Xét nghiệm lậu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý bệnh lậu. Xét nghiệm là căn cứ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe và ảnh hưởng đến các quyết định điều trị đối với người bệnh.
Mục đích của xét nghiệm lậu
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn. Vi khuẩn thường lây nhiễm trực tiếp vào bộ phận sinh dục, trực tràng, cổ họng, mắt và các bộ phận khác.
Nếu không điều trị, bệnh lậu có thể ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày, gây ra các tình trạng bệnh lý như: viêm vùng chậu (PID), đau tinh hoàn, vô sinh hay nhiễm trùng máu...
Vi khuẩn lậu có thể mất đến hai tuần để gây ra các triệu chứng bệnh. Vì vậy, thực hiện xét nghiệm lậu là phương pháp quan trọng và duy nhất để sàng lọc và chẩn đoán bệnh kể cả khi chưa xuất hiện triệu chứng.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm
Nhiều trường hợp mắc bệnh lậu không xuất hiện triệu chứng nhận biết hoặc có các triệu chứng tương tự như một số bệnh giang mai hoặc bệnh Herpes... Vì vậy xét nghiệm lậu được khuyến cáo thực hiện định kỳ kiểm tra bệnh lậu thường xuyên đối với người trưởng thành hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao như:
- Nam nữ từ 15 - 65 tuổi có hoạt động tình dục không an toàn.
- Phụ nữ có thai.
- Nam quan hệ tình dục đồng giới, những người nhiễm HIV.
- Có bạn tình từng điều trị bệnh lậu.
- Xuất hiện các dấu hiệu bệnh như: tiểu rát, đau bụng dưới, đau rát bộ phận sinh dục, hậu môn sau quan hệ...
- Chảy máu âm đạo.
- Đau họng, đau, ngứa, chảy nước mắt.
Các phương pháp xét nghiệm chính
Xét nghiệm lậu dựa vào phương pháp tìm kiếm bằng chứng xuất hiện vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae). Một số phương pháp phổ biến gồm:
- Xét nghiệm khuếch đại axit nucleic lậu (NAAT): xét nghiệm sử dụng mẫu nước tiểu hoặc dịch tiết từ vị trí nghi ngờ nhiễm lậu. Đây là xét nghiệm được ưu tiên sử dụng nhất thông qua việc tìm kiếm vật liệu di truyền (ADN) của vi khuẩn.
- Nhuộm gram: tìm kiếm tế bào đặc trưng của bệnh lậu dưới kính hiển vi được thực hiện trên gạc niệu đạo, thường được sử dụng chủ yếu ở nam giới đang gặp các triệu chứng tiết niệu.
- Nuôi cấy lậu cầu: phương pháp nuôi cấy vi khuẩn lậu từ dịch tiết các vị trí nghi ngờ mắc bệnh. Phương pháp này thường áp dụng cho các trường hợp nghi ngờ mắc chủng bệnh lậu kháng kháng sinh.
- Xét nghiệm nhanh bệnh lậu: Mặc dù xét nghiệm nhanh bệnh lậu không phổ biến nhưng một số xét nghiệm đang được phát triển để tối ưu cung cấp kết quả xét nghiệm trong ngày.
Cách đọc kết quả xét nghiệm lậu
Kết quả xét nghiệm bệnh lậu thường có sau khoảng 1-2 ngày đối với xét nghiệm NAAT hoặc lâu hơn với các phương pháp khác. Kết quả trả về hai trường hợp:
- Nếu kết quả âm tính: không có dấu hiệu của vi khuẩn lậu, tuy nhiên không khẳng định người xét nghiệm không mắc bệnh, cần theo dõi và thực hiện xét nghiệm bổ sung.
- Kết quả dương tính: người xét nghiệm mắc bệnh lậu và cần thực hiện các biện pháp điều trị ngay lập tức.
Cách xử lý sau có kết quả xét nghiệm lậu
Trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính, người bệnh cần thực hiện các biện pháp an toàn như:
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây nhiễm lậu và các bệnh tình dục khác.
- Tránh sử dụng vật dụng cá nhân chung với người khác (khăn mặt, dao cạo, khăn tắm…) để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Thực hiện kiểm tra định kỳ, đặc biệt với các trường hợp có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Đối với các trường hợp được chẩn đoán dương tính:
- Người bệnh cần thực hiện điều trị bằng thuốc kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Thực hiện kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.
Xét nghiệm lậu là phương pháp an toàn và hiệu quả nhất để chẩn đoán bệnh lậu. Việc thực hiện xét nghiệm lậu và các xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục là một trong các giải pháp phòng ngừa lây lan bệnh lậu và các bệnh lây truyền khác cho bản thân và bạn tình.