Xem ngay: Các phương pháp điều trị bệnh suy gan

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 04/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Các phương pháp điều trị bệnh suy gan
Các phương pháp điều trị bệnh suy gan - Ảnh: BookingCare
Bệnh suy gan có thể chữa khỏi được không? Điều trị bệnh suy gan bằng cách nào? Cùng đi tìm câu trả lời cụ thể trong bài viết dưới đây.

Suy gan là tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh khi các chức năng quan trọng nhất của gan bao gồm: sản xuất mật, dự trữ glycogen và loại bỏ độc tố gần như không thể hoạt động. Lúc này, nếu người bệnh không được cứu chữa kịp thời, tỷ lệ tử vong là rất lớn.

Các phương pháp điều trị bệnh suy gan

Bệnh suy gan, đặc biệt là suy gan cấp có thể điều trị bằng những phương pháp nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây bệnh, đối tượng mắc bệnh và đặc biệt là giai đoạn tiến triển của bệnh.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị suy gan phổ biến:

Điều trị bằng thuốc

Suy can cấp đa phần là những trường hợp nặng và nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân, nên tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán suy gan cấp cần nhập viện để theo dõi sát và can thiệp kịp thời.

Điều trị chủ yếu hướng đến việc ổn định chuyển hóa và cân bằng dòng máu trong gan. Bệnh nhân được bác sĩ cho truyền dịch chứa đường hoặc các chất dinh dưỡng thiết yếu để chống hạ đường huyết, giữ lượng cơ và chức năng miễn dịch.

Phù não và nhiễm trùng huyết là các nguyên nhân chính gây tử vong cho bệnh nhân, chính vì vậy sử dụng kháng sinh giảm được nguy cơ nhiễm trùng. Một số trường hợp nguy kịch sẽ được điều trị chạy thận ngắt quãng hoặc lọc máu để điều trị suy thận hoặc phù não đi kèm.

Với các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc giảm đau acetaminophen, cần có thuốc giải độc cho gan. Acetylcysteine là thuốc đẩy lùi ngộ độc cho gan. Một số loại thuốc kháng virus (ví dụ tenofovir) cũng được sử dụng cho bệnh nhân có suy gan cấp do viêm gan siêu vi B, hoặc thuốc acyclovir truyền tĩnh mạch cũng được sử dụng cho bệnh nhân nghi ngờ nguyên nhân từ virus Herpes Simplex.

Với tình trạng suy gan mạn tính (có thể gọi là viêm gan mạn hoặc xơ gan), điều trị chủ yếu nhắm đến: 

  • Điều trị nguyên nhân của bệnh.

  • Điều trị các triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra.

  • Hỗ trợ nâng đỡ về dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Ghép gan

Ghép gan thường là sự lựa chọn cuối cùng khi các biện pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả, cả với tình trạng suy gan cấp và suy gan mạn. Trong quá trình này, gan bị tổn thương sẽ được loại bỏ và thay thế bằng một phần lá gan khỏe mạnh từ người sống hiến tặng, hoặc từ lá gan của người chết hiến tạng.

Sau cấy ghép, hầu hết người bệnh đều có thể trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương pháp chăm sóc y tế suốt đời là bắt buộc để đảm bảo cơ quan này luôn hoạt động hiệu quả.

Người bệnh có thể bắt buộc phải sử dụng thuốc bổ sung và thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tình trạng gan được cấy ghép.

Phòng ngừa bệnh suy gan

Suy gan là một bệnh lý nguy hiểm và rất khó điều trị. Chủ động phòng ngừa suy gan ngay từ đầu là yếu tố quan trọng giúp mọi người bảo vệ sức khỏe của chính mình. Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia giúp phòng ngừa suy gan hiệu quả.

Nếu gan của bạn đang khỏe mạnh và không gặp bất kỳ vấn đề gì, điều này thật may mắn:

  • Hãy xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đúng và đủ liều lượng các loại vitamin và các loại thực phẩm tốt cho gan như: yến mạch, cam, bưởi, trà xanh, quả mọng,...
  • Xây dựng thói quen tập thể dục thể thao đều đặn với cường độ phù hợp để tăng cường sức mạnh cho gan và sức khỏe tổng thể.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và tránh xa các chất kích có hại, đồng thời tránh tự ý sử dụng các loại thuốc hay thực phẩm mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế.

Trường hợp gan của bạn đang gặp phải một số vấn đề bệnh lý như: viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,... cách tốt nhất để phòng ngừa suy gan mạn đó là kiểm soát tốt tình trạng bệnh hiện tại, ngăn cho chúng không tiến triển nặng hơn.

Bên cạnh những phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cần nghiêm túc thực hiện đúng hướng dẫn chăm sóc tại nhà của bác sĩ, xây dựng thực đơn ăn uống khoa học và rèn luyện sức khỏe để nâng cao sức đề kháng.

Trong quá trình điều trị tại nhà, nếu người bệnh xuất hiện bất kì vấn đề bất thường nào, cần thăm khám trực tiếp với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết