Viêm màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh viêm màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh viêm màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Viêm màng phổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 25/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 25/12/2023
Viêm màng phổi là gì? Bệnh có những nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ra sao? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.

Viêm màng phổi là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nắm được những thông tin cơ bản về bệnh là yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa, phát hiện sớm và điều trị bệnh hiệu quả.

Viêm màng phổi là bệnh gì?

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được thế nào là màng phổi. Cấu tạo của phổi gồm có 2 lớp màng, 1 lớp bao phủ lên bề mặt phổi gọi là lá tạng và 1 lớp ngoài cùng ngăn cách phổi với thành ngực gọi là lá thành.

Hai lớp màng này cách nhau bởi một khoảng trống có tên gọi là khoang màng phổi. Bên trong khoang màng phổi chứa khoảng 7-14 ml dịch đóng vai trò như chất bôi trơn để 2 lá của màng phổi trượt lên nhau dễ dàng khi hít vào và thở ra, đảm bảo chức năng của phổi. Viêm màng phổi là tình trạng lớp màng bao quanh phổi bị viêm làm cho hai lớp cọ xát vào nhau, gây ra những cơn đau nhói.  

Phân loại viêm màng phổi gồm có

  • Viêm màng phổi nguyên phát: viêm khởi phát tại chính mô của màng phổi do nhiễm trùng hoặc tổn thương nào đó gây ra; VD: TDMP do lao, viêm mủ màng phổi….
  • Viêm màng phổi thứ phát: viêm màng phổi bị gây ra bởi chính bệnh phổi hoặc một bệnh lý nào khác ở lồng ngực  như viêm phổi, u phổi, áp xe cơ hoành... gây ra.

Nguyên nhân gây viêm màng phổi

Rất nhiều nguyên nhân đã được tìm ra và được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh viêm màng phổi. Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây bệnh mà mọi người cần đặc biệt lưu ý:

  • Do nhiễm vi rus: Là nguyên nhân chính gây viêm màng phổi như cúm, COVID -19…
  • Do vi khuẩn: Do lao màng phổi, viêm phổi, vi khuẩn khác: tụ cầu, liên cầu, phế cầu….
  • Do ký sinh trùng: do nấm, sán lá phổi, giun đũa chó, mèo…
  • Do nguyên nhân khác: chấn thương, do ung thư di căn, do tắc mạch phổi….do gây dính chủ động, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ…

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm màng phổi

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà các triệu chứng viêm màng phổi có thể không giống nhau. Tuy nhiên, người mắc bệnh viêm màng phổi thường có những biểu hiện đặc trưng như:

  • Triệu chứng chính của viêm màng phổi đau ngực, một số người có biểu hiện đau ở vai lan cánh tay…
  • Đặc điểm của đau:  đau chói như dao đâm khi hít sâu và ho hoặc khi cử động
  • Ho khan
  • Khó thở, thở nhanh nông khi có tràn dịch màng phổi hoặc tràn mủ màng phổi nhiều
  • Nặng có thể gây suy hô hấp
  • Sốt tùy theo mức độ: sốt về chiều, sốt cao, gai rét
  • Hụt hơi, khó thở: Thường là do người bệnh hạn chế hít vào thở ra vì e ngại cảm giác đau nhói mỗi khi hô hấp khiến việc hít thở trở nên khó khăn hơn.
  • Cơ thể mệt mỏi, sút cân, ăn kém
  • Khi thăm khám bác sĩ sẽ thấy lồng ngực bên màng phổi bị viêm di dộng hạn chế, ấn kẽ sườn đau chói, nghe có tiếng cọ màng phổi hoặc hội chứng 3 giảm…
  • Một số triệu chứng của bệnh dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác như đau dây thần kinh liên sườn, nguyên nhân tim mạch dẫn đến nhiều trường hợp tự ý dùng sai thuốc. Trước khi sử dụng bất kì phương pháp điều trị nào, người bệnh cần được thăm khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm màng phổi

Trước khi sử dụng các phương pháp chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán ban đầu về tình trạng bệnh dựa trên vị trí, triệu chứng, thói quen và tiền sử sức khỏe của người bệnh,...

Để có thể phân tích chuyên sâu nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây viêm màng phổi cũng như tình trạng bệnh cụ thể bên trong, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sau đây:

Xét nghiệm máu

Nhằm kiểm tra chính xác xem người bệnh có đang bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh tự miễn dịch hay không qua các chỉ số bạch cầu, tốc độ máu lắng…

Các xét nghiệm về sinh hóa, miễn dịch như kháng thể kháng nhân trong bệnh hệ thống…

Điện tâm đồ

Loại trừ nguyên nhân đau ngực có phải là do bệnh liên quan đến tim hay không.

Chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT, siêu âm)

Chụp X-quang phổi giúp đánh giá sơ bộ tổn thương. Chụp CT cung cấp hình ảnh phổi chi tiết hơn so với X-quang, chẩn đoán tổn thương như dày màng phổi, tràn dịch màng phổi, u phổi, viêm phổi …

Siêu âm có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán viêm màng phổi, có thể làm ngay tại giường phát hiện nhanh tình trạng tràn dịch màng phổi, dày màng phổi, u màng phổi…

Các thăm dò về dịch màng phổi

Khi có tràn dịch màng phổi, qua hướng dẫn của siêu âm bác sỹ sẽ chọc hút dịch bằng kim qua da vào khoang màng phổi lấy dịch đánh giá về màu sắc, số lượng, mùi, và tiến hành các xét dịch như: phân loại tế bào, tìm tế bào ung thư, xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, các vi khuẩn khác,,, 

Nội soi lồng ngực

Trường hợp xét nghiệm dịch màng phổi chưa rõ nguyên nhân người bệnh đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành nội soi màng phổi quan sát, sinh thiết để đưa ra kết quả khách quan và chính xác nhất.

Biện pháp điều trị bệnh viêm màng phổi

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị sao cho an toàn và hiệu quả nhất. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm màng phổi phổ biến:

  • Điều trị bằng thuốc: thuốc giảm đau, giảm ho, giảm sốt, giảm viêm,... tùy vào nguyên nhân và triệu chứng bệnh.
  • Thở oxy khi bệnh nhân khó thở
  • Dẫn lưu màng phổi để loại bỏ dịch ứ đọng trong trường hợp người bệnh bị tràn dịch màng phổi mức độ nhiều, tràn mủ màng phổi
  • Trường hợp mắc bệnh do nhiễm virus như virus cúm, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày khi người bệnh tự chăm sóc sức khỏe tại nhà khi dùng thuốc kết hợp chế độ dinh dưỡng và rèn luyện sức khỏe tốt.
  • Nguyên nhân do lao điều trị thuốc lao theo hướng dẫn
  • Do ung thư, điều trị hóa chất hoặc xạ trị…
  • Do giun sán thì chỉ cần tẩy giun sán….

Viêm màng phổi có chữa khỏi được không?

Vấn đề này phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu một người mắc bệnh viêm màng phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm,... bệnh sẽ được trị khỏi hoàn toàn khi người bệnh loại bỏ hết những tác nhân gây bệnh này.

Khi điều trị được nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng sớm của viêm màng phổi sẽ nhanh chóng được cải thiện, cũng đồng thời ngăn ngừa được biến chứng muộn xảy ra.

Ngoài ra, nếu viêm màng phổi là kết quả do một số bệnh lý khác trong cơ thể gây ra như: ung thư, bệnh tự miễn,... viêm màng phổi có nguy cơ cao tái phát bất cứ lúc nào.

Viêm màng phổi hiếm khi đe dọa đến tình mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hiệu quả, người bệnh có thể phải đối mặt với một số rủi ro biến chứng như:

  • Xẹp phổi
  • Tràn dịch màng phổi
  • Tràn khí màng phổi
  • Viêm mủ màng phổi
  • Nhiễm trùng máu
  • Suy hô hấp 
  • ...
Biến chứng tràn dịch màng phổi - Ảnh: Internet

Các biện pháp phòng ngừa viêm màng phổi

Tác nhân gây bệnh viêm màng phổi có thể xuất phát từ môi trường bên ngoài. Chính vì vậy, bất kì ai cũng có khả năng mắc bệnh. Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp mọi người phòng ngừa bệnh viêm màng phổi hiệu quả:

  • Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhiễm trùng có thể ngăn dịch tích tụ trong khoang màng phổi hoặc giảm thiểu mức độ viêm nhiễm.
  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên rèn luyện sức khỏe nhằm nâng cao sức đề kháng
  • Đeo khẩu trang khi ra đường đặc biệt là khi tụ tập những nơi đông người.
  • Rửa tay với xà phòng hoặc nước sát trùng nếu tiếp xúc với người hoặc đồ vật có nguy cơ lây bệnh.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý nền có nguy cơ gây bệnh viêm màng phổi.

Bài viết trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh viêm màng phổi nhưng vô cùng hữu ích mà mọi người nên biết. Truy cập cẩm nang sống khỏe của BookingCare để đọc thêm nhiều bài viết y khoa hữu ích

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare