Viêm họng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Viêm họng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa
Viêm họng ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa - Ảnh: BookingCare
Viêm họng là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ. Cha mẹ có thể nhận biết về bệnh và tham khảo một số biện pháp phòng ngừa cho con dưới đây.

Viêm họng là bệnh phổ biến không chỉ ở người lớn mà còn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào các thời điểm giao mùa.

Nguyên nhân viêm họng ở trẻ em

Hầu hết các trường hợp viêm họng đều do virus gây ra, tỷ lệ nhỏ còn lại đến từ nhóm vi khuẩn, trong đó thường gặp nhất là  Streptococcus nhóm A.

Viêm họng liên cầu khuẩn là nguyên nhân viêm họng của 1/3 số trường hợp ở trẻ em trong độ tuổi đi học và 10% trường hợp ở người lớn và trẻ nhỏ. Trẻ em mắc phải tình trạng này cần sử dụng kháng sinh để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Trẻ có thể bị nhiễm vi khuẩn này khi tiếp xúc gần với người khác bị nhiễm bệnh. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra nếu trẻ vô tình chạm vào bề mặt có các giọt bắn từ đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh. Dùng chung thực phẩm hoặc đồ dùng với người bị viêm họng cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm bệnh.

Viêm họng liên cầu khuẩn thường không có các triệu chứng hô hấp khác như chảy nước mũi, ho hoặc nghẹt mũi nhưng có thể gây sốt. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được xác định nguyên nhân gây viêm họng.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ em mắc viêm họng:

  • Ô nhiễm: Hút thuốc hoặc hóa chất trong nhà có thể gây viêm họng. Ô nhiễm không khí cũng là nguy cơ gây viêm.
  • Dị ứng: Trẻ có thể phản ứng với những thứ như nấm mốc, bụi, phấn hoa và lông thú cưng.
  • Yếu tố thời tiết: Trẻ em thường rất nhạy cảm với thời tiết. Khi thời tiết có sự thay đổi, trẻ sẽ dễ mắc phải các bệnh viêm đường hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng.
  • Hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện: Hệ thống miễn dịch ở trẻ nhỏ còn non nớt, vì vậy dễ gặp phải các bệnh nhiễm trùng.

Triệu chứng viêm họng ở trẻ

Triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên của viêm họng chính là đau họng, đặc biệt là khi nuốt, đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng của viêm họng. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Cổ họng khô, ngứa
  • Đau khi nói chuyện
  • Khàn tiếng

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm họng, trẻ có thể có các triệu chứng khác ngoài đau họng, bao gồm:

  • Sốt
  • Đau cơ
  • Nghẹt mũi
  • Đau đầu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Chảy nước mũi và hắt hơi
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Các hạch bạch huyết bị sưng ở cổ
  • Amidan bị sưng
  • Đốm đỏ trên vòm miệng

Chẩn đoán viêm họng ở trẻ

Việc chẩn đoán viêm họng chủ yếu thông qua quan sát. Sau khi hỏi bệnh sử, bác sĩ sẽ khám toàn thân và quan sát họng xem có những dấu hiệu như họng đỏ, mủ, chấm xuất huyết...

Tùy tình trạng của trẻ, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân của viêm họng.

Điều trị viêm họng ở trẻ em

Cách điều trị viêm họng phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây viêm.

Ví dụ, viêm họng do vi khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh. Viêm họng do nấm cần dùng thuốc chống nấm. Và đau họng do dị ứng có thể được cải thiện từ thuốc những thuốc như kháng histamine và thuốc thông mũi. 

Thông thường, thuốc kháng sinh có tác dụng nhanh chóng và thường giảm triệu chứng trong vòng 24 đến 48 giờ. Thuốc kháng sinh không chỉ làm giảm các triệu chứng và giúp chúng phục hồi mà còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Thuốc cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thấp khớp, một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm họng liên cầu khuẩn.

Nếu cha mẹ đã cho trẻ uống thuốc kháng sinh nhưng các triệu chứng không giảm sau hai ngày, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn thêm.

Bên cạnh đó, một số biện pháp khắc phục tại nhà cho trẻ để giảm đau họng như:

  • Làm ẩm không khí bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương.
  • Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi, có thể uống mật ong pha với nước ấm.
  • Súc miệng bằng nước muối: 1/4 thìa cà phê pha với 1/2 cốc nước ấm là hỗn hợp thông thường.
  • Sử dụng các loại kẹo ngậm giúp giảm đau họng.

Vì không có nhiều nghiên cứu cụ thể về việc sử dụng các biện pháp thay thế có hiệu quả tốt trong điều trị viêm họng, nên dù dùng bất cứ loại viêm ngâm nào cho trẻ cũng cần hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo không tương tác với các thành phần của thuốc đang sử dụng.

Phòng ngừa viêm họng ở trẻ em

Để phòng ngừa cảm lạnh, cảm cúm và những bệnh thường gây đau họng ở trẻ, có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh hô hấp.
  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
  • Không dùng chung đồ ăn, đồ uống hoặc đồ dùng.
  • Hạn chế đưa tay lên mắt và mặt.
  • Ăn uống đủ chất, tránh các loại thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng, chua, cay
  • Tránh thơm/hôn trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
  • Nghỉ ngơi nhiều.
  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi cũng nên tiêm vắc xin cúm hàng năm.
  • Giữ ấm cho trẻ trong thời tiết lạnh.
  • Với thời tiết quá nóng và sử dụng điều hoà cần để ý lau mồ hôi cho trẻ. Việc ra mồ hôi cộng với sử dụng điều hoà có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh và gây viêm.

Viêm họng là bệnh rất thường gặp ở trẻ. Thông thường cha mẹ có tâm lý tự điều trị tại nhà, vì vậy nếu sau 2-3 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, cha mẹ nên đưa con đến khám với bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, khi muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, các bậc phụ huynh nên tham vấn bác sĩ hoặc dược sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.