Viêm phổi cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những điều cần biết về bệnh viêm phổi cấp tính
Những điều cần biết về bệnh viêm phổi cấp tính - Ảnh: BookingCare

Viêm phổi cấp tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 22/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Bệnh viêm phổi cấp là gì? Có những nguyên nhân, đặc điểm và cách điều trị ra sao? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Bài viết dành cho những ai quan tâm đến bệnh viêm phổi. Viêm phổi cấp tính, thường gọi là viêm phổi cộng đồng, gọi ngắn gọn là viêm phổi cấp, là bệnh lý thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu viêm phổi cấp không được phát hiện và điều trị sẽ xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm phổi cấp cần phải đi khám bác sĩ, không được tự ý điều trị có thể dẫn đến kháng thuốc kháng sinh hoặc sử dụng thuốc không đúng.Nắm được những thông tin cơ bản về bệnh là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe bản thân hiệu quả.

Viêm phổi cấp tính là bệnh gì?

Viêm phổi cấp là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi trước khi có sự can thiệp của hệ thống y tế, bao gồm tình trạng viêm ở phế nang, ống và túi phế nang, tiểu phế quản tận hoặc viêm tổ chức mô kẽ của phổi.

Viêm phổi cấp thường ít xảy ra ở người trẻ tuổi hoặc có sức đề kháng miễn dịch cao, tuy nhiên ở những người lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thì viêm phổi cấp tiến triển nhanh chóng. Viêm phổi cấp còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển,...

Nguyên nhân gây viêm phổi cấp tính

Viêm phổi cấp do virus

Phần lớn viêm phổi cấp là do virus, đặc biệt là trẻ em. Viêm phổi cấp có thể bội nhiễm vi khuẩn. Rất may, nếu là viêm phổi do virus đơn thuần thì triệu chứng của bệnh thường rầm rộ nhưng diễn tiến thường không gây ra các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số loài virus gây viêm phổi rất nguy hiểm, có thể gây ra đại dịch như virus SARS-CoV-2 vừa qua, có diễn tiến nhanh và cần xét nghiệm chuyên biệt.

Có rất nhiều loại virus gây ra viêm phổi cấp, thường gặp có một số loài sau:

  • Virus cúm thông thường: thuộc nhóm Rhinovirus, là nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm phổi cấp do virus ở người lớn, diễn tiến nhẹ và đáp ứng điều trị tốt. Virus cúm: có 3 phân nhóm A, B và C, trong đó phần lớn là cúm A và cúm B, cực kỳ nguy hiểm, diễn tiến nhanh, gây khó khăn khi chẩn đoán cho bác sĩ, thường gặp ở nước ta có 2 loại là H1N1 và H5N1, chủ yếu lây qua tiếp xúc với gia cầm hoặc chim bị bệnh.
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV): thường gây bệnh ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, đôi khi gặp ở người lớn bị suy giảm miễn dịch, diễn tiến nhẹ nhưng cần điều trị cẩn thận tránh biến chứng.
  • Virus á cúm (Parainfluenza): thường gây ra các dịch viêm phổi nhỏ lẻ vào thời điểm giao mùa ở nước ta, mục tiêu tấn công của virus á cúm là trẻ em, thường là các trẻ vị thành niên, diễn tiến nhẹ. 

Coronavirus và Hantavirus: là hai họ virus rất nguy hiểm, diễn tiến thành đại dịch, lây lan nhanh qua tiếp xúc, qua giọt bắn, viêm phổi cấp do virus tiến triển nhanh và thường dẫn tới hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tử vong cao.

Một số loại virus khác như Adenovirus, Herpes simplex, virus sởi, virus thủy đậu, cũng gây viêm phổi cấp nhưng rất hiếm.

Viêm phổi cấp do phế cầu khuẩn

Vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae (hay còn gọi là phế cầu khuẩn) là nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi cấp.Viêm phổi cấp do vi khuẩn S.pneumoniae ít gây nguy hiểm ở người trẻ tuổi hoặc có đề kháng miễn dịch tốt

Ngược lại, ở các đối tượng nguy cơ cao như: người lớn tuổi, người có nhiều bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch bị viêm phổi cấp do S.pnuemoniae có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm hoặc đề kháng kháng sinh, khiến quá trình điều trị bị kéo dài, tốn nhiều tiền bạc.

Viêm phổi cấp do một số loại vi khuẩn khác

Bên cạnh phế cầu khuẩn nêu trên, còn có một số loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi cấp tính cần lưu ý bao gồm:

  • Vi khuẩn Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa: hai loài vi khuẩn này có khả năng đề kháng rất cao với thuốc kháng sinh, hiện tại đang là mục tiêu quản lý của Bộ Y tế và WHO. Ngoài ra, hai loài vi khuẩn này cũng có độc lực cao và dễ gây biến chứng nhiễm trùng huyết.
  • Vi khuẩn Legionella spp: Gây ra triệu chứng viêm phổi cấp nặng nhưng phần lớn các triệu chứng không điển hình, vì thế các bệnh nhân bị viêm phổi cấp do Legionella spp. thường phải điều trị tại hồi sức do các biến chứng của viêm phổi cấp. Loại vi khuẩn này còn khiến người bệnh bị sốt Pontiac.
  • Viêm phổi do Mycoplasma: Là vi khuẩn không điển hình mang nhiều chủng loại nhất (khoảng hơn 200 loại). Mycoplasma bám vào mô phổi, nhân giống và khiến phổi bị viêm nhiễm. May mắn là nếu mắc viêm phổi cấp do Mycoplasma, người bệnh có triệu chứng nhẹ, dễ hồi phục hơn.
  • Vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis: à vi khuẩn lưu hành thường gặp ở nước ta, nhưng chỉ gây bệnh khi cơ thể chúng ta bị suy giảm miễn dịch hoặc tiếp xúc với một lượng vi khuẩn đủ lớn. Lao phổi rất khó điều trị, bệnh nhân phải có động lực điều trị trong một thời gian dài, sẽ được trình bài kỹ hơn ở bài khác.
  • Viêm phổi cấp do hóa chất, bụi ô nhiễm
  • Ở người có bệnh lý nền nặng, như di chứng tai biến mạch máu não, có thể gặp viêm phổi cấp do hít phải đồ ăn. Ở những người làm trong môi trường bụi ô nhiễm như công nhân vệ sinh rác thải, công nhân xưởng hàn, luyện gang thép sẽ gặp phải viêm phổi cấp do hóa chất.

Các triệu chứng thường gặp của viêm phổi cấp

Viêm phổi cấp có nhiều nguyên nhân khác nhau và tùy thuộc vào từng nguyên nhân, triệu chứng ở mỗi người bệnh cũng có thể không giống nhau. Bệnh nhân có thể có ít triệu chứng gợi ý tới đau đầu, đau ngực âm ỉ cho đến các triệu chứng rầm rộ. Tuy nhiên, với phần lớn mọi người thì viêm phổi cấp thường có triệu chứng ban đầu giống cảm cúm hoặc viêm phế quản cấp, vì thế mà mọi người ít khi nào nhận ra mình đang mắc bệnh. Tùy thuộc bệnh lý nền và mức đề kháng miễn dịch của cơ thể từng người mà viêm phổi cấp có thể diễn tiến nhanh hoặc chậm.

Viêm phổi cấp do virus thường có triệu chứng rầm rộ và diễn tiến nhanh hơn vi khuẩn, nhưng phần lớn các nguyên nhân virus kể trên lại gây bệnh nhẹ hơn so với vi khuẩn. Đối với người lớn tuổi, người có nhiều bệnh lý nền hoặc suy giảm miễn dịch, suy giảm nhận thức có thể xuất hiện triệu chứng khò khè và lú lẫn, ngủ mê man đầu tiên.

Các triệu chứng thường gặp của viêm phổi cấp khác bao gồm:

  • Sốt cao kèm ho có đàm hoặc ho ra máu, ở lao phổi đôi khi có ho khan.
  • Đau ngực kiểu màng phổi: đau tăng khi hít vào và thở ra, còn khi bệnh nhân tự nín thở thì cơn đau dịu đi, khiến bệnh nhân tự kéo dài nhịp thở chủ ý.
  • Đau đầu, buồn nôn, nôn ói, choáng váng nếu có tiếp xúc với hóa chất.
  • Khó thở, thở nhanh gợi ý suy hô hấp.
  • Nếu phát hiện trễ, bệnh diễn tiến nguy kịch: bệnh nhân vật vã, da niêm, môi và móng tay nhợt nhạt, xanh xao hoặc có khi tím tái,...

Viêm phổi cấp được điều trị bằng phương pháp nào?

Chỉ duy nhất trường hợp viêm phổi cấp diễn tiến nhẹ, không biến chứng, không bệnh lý nền sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị tại nhà, tái khám thường xuyên theo dõi. Các trường hợp còn lại của viêm phổi cấp đều phải nhập viện điều trị, tùy nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau:

  • Trường hợp viêm phổi do vi khuẩn: Người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
  • Trường hợp viêm phổi do virus: Lúc này người bệnh không được chỉ định dùng thuốc kháng sinh. Cách điều trị chủ yếu thường là nghỉ ngơi và uống nhiều nước.
  • Trường hợp viêm phổi do hóa chất: Có thể được điều trị bằng thuốc kháng nấm.

Việc dùng thuốc gì để điều trị, sử dụng với liều lượng ra sao cần phải có sự chỉ định cụ thể của bác sĩ. Do đó người bệnh nên tới chuyên khoa Hô hấp để được các bác sĩ giỏi trực tiếp thăm khám, tư vấn và chỉ định điều trị chính xác nhất.

Biến chứng của viêm phổi cấp tính

Các triệu chứng ban đầu của viêm phổi cấp có thể khó phát hiện hoặc dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh thông thường khác. Chính vì vậy, nhiều trường hợp chủ quan nên dẫn đến bệnh nặng dễ gây những biến chứng nguy hiểm như:

  • Biến chứng tại phổi: Bệnh có thể lan rộng ra hai hoặc nhiều thùy phổi khiến bệnh nhân rơi vào suy hô hấp
  • Xẹp thùy phổi: những cục đờm đặc quánh gây tắc phế quản
  • Áp xe phổi: sốt dai dẳng kèm đau ngực, đôi khi sẽ vỡ ổ áp xe gây ra tình trạng ộc mủ: khạc hoặc ói ra nhiều mủ tanh, hôi thối.
  • Tràn dịch màng phổi và tràn mủ màng phổi: viêm phổi cấp lan sang màng phổi kế cận ổ viêm dẫn đến ứ đọng dịch màng phổi, ứ đọng lâu ngày sẽ khiến dịch màng phổi chuyển sang mủ màng phổi.
  • Nhiễm trùng huyết: viêm phổi cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị sẽ xâm lấn vào mạch máu, gây ra nhiễm trùng huyết và tổn thương các cơ quan khác, gây suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.

Phòng ngừa bệnh viêm phổi cấp

Viêm phổi cấp có thể xảy ra ở bất kì ai, chủ động phòng ngừa bệnh là điều quan trọng:

  • Duy trì sạch sẽ nơi sống và giữ gìn môi trường sạch, không khói bụi.
  • Khi ra đường, hãy đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi bẩn.
  • Hãy chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ ngực và hai chân.
  • Tránh để cơ thể bị lạnh, đặc biệt là ở trẻ em và người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu.
  • Nên tắm nước ấm hàng ngày và đảm bảo không có gió lùa trong nhà tắm.
  • Chú ý đến chế độ ăn uống, loại bỏ những chất kích thích có hại như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Đồng thời duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối và đủ chất.
  • Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
  • Thực hiện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe. Tiêm phòng cúm và phế cầu, cân nhắc tiêm phòng SARS-CoV-2 cho người lớn tuổi, trẻ em..

Viêm phổi cấp tính có thể xuất hiện ở bất kì ai, ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết