Táo bón ở trẻ em là một vấn đề phổ biến mà nhiều phụ huynh phải đối mặt. Đây là tình trạng khi trẻ gặp khó khăn trong việc đi tiêu, thường số lần đi tiêu ít hơn so với bình thường và có thể khiến trẻ không thoải mái, thậm chí đau đớn.
Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ em có thể do nhiều yếu tố khác nhau. Nhận biết được nguyên nhân gây táo bón giúp phụ huynh có cách dự phòng phù hợp, tránh trẻ bị táo bón lâu ngày dẫn đến nhiều biến chứng. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị và dự phòng dưới đây mà phụ huynh có thể tham khảo để chăm sóc cho con.
Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em
Táo bón thường xảy ra khi chất thải hoặc phân di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa, khiến phân trở nên cứng và khô.
Nhiều yếu tố có thể góp phần gây táo bón ở trẻ em, bao gồm:
- Nhịn đi tiêu: Trẻ có thể nhịn đi tiêu vì sợ đi vệ sinh hoặc không muốn nghỉ chơi. Bên cạnh đó, nếu việc đi tiêu bị đau sẽ khiến trẻ nín đi cầu.
- Tập đi vệ sinh không phù hơp: Nếu trẻ được tập đi vệ sinh quá sớm không đúng cách, trẻ có thể phản kháng và nhịn đi đại tiện. Dần dần trở thành thói quen và khó thay đổi.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Chế độ ăn thiếu trái cây, rau quả giàu chất xơ hoặc uống ít nước có thể gây táo bón.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Như đi du lịch, đi học, thời tiết, hoặc căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến chức năng ruột.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây táo bón như thuốc bổ sung sắt, thuốc giảm đau nhóm opioid…
- Dị ứng đạm sữa bò: Dị ứng với sữa bò hoặc tiêu thụ quá nhiều sản phẩm từ sữa (phô mai và sữa bò) có thể dẫn đến táo bón.
- Tiền sử gia đình: Trẻ em có thành viên trong gia đình từng bị táo bón có nguy cơ bị táo bón cao hơn. Điều này có thể là do các yếu tố di truyền hoặc môi trường chung.
Triệu chứng táo bón ở trẻ em
Các dấu hiệu và triệu chứng táo bón ở trẻ em có thể bao gồm:
- Đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần
- Phân cứng, khô và khó đi ngoài
- Đau khi đi đại tiện
- Đau bụng
- Dấu vết phân lỏng hoặc nhão trong quần lót của trẻ - dấu hiệu cho thấy phân bị ứ đọng trong trực tràng
- Phân cứng kèm theo máu đỏ tươi bao xung quanh
- Nếu con bạn sợ rằng việc đi tiêu sẽ bị đau, trẻ có thể cố gắng tránh việc đó: Con có thể bắt chéo chân, siết chặt mông, vặn vẹo cơ thể hoặc nhăn mặt khi cố gắng nín đi cầu.
Biến chứng táo bón ở trẻ em
Mặc dù táo bón ở trẻ có thể gây khó chịu nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu táo bón trở thành mãn tính, các biến chứng có thể bao gồm:
- Đau đớn ở vùng da xung quanh hậu môn (vết nứt hậu môn)
- Sa trực tràng, khi trực tràng ra khỏi hậu môn
- Đi đại tiện không tự chủ do phân bị ứ đọng lâu ngày ở đại tràng và trực tràng
- Một số trường hợp nặng có thể gây tắc ruột.
Điều trị táo bón ở trẻ em
Bên cạnh việc thăm khám tổng quát, bác sĩ sẽ hỏi thêm về bệnh sử và các triệu chứng liên quan. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại xét nghiệm hoặc cho siêu âm, chụp Xquang bụng để xác định rõ ràng hơn nguyên nhân của táo bón nếu thực sự cần thiết.
Tùy thuộc vào mức độ nặng của táo bón mà bác sĩ có thể đưa ra một hoặc kết hợp các cách dưới đây để điều trị:
- Bổ sung chất xơ hoặc thuốc làm mềm phân: Nếu chế độ ăn của trẻ hạn chế chất xơ, có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ. Tuy nhiên, đồng thời trẻ cần uống nhiều nước (lượng nước tùy theo cân nặng của trẻ, thông thường ít nhất 1 lít nước/ngày). Cần lưu ý về liều thuốc phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ.
- Thuốc glycerin bơm qua đường trực tràng có thể được sử dụng để làm mềm phân ở trẻ không thể uống thuốc.
- Thuốc nhuận tràng: Nếu sự tích tụ của phân lâu, khiến trẻ khó đi tiêu, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc nhuận tràng như lactulose hoặc polyethylene glycol (PEG). Phụ huynh cần tham vấn bác sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng và liều lượng thích hợp.
- Thụt tháo tại bệnh viện: Một số trẻ bị táo bón nặng có thể cần phải nhập viện trong thời gian ngắn để được thụt tháo giúp làm sạch ruột.
Phòng ngừa táo bón ở trẻ em
Để giúp ngăn ngừa táo bón ở trẻ em, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu chất xơ như trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì để giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn và đi đại tiện dễ dàng hơn. Nếu trẻ không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, có thể bắt đầu bằng cách bổ sung từ một lượng nhỏ hoặc thay đổi cách chế biến để trẻ cảm thấy hứng thú hơn.
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: Nước lọc là tốt nhất, nhưng trường hợp trẻ không uống nhiều nước lọc, có thể thay bằng nước ép trái cây pha loãng (để giảm lượng đường trong nước ép). Nhưng về lâu dài, phụ huynh nên khuyến khích và tạo thói quen uống nước lọc cho trẻ.
- Thúc đẩy hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp kích thích chức năng ruột.
- Tạo thói quen đi vệ sinh: hướng dẫn trẻ có thói quen đi vệ sinh sau ăn, thường vào buổi chiều tối. Cha mẹ cần giúp trẻ có được tư thế thoải mái khi đi vệ sinh (bô vệ sinh phù hợp lứa tuổi hoặc ghế bậc thang, bệ ngồi toilet).
- Nhắc trẻ không quên việc đi vệ sinh: Một số trẻ mải ham chơi đến mức phớt lờ cảm giác muốn đi tiêu, nếu xảy ra thường xuyên có thể gây táo bón.
- Khích lệ trẻ: Có thể trao cho trẻ một phần thưởng nhỏ khi trẻ cố gắng đi tiêu. Phần thưởng chỉ có sau (hoặc có thể trong) giờ đi vệ sinh.
- Xem lại các loại thuốc: Nếu trẻ đang dùng loại thuốc có thể gây táo bón, phụ huynh có thể hỏi lại bác sĩ để thay thế bằng các loại thuốc khác.
Tuy táo bón ở trẻ thường không nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng ở trực tràng và hậu môn. Bên cạnh đó, táo bón kéo dài còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tâm lý của trẻ. Việc hỗ trợ và tìm hiểu nguyên nhân cũng như các biện pháp giải quyết tình trạng này sẽ giúp trẻ thoải mái hơn và duy trì sức khỏe tốt hơn trong tương lai.
Táo bón hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ những biện pháp chủ động. Vì vậy, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp dự phòng cho trẻ được gợi ý trên đây.