Ung thư thanh quản - hạ họng là bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ rất hay gặp, theo GLOBOCAN 2018 ung thư hạ họng thanh quản đứng thứ 16 và 19 trong các loại ung thư nói chung. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới (90%) và có liên quan nhiều đến vấn đề nghiện rượu, hút thuốc lá, hít nhiều các khí thải độc hại... Cùng tìm hiểu kỹ hơn về bệnh ung thư thanh quản qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư thanh quản
Nguyên nhân ung thư thanh quản hiện nay vẫn chưa được hiểu chính xác. Bất kỳ tác nhân nào làm thay đổi sự tăng trưởng của tế bào biểu mô thanh quản đều có thể dẫn tới tổn thương ác tính tế bào niêm mạc che phủ vùng thanh quản. Sự thay đổi trong DNA của tế bào làm tế bào tăng sinh mất kiểm soát là khởi đầu của một bệnh lý ác tính.
Bên cạnh đó cũng có nhiều yếu tố đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư thanh quản như:
- Thuốc lá và rượu bia: Khoảng 80 - 90% các ca bệnh ung thư thanh quản mà các bác sĩ điều trị đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Các nghiên cứu cho thấy, những người hút thuốc từ 20 - trên 20 điếu thuốc/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 - 25 lần so với người không hút thuốc. Nếu hút thuốc và uống rượu thì nguy cơ ung thư sẽ cao hơn nhiều.
- Loạn sản niêm mạc, có tiền sử tia xạ vùng cổ là yếu tố thuận lợi gây ra sự biến đổi ác tính tế bào niêm mạc che phủ vùng thanh quản.
- Các tổn thương ác tính là yếu tố gây bệnh ung thư thanh quản: Mắc bệnh lý thanh quản mạn tính, bạch sản hoặc sừng hóa thanh quản, u nhú thanh quản, polyp dây thanh ở người già.
- Các yếu tố khác: Vệ sinh răng miệng kém, dinh dưỡng kém, virut, di truyền, nghề nghiệp có tiếp xúc với các chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các triệu chứng thường gặp trong bệnh ung thư thanh quản
Hầu hết các triệu chứng của bệnh ung thư thanh quản rất khó phân biệt với các triệu chứng của bệnh ở đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện dưới đây kéo dài không khỏi, chúng ta nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để sàng lọc bệnh ung thư:
- Nuốt: vướng, nghẹn, đau.
- Khàn tiếng kéo dài, tăng dần, không khỏi sau điều trị kháng viêm. Trường hợp nặng có thể mất tiếng.
- Tiếng nói ông ổng như có cộng hưởng - “nói qua ống thổi”.
- Khó thở từ nhẹ đến nặng dần, khó thở thì thở vào.
- Nổi hạch cổ cùng với bên tổn thương. Ung thư giai đoạn muộn hạch cổ có thể lan sang cả hai bên. Gặp nhiều hạch cổ giữa và dưới, hạch rắn chắc. Giai đoạn sớm còn di động, về sau không di động.
- Giai đoạn muộn thấy vùng sụn giáp to chắc, nổi gồ như sờ vào mai rùa. Toàn thân gầy, sút cân, da xanh tái.
Chẩn đoán bệnh ung thư thanh quản
Để chẩn đoán xác định bệnh ung thư thanh quản cần dựa vào 2 yếu tố: các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ.
Khám lâm sàng
- Nội soi hạ họng - thanh quản: quan sát trực tiếp tổn thương, xác định vị trí, tính chất thương tổn, đồng thời qua nội soi thực hiện sinh thiết u làm chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học.
- Xét nghiệm mô bệnh học: là xét nghiệm bắt buộc phải làm, nó được coi là “tiêu chuẩn vàng” chẩn đoán. Trên 95% ung thư thanh quản là ung thư biểu mô vảy với các mức độ xâm nhập và độ biệt hóa khác nhau.
Chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp CT scan và MRI vùng cổ - thanh quản có thể sử dụng thuốc cản quang: xét nghiệm này giúp cho việc đánh giá khá chính xác mức độ xâm lấn của tổn thương vào tổ chức phần mềm xung quanh. Trên phim, có thể thấy khá rõ u đã xâm lấn đến vùng nào thanh quản, thấy rõ các hạch cổ bị di căn ung thư. Chụp CT scan cũng giúp cho việc mô phỏng lập kế hoạch xạ trị sau này.
- Xét nghiệm tế bào được chỉ định khi có hạch sờ thấy trên lâm sàng, tế bào học cho biết hạch cổ đó có di căn ung thư hay không.
Ngoài các xét nghiệm quan trọng kể trên, bệnh nhân nghi ngờ mắc ung thư thanh quản còn được chỉ định các xét nghiệm khác để phục vụ cho việc điều trị - theo dõi sau điều trị bệnh:
- Siêu âm gan và ổ bụng: tìm di căn.
- Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn..
- Chụp PET/CT với 18F-FDG trước điều trị để chẩn đoán u nguyên phát, chẩn đoán giai đoạn bệnh; chụp sau điều trị để theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; mô phỏng lập kế hoạch xạ trị.
- Đo thông khí phổi, đánh giá chức năng hô hấp của bệnh nhân, tiên lượng cho việc mở khí quản chủ động sau này.
- Các xét nghiệm huyết học: công thức máu, sinh hóa máu, chức năng đông máu, các chất chỉ điểm u... nhằm đánh giá tính trạng toàn thân bệnh nhân cũng như các bệnh khác phối hợp nếu có.
- Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (tumor marker): SCC; Cyfra 21-1; CEA; CA 19-9 nhằm theo dõi đáp ứng điều trị, phát hiện tái phát, di căn xa.
Chớ nhầm lẫn bệnh ung thư thanh quản với các bệnh ở đường hô hấp trên
90% bệnh nhân bị ung thư thanh quản có tỉ lệ sống sau 5 năm khi được phát hiện ở giai đoạn T1 và T2. Tuy nhiên các triệu chứng ở giai đoạn sớm thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh ở đường hô hấp khác, do vậy cần cần cảnh giác khi các dấu hiệu này xuất hiện ở người lớn tuổi, nghiện thuốc lá-rượu, không đáp ứng với các điều trị thông thường.
Phân biệt ung thư thanh quản với một số bệnh lý dưới đây:
- Viêm thanh quản cấp và mạn tính: bệnh nhân khàn tiếng đột ngột sau cảm cúm hoặc người nói nhiều khàn tiếng kéo dài. Điều trị chống viêm giảm phù nề bệnh sẽ giảm, soi thanh quản không có u.
- Lao thanh quản: khàn tiếng kéo dài, tăng dần, soi thanh quản thấy nhiều chất xuất tiết ứ đọng bẩn, bệnh nhân sốt về chiều, chụp Xquang phổi thường thấy tổn thương lao phổi.
- Các khối u lành tính thanh quản: u xơ dây thanh, polyp thanh quản, u nhú thanh quản... chẩn đoán chủ yếu dựa vào sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học.
Điều trị ung thư thanh quản
Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe toàn thân của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định một hoặc phối hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính.
Phẫu thuật
Thanh quản nằm ở giữa và phía trước của vùng cổ, nằm bên dưới xương móng. Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà ung thư thanh quản được chia thành: ung thư thanh môn, ung thư thượng thanh môn và ung thư hạ thanh môn.
- Ung thư thanh môn: phẫu thuật cắt dây thanh, cắt thanh quản bán phần, cắt thanh quản trên sụn nhẫn khi dây thanh di động. Cắt thanh quản toàn bộ khi dây thanh cố định.
- Ung thư thượng thanh môn và hạ thanh môn: phẫu thuật cắt thanh quản toàn bộ.
Trong trường hợp có hạch thì cần lấy bỏ toàn bộ hạch nhìn thấy và những vùng có nguy cơ cao. Nạo vét hạch cổ triệt căn - vét theo cấu tạo giải phẫu.
Xạ trị
Xạ trị thường được chỉ định cho 2 trường hợp sau:
- Tổn thương nhỏ, khu trú: xạ trị đơn thuần điều trị bảo tồn thanh quản.
- Tổn thương lan rộng, không phẫu thuật được: Trường hợp này có thể kết hợp hóa trị đồng thời với xạ trị nếu sức khỏe bệnh nhân cho phép.
Hóa trị
Hóa trị trong ung thư thanh quản hạ họng, hóa chất chủ yếu được chỉ định phối hợp đồng thời với xạ trị nhằm mục đích tăng mức độ nhạy cảm của tế bào ung thư với tia bức xạ góp phần giảm liều xạ, chống tái phát và di căn của ung thư.
Bệnh ung thư thanh quản có tiên lượng tốt, tỉ lệ người sống sau 5 năm lên đến 90% nếu ung thư được chẩn đoán và điều trị triệt để ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy, chúng ta đừng quên đi khám bệnh định kỳ, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư thanh quản nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời (nếu có).