- Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Viêm xoang có nguy hiểm không? Cảnh giác với biến chứng bạn có thể gặp khi viêm xoang - Ảnh: BookingCare
Viêm xoang là bệnh rất thường gặp ở nước ta nhưng đa phần mọi người dân đều cho rằng bệnh chỉ gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt nên không điều trị dứt điểm, chưa quan tâm một cách đầy đủ tác hại và các biến chứng nguy hiểm của viêm xoang.
“Viêm xoang không nguy hiểm, bệnh có thể điều trị dứt điểm nếu được loại trừ nguyên nhân và dẫn lưu xoang tốt. Ngược lại viêm xoang có thể nguy hiểm nếu không được điều trị tốt, gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân.”
Biến chứng nguy hiểm nhất khi mắc viêm mũi xoang là biến chứng nội sọ nhưng chúng ta thường bỏ qua việc xác định nguyên nhân là do viêm xoang. Vì vậy người bệnh cần biết rõ ảnh hưởng tiêu cực của bệnh tới sức khoẻ để kịp thời báo với bác sĩ.Theo mức độ thường gặp, ta chia biến chứng của viêm xoang thành 3 loại, bao gồm:
Biến chứng đường hô hấp
Biến chứng ở mắt
Biến chứng nội sọ hay biến chứng ở não
Biến chứng đường hô hấp
Là biến chứng hay gặp nhất, thường là ho kéo dài, đau rát họng do ngạt tắc mũi, chảy mũi mủ nhưng nhiều biến chứng ít được biết đến là do viêm xoang gây ra.
Viêm họng: họng bị ngứa, đau rát, có đờm, mủ, mùi hôi khó chịu. Đối với cả viêm xoang cấp và mạn, viêm họng gần như là bệnh đi kèm vì:
Tình trạng ngạt tắc mũi cả hai bên kéo dài, thường xuyên làm người bệnh phải thở bằng miệng, do đó không khí hít vào không được làm ấm, làm ẩm, làm sạch sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới họng.
Chảy mũi mủ hoặc trực tiếp xuống họng (trong viêm xoang sau, viêm đa xoang) hoặc do không biết xì mũi (ở trẻ em) hay không tiện xì mũi (do ở nơi làm việc, trong giao tiếp hàng ngày) mà thường chỉ khịt mũi làm mủ xuống họng.
Viêm thanh quản với các triệu chứng chủ yếu là ho - khàn tiếng
Viêm đường hô hấp dưới:
Viêm khí phế quản cấp với các triệu chứng ho, khó thở. Ở trẻ em khó thở rõ, thở khò khè, thở rít.
Viêm phế quản mạn là biến chứng thường gặp của viêm xoang sau ở người lớn nhất là với người cao tuổi. Bệnh nhân ho dai dẳng, ho nhiều về đêm, ho kèm đờm, mủ.
Viêm tai giữa là biến chứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể bị giảm sức nghe hoặc viêm xương chũm cấp rất nguy hiểm.
Biến chứng ở mắt
Những biến chứng ở mắt thường dễ xảy ra do xung quanh hốc mắt là các xoang hàm (ở phía dưới ), xoang hàm (ở phía trước), xoang sàng và xoang bướm (ở phía trong). Quá trình viêm nhiễm lan toả hoặc đường mạch máu từ xoang qua hốc mắt.
Viêm mô liên kết quanh hốc mắt: thường gặp ở người viêm xoang cấp tính. Người bệnh đau mắt dữ dội, đau xuyên lên đỉnh đầu. Mi mắt sưng phù. Viêm nhiễm có thể lan cả vùng thái dương khiến khó khám nhãn cầu và đánh giá mức độ lồi mắt.
Viêm dây thần kinh thị giác: Gặp đến 60% trường hợp do viêm xoang sàng sau và xoang bướm. Thị lực bệnh nhân đột nhiên giảm hẳn mà khám chuyên khoa mắt, soi đáy mắt không tìm thấy nguyên nhân.
Áp-xe mi mắt: mí mắt sưng to, nóng, đỏ, đau, kết mạc xung huyết. Túi mủ sẽ vỡ ra sau 4 - 5 ngày.
Áp-xe túi lệ: bệnh nhân sốt, góc trong mắt sưng nề, đỏ lan đến mi mắt và toàn bộ kết mạc.
Biến chứng nội sọ
Đây là biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nhưng hiện nay ở nước ta rất ít gặp biến chứng này. Các biến chứng có thể gặp có thể kể đến là:
Viêm màng não do viêm xoang: biểu hiện thường rõ rệt ở trẻ em với các triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn nhiều, li bì.
Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang: người bệnh sốt cao, rét run, tình trạng nhiễm trùng rõ rệt như mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Các dấu hiệu ở mắt xuất hiện nhanh chóng như phù nề mắt, mắt bị lồi ra trước, ấn đau, liếc mắt hạn chế.
Trẻ bị viêm màng não biểu hiện sốt cao, nôn nhiều rõ rệt - Ảnh: Canva
Mặc dù biến chứng của viêm xoang có thể đe doạ đến tính mạng nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách sắp xếp thời gian đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám kịp thời khi có triệu chứng của viêm xoang, điều trị dứt điểm khi mắc bệnh và thực hiện các phương pháp chăm sóc tại nhà giúp phòng ngừa bệnh tái phát.