiền rất nhiều em ạ, ngay cả người thân của anh cũng bị lừa, có ít bị lừa ít có nhiều bị lừa nhiều. Tâm lý đằng sau sự kiện này là cảm thấy mình dại dột, hay bất kỳ suy nghĩ nào làm giá trị bản thân bị thấp đi, vậy nên anh mong rằng nếu em thật sự muốn thoát khỏi vòng xoáy suy nghĩ hiện tại thì em cần yêu thương bản thân mình hơn, tha thứ được cho mình trước, chấp nhận rằng của đi thay người và rồi em vẫn còn tồn tại vẫn có thể đi làm kiếm ra tiền, và rút ra bài học để mình cẩn trọng hơn về câu chuyện tài chính trong tương lại. Anh muốn chia sẻ với em rằng Việt Nam mình trong nhưng năm gần đây thuộc top đầu Quốc gia bị lừa đảo tài chính và ngoài em cũng có nhiều người không may bị lừa và hành vi lừa đảo cũng rất tinh vi. Hy vọng em sẽ sớm vực dậy được tinh thần và tiếp tục có niềm tin vào sự tươi sáng của cuộc sống.
Me
Nữ
, 20 tuổi
, Hà Nội
Em bị Áp lực đồng trang lứa, không theo kịp bạn bè, lo lắng về tiền bạc, quá stress vì thời đại mới đồng tiền ngày càng mất giá. Em đang là sinh viên năm 3, sắp sang năm 4, chuyên ngành Kế Toán. Em thấy mọi người bảo làm kế toán vừa áp lực vừa dễ lao vào vòng lao lý, mà em thì cũng không thích ngành này lắm, đợt đăng kí là do chọn bừa ạ. Giờ em đang rất hoang mang. Anh tư vấn giúp em với ạ :(((
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Lời chia sẻ mang tính cá nhân của anh: mình đã theo học chương trình này một thời gian rồi thì mình nên học xong chương trình đại học để làm nền tảng cho hoạt động công việc sau này. Các áp lực em đang gặp phải sẽ gặp ở nhiều bạn bị mất định hướng cho tương lai, vậy nên một khuyến nghị được nói đến nhiều nhất đó là hãy hoàn thành những gì mình đang làm vì nếu không làm thì mình cũng chưa biết làm gì em ạ. Sẽ hơi khó để mình tìm ra được định hướng bản thân thông qua một vài chia sẻ. Vậy nên mình cần dành thời gian để quan sát cuộc sống và tìm ra hoạt động mình muốn làm trong thời điểm này. Hy vọng em sẽ có được một ánh sáng soi chiếu nào đó trong sự mờ mịt hiện tại. Trước khi tìm được ánh sáng đó thì vẫn cứ làm những gì đang làm nhé!
Trần Duy Hiếu
Nam
, 23 tuổi
Tôi đã có một số mâu thuẫn với cha mẹ về cách nuôi dạy con cái trong tương lai. Làm sao để tìm được tiếng nói chung mà không gây căng thẳng?
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Tôi đang hiểu là bạn đã có em bé và bạn đang mâu thuẫn với ông bà về việc nuôi dạy đứa trẻ đó trong tương lai thì tôi hiểu vậy có đúng không ạ? Vì khoảng cách thế hệ thì quan điểm cũng khác nhau. Bạn cần bình tĩnh để nói chuyện lại với ông bà về nhiệm vụ và vai trò của từng người trong gia đình, ai là người có nhiệm vụ dạy trẻ học tập, ăn ngủ nghỉ, cũng như kỷ luật và dạy trẻ tuân thủ kỷ luật trong cuộc sống...
Đỗ Trung Hiếu
Nam
, 26 tuổi
Tôi thường cảm thấy áp lực từ gia đình về việc kết hôn và sinh con. Làm thế nào để tôi có thể xử lý những áp lực này mà không làm căng thẳng mối quan hệ với gia đình?
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Bạn có thể tìm đọc quyển sách Một mình tìm một nửa của tác giả Đặng Hoàng Ngân có thể tìm được một số khuyến nghị hữu ích trong chủ đề hôn nhân này. Với tôi thì câu chuyện này mang yếu tố văn hoá ở Việt Nam mình vậy nên bạn cũng cần khéo léo để hoà hợp giữa mình và mọi người. Vì là yếu tố truyền thống thì bạn cần quan sát nhu cầu của mình có muốn theo truyền thống hay không. Nếu muốn thì sẽ dễ hơn, còn khi bạn đi ngược lại thì bạn cần chứng tỏ rằng bạn ổn và hạnh phúc với lựa chọn của mình. Hy vọng bạn sẽ tìm được cách nói chuyện với gia đình phù hợp nhé.
Nguyễn Đăng Thế Anh
Nam
, 2004 tuổi
, Hà Nội
Em bị điếc bẩm sinh và gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp, em cũng rất tự ti khi gặp gỡ mọi người xung quanh. Chuyên gia có thể cho em lời khuyên được không ạ
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Thạc sĩ Tâm lý Lê Thế Hanh
Chào em nhé, con người có 1 khả năng là thích nghi với khó khăn, vấn đề về bẩm sinh thì không thay đổi được vậy nên mình sẽ cần dần học cách chấp nhận và từ từ học cách hoà nhập với xã hội bên ngoài. Với trải nghiệm của anh về cộng đồng người Điếc thì các bạn đều rất dễ thương và có một cộng đồng hỗ trợ nhau khá mạnh. Em cần tự tin hoà mình với cộng đồng điếc của mình trước, sau đó mình hoà nhập với mọi người xung quanh. Anh đã từng đi ăn cơm trưa với một chị người Điếc và hai chị em nói chuyện với nhau bằng nhắn tin trong điện thoại, vẫn kể chuyện với nhau bình thường, chúc em sẽ sớm hoà nhập tốt với mọi người nhé.
Xem thêm