- Xuất bản: 27/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 14/04/2024
Tổng quan về viêm tuỷ xương - Ảnh: BookingCare
Viêm tuỷ xương là bệnh nhiễm trùng ở xương. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh không cao nhưng bệnh vô cùng nguy hiểm vì tiến triển bệnh nhanh và nhiều triệu chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khoẻ người bệnh.
Viêm tuỷ xương là tình trạng viêm và phá huỷ cấu trúc xương do vi khuẩn xâm nhập vào máu gây nên. Bệnh được chẩn đoán dựa vào kết quả của chẩn đoán hình ảnh và kết quả nuôi cấy tế bào. Khi không được phát hiện và chẩn đoán sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề với người mắc vì bệnh tiến triển nhanh tiên lượng bệnh xấu. Vậy nên hãy cùng BookingCare tìm hiểu tổng quan về bệnh viêm tuỷ xương.
Bệnh viêm tuỷ xương là gì?
Viêm tuỷ xương là một bệnh nhiễm trùng ở xương. Nhiễm trùng có thể do lây lan ở các mô lân cận hoặc di chuyển theo dòng máu. Vậy nên tình trạng nhiễm trùng không chỉ biểu hiện tại chỗ mà còn biểu hiện nhiễm trùng toàn thân.
Những người có tiền sử mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy thận,... hay có thói quen hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuỷ xương.
Viêm tuỷ xương có tiến triển bệnh nhanh và làm cho người bệnh vô cùng đau đớn.
Viêm tuỷ xương biểu hiện ở 2 thể:
Viêm tuỷ xương cấp tính với những triệu chứng được biểu hiện rầm rộ
Viêm tuỷ xương mạn tính được tiến triển từ viêm tuỷ xương cấp tính khi không được chẩn đoán sớm và điều trị. Diễn biến bệnh kéo dài, giai đoạn bệnh không hoạt động xen với giai đoạn bệnh bùng phát gây ảnh hưởng tới sức khoẻ xương của người bệnh.
Triệu chứng của viêm tuỷ xương
Tuỳ thuộc vào mức độ hoặc tính chất của bệnh mà mức độ biểu hiện của triệu chứng viêm tuỷ xương có thể rầm rộ hoặc âm thầm như:
Đau xương là triệu chứng chủ yếu của bệnh viêm tuỷ xương. Đau có thể khư trú tại nơi nhiễm trùng và lan dần ra xung quanh
Sưng tấy đỏ: tại điểm nhiễm trùng vùng da sưng tấy đỏ và ấm hơn những vùng da khác
Sốt: người bệnh sốt và mệt mỏi
Giảm khả năng di chuyển: khi bệnh không được điều trị có thể gây giảm chức năng xương và khả năng di chuyển
Nguyên nhân viêm tuỷ xương
Hầu hết viêm tuỷ xương là do vi khuẩn trong đó nguyên nhân do vi khuẩn tụ cầu vàng chiếm đa số trong những trường hợp mắc viêm tuỷ xương (khoảng hơn 50%). Một số vi khuẩn khác có thể kể đến như: phế cầu, Ecoli, liên cầu trùng tan máu,...
Vi khuẩn có thể xâm nhập vào xương theo nhiều đường khác nhau bao gồm:
Hệ thống mạch máu: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua nhiều bộ phận khác nhau như qua viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng da,... vi khuẩn có thể từ đó di chuyển theo máu và đến vị trí xương đang suy yếu.
Chấn thương: Những vết thương hở nặng có thể là căn nguyên mang vi khuẩn vào cơ thể. Xảy ra trong trường hợp phẫu thuật, chấn thương hoặc các thủ thuật y tế khác.
Khi vết thương bị nhiễm trùng, vi khuẩn có thể lan qua phần xương gần đó.
Nhiễm trùng từ mô xung quanh: Khi cấu trúc mô mềm hoặc dây chằng gần xương nhiễm trùng vi khuẩn có thể lan qua phần xương gần đó và gây viêm tuỷ xương.
Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh viêm tủy xương có thể bao gồm:
Tuổi: Bệnh viêm tủy xương thường xuất hiện ở người trưởng thành và người cao tuổi. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi tuổi tăng
Giới tính: Cả hai giới đều có thể mắc bệnh viêm tủy xương, tuy nhiên ở nam có nguy cơ cao hơn so với nữ.
Tiền sử bệnh: Những người đã từng điều trị bằng phóng xạ hoặc hóa trị hoặc mắc đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh viêm tủy xương cao hơn.
Yếu tố gia đình: một số trường hợp bệnh viêm tủy xương có liên quan đến di truyền.
Rối loạn tuần hoàn: những người mắc các bệnh về máu như hồng cầu lưỡi liềm gây suy giảm lưu thông máu cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm tuỷ xương
Chẩn đoán viêm tuỷ xương
Khi xuất hiện các triệu chứng toàn thân và tại chỗ người bệnh cần được thăm khám lâm và thực hiện một số các biện pháp cận lâm sàng để có kết quả chẩn đoán chính xác và sớm nhất như:
Xét nghiệm công thức máu: chỉ số bạch cầu tăng cao, tốc độ lắng máu cao,...
Kết quả chẩn đoán hình ảnh:
Chụp X quang: hình ảnh các triệu chứng chưa rõ ràng trong 7-10 ngày đầu, từ ngày thứ 12 dấu hiệu viêm thể hiện rõ ràng.
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): hình ảnh được chụp từ nhiều góc độ và hình ảnh cắt ngang chi tiết về cấu trúc xương cũng như cơ thể. Được sử dụng khi người bệnh chống chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI).
Chụp cộng hưởng từ (MRI): có mức độ chẩn đoán giá trị cao với những vị trí tổn thương như vị trí tổn thương xương khó chẩn đoán, phần mềm do viêm xương.
Sinh thiết tế bào xương: có thể xác định loại khi khuẩn nào gây nên tình trạng nhiễm trùng từ kết quả bác sĩ sẽ có phác đồ kháng sinh phù hợp với loại nhiễm trùng.
Điều trị viêm tuỷ xương
Phương pháp điều trị viêm tuỷ xương được sử dụng phổ biến là phẫu thuật để loại bỏ những vùng xương bị nhiễm trùng hoặc hoại tử, sau đó người bệnh được điều trị kháng sinh.
Điều trị bằng phương pháp sử dụng kháng sinh: tuỳ vào kết quả sinh thiết xương làm xét nghiệm mô bệnh học và nuôi cấy mô bác sĩ điều trị sẽ có phác đồ kháng sinh phù hợp với thể nhiễm trùng đó. Thuốc thường được tiêm qua đường tĩnh mạch. Tác dụng phụ có thể xảy ra như nôn, buồn nôn, tiêu chảy,...
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật: tuỳ vào mức độ nghiêm trọngcủa nhiễm trùng sẽ ứng với các phương pháp và các thủ thuật khác nhau như: hút dịch từ những vùng bị nhiễm trùng, loại bỏ phần xương và mô bệnh, loại bỏ các vật thể ngoại lai như ốc vít từ những lần phẫu thuật trước, cắt bỏ chi - chỉ định được thực hiện khi tình trạng nhiễm trùng lan vùng rộng
Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm tuỷ xương
Khi cơ thể hay các cơ quan khác có những ổ viêm chúng ta nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Đối với những vết thương ngoài da hay các vết thương hở người bệnh nên được cơ sở y tế gần nhất để khử trùng tránh nhiễm trùng và tuân thủ phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn vệ sinh vết thương của bác sĩ điều trị.
Viêm tuỷ xương là một bệnh lý nguy hiểm, tiến triển nhanh và gây nhiều hậu quả nặng nề cho xương khớp và khả năng đi lại. Vậy nên chúng ta cần nắm được những thông tin cơ bản và khái quát về bệnh để phòng tránh tình trạng bệnh viêm tuỷ xương.