Xem ngay: Các phương pháp điều trị sẹo lồi

Tác giả: - Xuất bản: 02/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 02/01/2024
Các phương pháp điều trị sẹo lồi
Các phương pháp điều trị sẹo lồi - Ảnh: BookingCare
Sẹo lồi có chữa khỏi được không? Điều trị sẹo lồi bằng những phương pháp nào? Câu trả lời cụ thể sẽ có trong bài viết dưới đây.

Cho đến thời điểm hiện tại, điều trị sẹo lồi một cách triệt để vẫn là thách thức đối với các nhà nghiên cứu. Các phương pháp điều trị đa số là để giải quyết vấn đề thẩm mỹ và không có phương pháp nào có thể chắc chắn hiệu quả 100%.

Các phương pháp điều trị sẹo lồi

Trước khi thực hiện bất kì một phương pháp điều trị sẹo lồi nào, người bệnh cũng cần lưu ý rằng: điều trị có thể giúp cho sẹo lồi trở nên nhỏ hơn, mềm và phẳng dần; chứ không thể làm sẹo biến mất hoàn toàn, tức là không thể giúp cho vùng da bị sẹo trở lại bình thường như những vùng da lành khác.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị sẹo lồi phổ biến nhất:

Băng ép sẹo

Đối với những vết sẹo lồi mới hình thành, lựa chọn điều trị đầu tiên có thể là dán, băng ép hoặc dùng các vật liệu khác tương tự. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng ngay sau khi phẫu thuật để phòng ngừa sẹo lồi xuất hiện.

Băng ép Gradient (Jobst) là sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất, cần dùng trong khoảng thời gian 12 - 20 tiếng mỗi ngày trong vòng 4 - 6 tháng, kết quả thường làm cho sẹo lồi có xu hướng mềm dần và phẳng lại. Ngoài ra còn có băng keo Cordran với tác dụng làm vết sẹo hết ngứa; tuy nhiên khi dùng lâu dài có thể gây hiện tượng teo da.

Miếng gel dán Silicon

Miếng dán sẹo Silicon có thành phần gel mềm, được sử dụng để điều trị sẹo lồi. Sẹo lồi càng mới và bệnh nhân càng trẻ, thì việc điều trị càng hiệu quả hơn. Để đạt kết quả tốt nhất, việc điều trị cần được tiến hành trong khoảng 6 - 12 tháng. 

Người bệnh nên đắp miếng dán trong khoảng 22 - 23 giờ mỗi ngày, sau đó tháo ra, lau sạch vết sẹo để đảm bảo thông khí tốt, tránh trường hợp vết sẹo bị bí bách, nguy cơ nhiễm trùng,...

Tiêm Steroid

Corticosteroid có tác dụng làm giảm hoạt động của alpha 2-macroglobulin, một chất ức chế collagenase. Khi sử dụng phương pháp này, lượng collagenase sẽ tăng lên, dẫn đến sự phân hủy collagen và làm sẹo phẳng dần.

Phương pháp này thường áp dụng cho sẹo lồi có kích thước nhỏ. Vùng da tiêm thuốc có thể bị mất sắc tố hoặc tăng sắc tố vĩnh viễn. Một số tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra như: mỏng da, giãn mạch, xuất hiện trứng cá,...

Người bệnh có thể cần phải tiêm vài lần, mỗi lần cách nhau 1 - 2 tháng để theo dõi diễn biến sau điều trị của vết sẹo kịp thời nhất và đề phòng những tác dụng phụ không mong muốn.

Liệu pháp áp lạnh

Những vết sẹo lồi nhỏ có thể được giảm kích thước hoặc loại bỏ bằng phương pháp đông lạnh với nitơ lỏng (áp Nitrogen lỏng). Tuy nhiên có thể cần phải điều trị lặp lại nhiều lần. Tác dụng phụ có thể xảy ra của liệu pháp áp lạnh là phồng rộp, đau và mất màu da (giảm sắc tố).

Phương pháp này thường được kết hợp với tiêm Steroid để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Điều trị bằng laser

Việc sử dụng Laser để điều trị sẹo lồi có kết quả không nhất quán bởi có nhiều các phương pháp laser khác nhau. Một số phương pháp gần như không đem lại hiệu quả. 

Sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, Laser nhuộm màu tia dạng xung PDL (Pulsed Dye Laser) bước sóng 585 - 595nm là phương pháp trị sẹo lồi bằng laser có hiệu quả rõ rệt nhất. Tia Laser hủy mạch máu nuôi dưỡng sẹo, gây thiếu máu cục bộ vùng sẹo, làm mềm, ngưng phát triển và giảm dần kích thước, độ dày của sẹo.

Phối hợp tiêm Triamcinolone vào vết sẹo kết hợp điều trị với Laser PDL có thể làm tăng hiệu quả điều trị sẹo lồi. Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng phương pháp này rất tốn kém và không thể làm ngừng hẳn sự phát triển cũng như tái phát của sẹo.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi là phương pháp đơn giản và được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, những người có cơ địa bị sẹo lồi, một khi da bị tổn thương thì sẹo lồi sẽ có nguy cơ xuất hiện trở lại.

Chính vì vậy mà phương pháp phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi bắt buộc phải điều trị kết hợp cùng một số phương pháp nữa như: tiêm Corticosteroid trong vết thương, băng ép, Silicon gel, kem Imiquimod hoặc tiêm Interferon,...

Với những sẹo có kích thước quá lớn hoặc trên diện tích rộng, điều trị bằng phương pháp phẫu thuật là gần như không thể. Lúc này, các bác sĩ có thể lựa chọn phương án là bào mòn sẹo và bôi Imiquimod kéo dài trong tám tuần. Tác dụng phụ xảy ra là da bị tăng sắc tố, không thể khớp màu với những vùng da xung quanh.

Xạ trị

Tỷ lệ thành công khi điều trị sẹo lồi bằng phương pháp này có thể lên đến 90%. Bức xạ tia X ở mức độ thấp được dùng sau khi phẫu thuật cắt bỏ sẹo lồi có thể giúp thu nhỏ hoặc giảm thiểu mô sẹo. Người bệnh có thể cần phải điều trị lặp lại nhiều lần để hiệu quả được tối ưu nhất.

Tuy nhiên, phương pháp này có thể đem lại một số rủi ro không mong muốn như: tăng sắc tố, ung thư da,...

Điều trị sẹo lồi yêu cầu kỹ thuật hiện đại và tay nghề bác sĩ nhiều kinh nghiệm, người bệnh cần tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn những trung tâm uy tín nhằm hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết