Viêm gân bánh chè: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm gân bánh chè: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè là bệnh lý khá phổ biến - Ảnh: medium.com

Viêm gân bánh chè: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 13/07/2023 | Cập nhật lần cuối: 07/10/2023
Viêm gân bánh chè có thể gây ra biến chứng đứt gân. Khi bị viêm gân bánh chè, nếu triệu chứng không thuyên giảm gây ra đau đớn, sung tấy, bệnh nhân cần đi khám ngay với các bác sĩ để kịp thời điều trị.

Viêm gân bánh chè có thể cần điều trị kéo dài và phức tạp tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Người bệnh nên sớm đi khám với các bác sĩ Cơ xương khớp để quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Với người bệnh, người nhà đang tìm hiểu thông tin bệnh lý, nội dung BookingCare chia sẻ dưới đây sẽ mang đến cho bạn đọc kiến thức tổng quát, dễ hiểu về viêm gân bánh chè. 

Viêm gân bánh chè là gì?

Xương bánh chè là khối xương nhỏ nằm trước khớp gối. Xương có thể di chuyển lên, xuống, nghiêng và xoay. Chức năng của xương bánh chè là giúp chân di chuyển, đứng thẳng bằng cách giảm áp lực lên khớp gối.

Xương bánh chè liên kết với xương cẳng chân bằng gân bánh chè. Gân bánh chè được tạo từ các mô sợi bền và dai nên rất chắc khỏe, giúp duỗi thẳng cơ đùi, bắp chân khi vận động.

Tình trạng viêm gân bánh chè phổ biến nhất với các vận động viên thể thao như cầu thủ, người chơi bóng rổ, bóng đá và bóng chuyền,... vì khớp gối phải hoạt động liên tục thường xuyên, kéo dài. 

Gân bánh chè
Xương bánh chè liên kết với xương cẳng chân bằng gân bánh chè - Ảnh: mountelizabeth.com.sg

Triệu chứng viêm gân bánh chè

Đau là triệu chứng đầu tiên của viêm gân bánh chè mà người bệnh có thể cảm nhận được. Cơn đau thường nằm ở vị trí trước gối nơi gân bị viêm. Lúc đầu đau âm ỉ và ngày càng tăng dần, nhất là khi vận động gối gấp duỗi, chơi thể thao. Người bệnh có thể cảm nhận cơn đau khi đi lên và xuống cầu thang,... 

Ban đầu, bạn có thể chỉ cảm thấy đau ở đầu gối khi hoạt động thể chất hoặc ngay sau khi tập luyện cường độ cao. Theo thời gian, cơn đau tăng dần và bắt đầu cản trở việc chơi thể thao. Cuối cùng, cơn đau cản trở các cử động hàng ngày như leo cầu thang hay đứng dậy khỏi ghế. 

Nếu các triệu chứng đau không giảm hoặc nặng hơn, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, sinh hoạt hoặc nhận thấy tình trạng sưng, phù nề, tấy đỏ, người bệnh cần đến khám và tư vấn ngay với bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân gây viêm gân bánh chè

Gân bánh chè nếu chịu các lực liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gân. Sự căng thẳng dẫn đến những vết rách nhỏ ở gân. Khi các vết rách trong gân nhân lên, chúng sẽ gây đau do viêm và làm yếu gân. Khi tổn thương gân này kéo dài hơn một vài tuần, nó được gọi là bệnh viêm gân.

Do vậy sẽ có 1 số nguyên nhân khiến bạn gặp phải tình trạng viêm gân bánh chè bao gốm:

  • Cường độ và tần suất hoạt động thể chất của gối: Nhảy lặp đi lặp lại thường xuyên, tăng đột ngột cường độ hoạt động thể chất thể thao,... Viêm gân bánh chè do vậy thường gặp ở những vận động viên, người chơi thể thao phải sử dụng động tác của gối mạnh, liên tục, ví dụ như các vận động viên nhảy cao, nhảy xa, bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền,...
  • Thừa cân/béo phì làm tăng áp lực lên gân bánh chè, dẫn đến tăng nguy cơ viêm gân bánh chè.
  • Người có giải phẫu bất thường: Lệch trục chi, xương bánh chè lên cao, mất cân bằng cơ, teo cơ cẳng chân,...

  • ...

Phương pháp chuẩn đoán viêm gân bánh chè

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện các xét nghiệm cơ bản như: 

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X.quang: X quang không cho thấy gân bánh chè, nhưng có thể giúp loại trừ vấn đề về xương khác có thể gây đau đầu gối.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm: kiểm tra tình trạng gân và phát hiện tổn thương ở mô mềm

Điều trị viêm gân bánh chè

Tùy theo mức độ vận động và thói quen hằng ngày, viêm gân bánh chè có thể phát triển theo hai hướng tự khỏi hoặc chuyển sang mạn tính. Tuy nhiên, việc chủ quan trong điều trị có thể dẫn tới các biến chứng nặng như đứt gân bánh chè, đứt gân cơ tứ đầu, suy yếu cơ chân, đau gối mạn tính. 

Nếu xuất hiện tình trạng sưng tấy và phù nề ở gối, cơn đau không giảm hay trở nặng hơn, ảnh hưởng lớn tới khả năng đi lại, bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời. 

Về phương pháp điều trị, người bệnh có thể được chỉ định điều trị theo 1 trong 2 phương pháp sau: 

  • Điều trị bảo tồn
  • Phẫu thuật nếu sau 12 tháng điều trị kết hợp bảo tồn không mang lại kết quả

Điều trị bảo tồn

Thời gian điều trị bảo tồn kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Tùy tình trạng người bệnh sẽ được chỉ định:

  • Nghỉ ngơi, giảm các hoạt động mạnh gây áp lực lên gân bánh chè
  • Vật lý trị liệu tăng cường sức mạnh cho gân bánh chè, cơ tứ đầu đùi, cơ vùng cẳng chân, liệu pháp sóng (Extracorporeal) sử dụng song âm để điều trị…
  • Đeo dây ép gân bánh chè: Đây là loại dây đeo áp lực đến gân bánh chè có thể giúp phân phối lực ra khỏi gân và trực tiếp thông qua dây thay thế. Từ đó có thể giúp giảm đau.
  • Sử dụng thuốc: thuốc kháng viêm, giảm đau (NSAID), tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP), tiêm corticosteroid dưới hướng dẫn của siêu âm.

Phẫu thuật

Trong trường hợp viêm gân bánh chè mãn tính, điều trị bảo tồn trên1 năm không có kết quả, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật có thể bao gồm xử trí các tổn thương trong gân bánh chè.

Hầu hết người bệnh viêm gân bánh chè thường điều trị bảo tồn. Phẫu thuật viêm gân bánh chè mạn tính hiếm khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một năm, điều trị bảo tồn không có kết quả, phương pháp phẫu thuật được xem xét thực hiện. 

Chăm sóc viêm gân bánh chè hiệu quả tại nhà

Ngoài tuân theo chỉ định của bác sĩ, việc chăm sóc, điều trị tại nhà đóng vai trò quan trọng. Nếu bạn hoặc người thân được chẩn đoán viêm gân bánh chè, có thể xem xét một số hướng dẫn sau đây để giảm đau tại nhà:

  • Tránh các hoạt động gây đau, chuyển sang các môn thể thao ít gây áp lực lên gân bánh chè. Đừng cố gắng làm việc, tập luyện mà bỏ qua nỗi đau, vì điều này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến gân bánh chè.

  • Nếu đau đầu gối khi chơi thể thao cần nghỉ ngơi, chườm đá, giảm đau. Nên đặt đá trong một túi nhựa và quấn túi trong một chiếc khăn. Lạnh sẽ giúp giảm đau và giảm sưng.

Ngoài ra bạn có thể thực hiện một số bài tập để cải thiện tình trạng đau nhức như:

  • Bài tập giãn cơ giúp cải thiện tình trạng co thắt cơ. Lưu ý khi tập không nên thực hiện động tác quá nhanh hoặc đột ngột.
  • Bài tập nâng cao sức cơ giúp tăng cường sức mạnh ở các cơ vùng chân, rất hữu ích cho quá trình điều trị viêm gân bánh chè. Vì cơ đùi yếu sẽ tạo nhiều áp lực lên gân xương bánh chè.

Sống chung với bệnh viêm gân bánh chè 

Với người tập thể dục thể thao, hoạt động chạy bộ:

  • Trước khi vào bài tập chính, nên thực hiện các bài tập giãn cơ để giúp tăng tính đàn hồi cho cơ và gân, giảm nguy cơ chấn thương
  • Không chơi thể thao khi đau gối. viêm gân bánh chè cần được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhất

  • Tránh các hoạt động là nguyên nhân gây đau, giảm mức độ hoặc chuyển sang các môn thể thao gây áp lực lên gân bánh chè ít hơn

  • Nếu chơi thể thao gây ra đau đầu gối cần nghỉ ngơi, chườm đá, giảm đau

  • Tăng cường các bài tập tăng cường sức mạnh cơ tứ đầu, cơ vùng cẳng chân

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare