Táo bón thường xảy ra nhất khi chất thải hoặc phân di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa, khiến phân trở nên cứng và khô.
Táo bón ở trẻ em có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các yếu tố dinh dưỡng đến tình trạng sức khỏe và thói quen hàng ngày của trẻ. Việc hiểu rõ về các nguyên nhân này là cần thiết để có phương pháp xử lý táo bón hiệu quả hơn.
10 Nguyên nhân phổ biến gây táo bón ở trẻ em
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất gây táo bón ở trẻ em:
1. Nhịn đi vệ sinh
Trẻ có thể bỏ qua cảm giác muốn đi tiêu vì sợ đi vệ sinh hoặc không muốn gián đoạn cuộc chơi. Bên cạnh đó, nếu việc đi tiêu khiến trẻ bị đau do phân to và cứng cũng sẽ khiến trẻ trốn đi đại tiện.
2. Các vấn đề về tập đi vệ sinh
Nếu phụ huynh tập đi vệ sinh cho trẻ quá sớm và không đúng cách, trẻ có thể phản kháng và nhịn đi tiêu. Dần dần trở thành thói quen khó thay đổi và dẫn đến táo bón.
3. Chế độ ăn uống
Một chế độ ăn thiếu rau quả giàu chất xơ hoặc uống ít nước có thể khiến trẻ bị táo bón. Đặc biệt, trẻ có thể bị táo bón khi bắt đầu chuyển từ ăn lỏng (sữa, cháo...) sang ăn thô.
4. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Việc thay đổi lịch sinh hoạt bất thường có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột. Trẻ em có thể bị táo bón trong thời gian đầu khi diễn ra sự thay đổi này, chẳng hạn như mới đi học, đi du lịch,...
5. Ít vận động thể chất
Trẻ em thiếu hoạt động vận động hàng ngày cũng có thể dẫn đến táo bón. Sự thiếu kích thích vận động có thể làm giảm nhu động ruột và gây ra tình trạng tắc nghẽn.
6. Thuốc
Một số loại thuốc có thể gây táo bón như: Thuốc giảm đau, thuốc kháng axit, thuốc sắt, thuốc điều trị chống co giật,.... Phụ huynh nên kiểm tra các loại thuốc trẻ đang dùng, trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc thay thế nếu thuốc đang dùng gây ra táo bón cho trẻ.
7. Căng thẳng hoặc các vấn đề tâm lý khác
Căng thẳng cũng có thể dẫn đến táo bón. Trẻ có thể bị táo bón khi lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như bắt đầu học ở trường mới hoặc các vấn đề ở nhà. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những rối loạn cảm xúc có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột và có thể gây táo bón cũng như các vấn đề khác, như tiêu chảy.
8. Hội chứng ruột kích thích
Một số trẻ bị táo bón do hội chứng ruột kích thích, tình trạng này có thể xảy ra khi trẻ bị căng thẳng hoặc ăn phải một loại thực phẩm kích thích nào đó thực phẩm thường có chất béo hoặc cay. Trẻ mắc bệnh này có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy, cũng như đau dạ dày và đầy hơi.
9. Tiền sử gia đình
Trẻ em có thành viên trong gia đình từng bị táo bón có nguy cơ bị táo bón cao hơn. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc môi trường xung quanh.
10. Tình trạng bệnh lý
Táo bón ở trẻ em có thể do dị tật về mặt giải phẫu, vấn đề về hệ thống trao đổi chất, tiêu hóa hoặc một tình trạng tiềm ẩn khác. Tuy nhiên, rất ít trường hợp táo bón do nguyên nhân thực thể này.
Việc nhận diện nguyên nhân cụ thể của táo bón ở trẻ sẽ giúp phụ huynh thực hiện các biện pháp điều chỉnh thích hợp. Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống, đảm bảo trẻ uống đủ nước, khuyến khích hoạt động vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi vệ sinh là những biện pháp cơ bản giúp giải quyết tình trạng này.
Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn về cách điều trị và dự phòng phù hợp cho trẻ.