Vô sinh ở nữ giới: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Vô sinh ở nữ giới: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Vô sinh ở nữ giới: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Vô sinh ở nữ giới: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa hiệu quả - Ảnh: BookingCare

Vô sinh ở nữ giới: nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 03/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 12/12/2023
Vô sinh hay hiếm muộn ở nữ giới là tình trạng khó có thai hoặc không có thai tự nhiên trong vòng 1 năm, trong đó cặp vợ chồng có quan hệ đều đặn và không sử dụng biện pháp tránh thai nào, hoặc 6 tháng với phụ nữ trên 35 tuổi. Vậy vô sinh do những nguyên nhân nào? Những nguy cơ gây vô sinh ở nữ là gì? Cách phòng và điều trị bệnh như thế nào?...

Vô sinh ở nữ giới đang có xu hướng ngày càng trẻ hoá và phổ biến trong xã hội. Vô sinh gây ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và khả năng sinh con, làm mẹ của người phụ nữ. Vậy vô sinh do những nguyên nhân nào? Những nguy cơ gây vô sinh ở nữ là gì? Cách phòng và điều trị bệnh như thế nào? 

Hãy cùng BookingCare tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thế nào là vô sinh ở nữ giới? 

Vô sinh được chẩn đoán sau một năm (12 tháng) cố gắng mang thai bằng quan hệ tình dục thường xuyên, không sử dụng các biện pháp bảo vệ nhưng không có con, hoặc sau 6 tháng không có con đối với phụ nữ trên 35 tuổi.

Đối với các cặp vợ chồng, một phần ba nguyên nhân vô sinh xuất phát từ nam giới, một phần ba do vấn đề nữ giới và một phần ba do sự kết hợp cả hai hoặc không rõ nguyên nhân. Khi nguyên nhân gây vô sinh được xác định do phụ nữ thì được coi là vô sinh nữ, hoặc vô sinh do “yếu tố nữ”. 

Nguyên nhân gây vô sinh ở nữ 

Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nữ. Tuy nhiên, khó có thể xác định nguyên nhân chính xác và một số cặp vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân, hay vô sinh đa yếu tố (nhiều nguyên nhân, thường là cả yếu tố nam và nữ). Một số nguyên nhân có thể gây vô sinh ở nữ như:

  • Bất thường ở tử cung: Các vấn đề thường gặp như polyp, u xơ tử cung, vách ngăn hay dính tử cung sau phẫu thuật (nong, nạo tử cung).
  • Bất thường cấu trúc và chức năng ống dẫn trứng: Nguyên nhân phổ biến gây vô sinh liên quan đến ống dẫn trứng bao gồm viêm vùng chậu, thường do chlamydia và lậu. Lạc nội mạc tử cung là bệnh lí phụ khoa thường gặp gây viêm dính vùng chậu và gây vô sinh liên quan đến ống dẫn trứng.
  • Rối loạn về rụng trứng: Có nhiều lý do khiến phụ nữ không rụng trứng thường xuyên bao gồm: Hội chứng buồng trứng đa nang, mất cân bằng nội tiết tố, dinh dưỡng, lạm dụng chất kích thích, bệnh lý tuyến giáp, căng thẳng, khối u tuyến yên…
  • Bất thường về số lượng và chất lượng trứng: Nữ giới khi sinh ra có khoảng 2.000.000 nang noãn. Đến lúc dậy thì, số lượng nang noãn chỉ còn 300.000 – 400.000. Trong suốt thời kỳ sinh sản (khoảng 30 năm) chỉ có khoảng 400 nang phát triển tới chín và xuất noãn hàng tháng, số còn lại bị thoái hoá. Nữ giới tuổi càng cao, số lượng nang noãn càng ít. Ngoài ra, một số trứng sẽ có số lượng nhiễm sắc thể sai lệch, không thể thụ tinh hoặc phát triển thành thai nhi khỏe mạnh. 
Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới
Có nhiều nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới - Ảnh: Shutterstock

Những ai có nguy cơ vô sinh ở nữ? 

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới, bao gồm tình trạng sức khoẻ chung, đặc điểm di truyền, lối sống hay tuổi tác. Cụ thể như: 

  • Tuổi: Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ gặp vấn đề về sinh sản cao hơn, nguyên nhân do tổng số lượng trứng bắt đầu suy giảm, nhiều trứng có số lượng nhiễm sắc thể bất thường hay tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khoẻ khác. 
  • Vấn đề về hormone ngăn cản sự rụng trứng.
  • Phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường: vô kinh, bế kinh, rong kinh…
  • Phụ nữ thiếu cân hoặc béo phì. 
  • Người có hàm lượng chất béo trong cơ thể thấp do tập thể dục cường độ cao. 
  • Phụ nữ có các vấn đề lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang, các vấn đề về cấu trúc (vấn đề ống dẫn trứng, tử cung hoặc buồng trứng). 
  • Người gặp các rối loạn tự miễn dịch: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, bệnh Hashimoto, bệnh tuyến giáp…
  • Phụ nữ có các nhiễm trùng lây truyền qua đường tinh dục (STIs) 
  • Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy buồng trứng nguyên phát (POI).
  • Hội chứng DES (DES là một loại thuốc được dùng cho phụ nữ để ngăn ngừa biến chứng thai kỳ như sinh non, sảy thai. Tuy nhiên loại thuốc này cũng có thể gây vô sinh ở một số con của những bà mẹ dùng DES).
  • Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung có nguy cơ vô sinh cao hơn. 
  • Những người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích…

Khám và chẩn đoán vô sinh nữ như thế nào? 

Để chẩn đoán vô sinh ở nữ giới, bác sĩ cần kết hợp hỏi bệnh, thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng.

Hỏi bệnh và khám lâm sàng 

Bác sĩ cần biết về chu kỳ kinh nguyệt của bạn, tiền sử mang thai, sảy thai hay các vấn đề như đau vùng chậu, chảy máu hay tiết dịch vùng âm đạo bất thường. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng cần khai thác thêm các bệnh lý viêm nhiễm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay các vấn đề liên quan bệnh toàn thân (tuyến giáp, bệnh nội tiết), tiền sử dùng thuốc, thói quen sinh hoạt và các vấn đề di truyền. 

Sau đó, bác sĩ có thể tiến hành khám phụ khoa, khám tuyến vú để kiểm tra về tình trạng sức khoẻ và xem xét chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Khám và chẩn đoán vô sinh ở nữ
Khám và chẩn đoán vô sinh ở nữ - Ảnh: Freepik

Cận lâm sàng 

  • Xét nghiệm máu: công thức máu, sinh hoá máu.
  • Xét nghiệm nội tiết tố: AMH (Đánh giá dự trữ buồng trứng), chức năng tuyến giáp 
  • Xét nghiệm các bệnh lý truyền nhiễm: HIV, HBV, HCV, giang mai, Chlamydia…
  • Siêu âm qua âm đạo giúp quan sát tử cung và buồng trứng 
  • Siêu âm nước muối (SIS): Nước muối được sử dụng để làm đầy tử cung, giúp bác sĩ quan sát tốt hơn về khoang tử cung, niêm mạc tử cung và đánh giá các polyp, u xơ hay các bất thường khác. 
  • Nội soi buồng tử cung.
  • Xét nghiệm PAP.
  • Chụp HSG: Phương pháp này sử dụng tia X để kiểm tra tình trạng của bệnh trong lòng tử cung và vòi trứng, chẩn đoán sự hiện diện của tắc hay ứ dịch ở hai vòi trứng, các bất thường về tử cung…

Điều trị vô sinh nữ như thế nào? 

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh, sau khi có chẩn đoán xác định bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị vô sinh ở nữ như: 

Liệu pháp hormone

Thuốc có thể được sử dụng nhằm kích thích rụng trứng ở những phụ nữ không rụng trứng hoặc rụng trứng không đều. Ngoài ra, liệu pháp hormone còn được sử dụng để làm giảm các vấn đề bệnh lý nội tiết khác. 

Phương pháp dùng thuốc này thường áp dụng cho những chị em có chu kỳ rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng,… Ưu điểm khi sử dụng liệu pháp hormone là đơn giản, tiết kiệm, giúp điều hoà và kích thích rụng trứng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nguy cơ gây đa thai, hội chứng quá kích buồng trứng hoặc một số nguy cơ khối u buồng trứng.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý liên quan đến các vấn đề về dính (mô sẹo), lạc nội mạc tử cung, tắc nghẽn ống dẫn trứng hay các vấn đề u xơ, khối u buồng trứng…  

Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) 

Phương pháp này có thể áp dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh do nam giới có số lượng và chất lượng tinh trùng kém (độ di động kém, chất lượng chưa tốt), nữ giới có lượng chất nhầy cổ tử cung ít hoặc có tính diệt tinh trùng, cổ tử cung dày. 

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ thu nhận tinh trùng và lọc rửa qua dung dịch đặc biệt. Sau đó, tinh trùng được bơm trực tiếp vào buồng tử cung của nữ trong khoảng thời gian buồng trứng phóng noãn. 

Điều trị vô sinh ở nữ - Ảnh: Freepik
Điều trị vô sinh ở nữ - Ảnh: Freepik

Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) 

Thụ tinh trong ống nghiệm là lấy tinh trùng và trứng có chất lượng tốt đem thụ tinh trong môi trường ống nghiệm tạo phôi. Sau đó phôi thai có chất lượng tốt sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. 

Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) 

Tương tự IVF cổ điển, người phụ nữ được kích thích buồng trứng, chọc hút trứng trưởng thành rồi lựa chọn trứng có chất lượng tốt để thụ tinh với tinh trùng. Tuy nhiên, khác với IVF thì ICSI chỉ cần 1 tinh trùng duy nhất bơm trực tiếp vào noãn để thụ tinh thành phôi. Sau giai đoạn tạo phôi, nếu chuyển phôi luôn gọi là phôi tươi, hoặc phôi được đông lạnh để sử dụng cho tương lai. 

Các phương pháp khác: Một số phương pháp hỗ trợ sinh sản khác như GIFT, ZIFT, hiến trứng, mang thai hộ…

Phòng ngừa vô sinh ở nữ giới

Để phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sinh sản hay vô sinh - hiếm muộn, nữ giới nên: 

  • Duy trì cân nặng khoẻ mạnh, không để thiếu cân, thừa cân hay béo phì. 
  • Tập thể dục đều đặn để duy trì sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Không tập thể dục cường độ cao vì có thể làm giảm việc rụng trứng. 
  • Không hút thuốc lá, tránh sử dụng rượu bia và các chất kích thích. 
  • Duy trì tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và stress. 
  • Thường xuyên thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Trên đây là tất cả những thông tin về vô sinh ở nữ giới. Vô sinh đang có xu hướng trẻ hoá và phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán sớm, đúng nguyên nhân, vô sinh có thể được điều trị kịp thời. Vì vậy, hy vọng những chia sẻ đến từ BookingCare đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề vô sinh ở nữ. Nếu đang gặp các vấn đề sức khỏe sinh sản, hãy nhanh chóng đến các cơ sở. tế để được tư vấn và thăm khám tốt nhất. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết