U não được chẩn đoán bằng các phương pháp nào?
Chẩn đoán bệnh u não
Chẩn đoán bệnh u não - Ảnh: BookingCare

U não được chẩn đoán bằng các phương pháp nào?

Tác giả: - Xuất bản: 22/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Bệnh u não được chẩn đoán bằng các phương pháp nào? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Các triệu chứng của bệnh u não dễ khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Chỉ khi được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết, người bệnh mới có thể xác định chính xác tình trạng bệnh của mình.

Dưới đây là các phương pháp chẩn đoán bệnh u não

Các bài test thần kinh

Các bài test thần kinh sẽ kiểm tra các phần khác nhau trong não của người bệnh để xem chúng hoạt động như thế nào. Bài kiểm tra này có thể bao gồm kiểm tra thị lực, thính giác, thăng bằng, phối hợp,vận động, cảm giác  và phản xạ của bạn. 

Nếu người bệnh gặp nhiều vấn đề, đây là đầu mối để bác sĩ định khu vị trí tổn thương ừ đó lựa chọn phương pháp chuyên sâu hơn.

Ví dụ: bác  sĩ khám và đề nghị người bệnh giơ và giữ hai tay về phía trước , nếu một tay rơi hơn tay kia hoặc không giơ được một tay. Như vậy là một tay của người bệnh bị liệt nhẹ và bác  sĩ sẽ yêu cầu chụp cắt lớp vi tính sọ não hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não.

Chụp CT đầu (Chụp cắt lớp vi tính - Computed Tomography)

Phương pháp này sử dụng máy chiếu tia X phối hợp với hệ thống máy tính chuyên dụng để tạo nên máy chụp cắt lớp vi tính. Chụp CT rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi vì cho ra  kết quả rất nhanh chóng và  chi phí phải chăng. 

Do đó, CT có thể là xét nghiệm hình ảnh đầu tiên được thực hiện nếu bạn bị đau đầu hoặc các triệu chứng khác có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra.

Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, người ta thấy được hình ảnh xương sọ, nhu mô não, các thùy não, não thất  và mạch máu trong sọ nếu chụp CT mạch máu não.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho phép chẩn đoán u xương sọ, u não, dãn não thất,  tụ máu trong não, phù não, …. Hiện nay có nhiều loại máy chụp cắt lớp vi tính, và những thế hệ máy mới có tính năng vượt trội hơn các thế hệ máy cũ.

Chụp cộng hưởng từ não (MRI - Magnetic Resonance Imaging)

Chụp cộng hưởng từ, còn gọi là MRI, sử dụng từ trường để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. MRI thường được sử dụng để phát hiện các khối u não vì nó cho thấy não rõ ràng hơn các xét nghiệm hình ảnh khác.

Hình ảnh não bộ trên phim chụp cộng hưởng từ là hình ảnh cắt theo không gian ba chiều (ảnh cắt đứng ngang, ảnh cắt đứng dọc và ảnh cắt ngang). Trên hình ảnh cộng hưởng từ, tín hiệu của tổ chức não lành khác với tín hiệu của tổ chức u não.

Đôi khi, người bệnh cần sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ đặc biệt để có thể tạo ra những bức ảnh chi tiết hơn:

  • MRI chức năng
  • MRI phổ
  • MRI mạch máu não

Chụp PET não (PET Scan)

Nếu hình ảnh cắt lớp vi tính và hình ảnh cộng hưởng từ là hình ảnh tĩnh của não bộ thì hình ảnh PET Scan là hình ảnh động của não bộ. PET Scan mô tả hình ảnh hoạt động của não bằng cách đo lượng đường (glucose) mà tổ chức não hay khối u tiêu thụ.

Bệnh nhân thường được tiêm một chất đánh dấu phóng xạ. Sau đó, người ta chụp ảnh hoạt động của não. Với phương pháp hiện đại này, người ta có thể phân biệt được tổ chức não lành, khối u não, sẹo sau mổ não, tế bào hoại tử…

Chụp PET có thể hữu ích nhất để phát hiện các khối u não đang phát triển nhanh chóng. Ví dụ bao gồm u nguyên bào thần kinh đệm và một số u thần kinh đệm ít nhánh. Các khối u não phát triển chậm có thể không được phát hiện khi chụp PET. Các khối u não không phải là ung thư có xu hướng phát triển chậm hơn, do đó chụp PET ít hữu ích hơn đối với các khối u não lành tính. 

Sinh thiết

Sinh thiết là một phẫu thuật đơn giản với mục đích lấy một mảnh mô nhỏ từ khối u não. Mẫu mô này sẽ được xử lý qua các công đoạn sau đó soi dưới kính hiển vi. Bác sĩ chuyên về tế bào học, giải phẫu bệnh sẽ nghiên cứu hình ảnh tế bào của khối u để chẩn đoán đó là khối u gì,  lành tính hay  ác tính.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, người ta có thể thực hiện sinh thiết dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị (stereotaxy) hoặc hệ thống thần kinh dẫn đường (neuronavigation). Với hệ thống này, bác sĩ chỉ cần rạch ra 2cm, khoan một lỗ nhỏ trên sọ và đưa kim đầu tù nhỏ vào trong khối u để lấy mảnh tế bào  não.

Như vậy, để chẩn đoán chính xác khối u não, người bệnh có thể dựa vào nhiều thành tựu công nghệ tiên tiến và chẩn đoán xác định bản chất của khối u.

Tất cả những phương pháp này hiện nay đã được thực hiện tại các bệnh viện ở Việt Nam với độ chính xác cao, an toàn và nhanh chóng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết