Táo bón kéo dài ở trẻ em cần được điều trị triệt để. Bệnh không nghiêm trọng, nhưng nếu để lâu có thể dẫn đến những biến chứng ở vùng trực tràng và hậu môn trong tương lai. Phụ huynh có thể tham khảo cách điều trị dưới đây để hỗ trợ khắc phục tình trạng này cho trẻ.
Điều trị táo bón kéo dài ở trẻ em
Trước khi điều trị, bác sĩ Nhi khoa sẽ khám sức khỏe tổng thể và kiểm tra vùng hậu môn của trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng liên quan cũng như chế độ ăn uống và hoạt động thể chất hàng ngày của trẻ để giúp chẩn đoán nguyên nhân gây táo bón.
Thường rất ít khi cần đến xét nghiệm hay chụp chiếu để chẩn đoán táo bón. Nhưng trường hợp táo bón nặng hoặc kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định cận lâm sàng để xác định nguyên nhân.
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không cải thiện tình trạng táo bón, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc nhuận tràng làm mềm phân hoặc thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.
Hai sai lầm phổ biến mà phụ huynh thường mắc phải khi cho trẻ uống thuốc làm mềm phân trị táo bón là không dùng đủ liều lượng hoặc dừng thuốc quá sớm. Kể cả khi trẻ đã đi tiêu bình thường lần đầu tiên sau khi táo bón trong thời gian uống thuốc, việc dừng quá sớm có thể khiến trẻ bị táo bón tái phát. Vì vậy cần dùng đủ và đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.
Các biện pháp hỗ trợ điều trị táo bón tại nhà
Thực tế các biện pháp điều trị bằng thuốc chủ yếu hỗ trợ trong thời điểm trẻ bị táo bón. Bên cạnh đó, để khắc phục về lâu dài, phụ huynh cần thực hiện song song các biện pháp dưới đây cho con:
Chế độ ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước: Bổ sung vào bữa ăn hàng ngày nhiều trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc giàu chất xơ, bánh mì nguyên hạt, các loại đậu. Thực phẩm có chứa men vi sinh, như sữa chua, cũng có thể thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa tốt.
Nhưng nếu trẻ nạp quá nhiều chất xơ và uống ít nước sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy cần song song bổ sung chất xơ và uống nhiều nước để cải thiện vấn đề táo bón.
Tập thói quen đi vệ sinh đều đặn. Khuyến khích trẻ đi tiêu sau mỗi bữa ăn, thông thường vào chiều tối để thuận tiện cho lịch sinh hoạt.
Mát xa vùng bụng: Xoa bóp nhẹ nhàng bụng của trẻ có thể làm thư giãn các cơ bụng giúp thúc đẩy hoạt động của ruột.
Tăng cường hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, vì vậy cần khuyến khích trẻ vận động đều đặn mỗi ngày, có thể đơn giản như đi bộ, chơi đuổi bắt, đạp xe hoặc chạy bộ, bơi lội…
Tình trạng táo bón ở trẻ sẽ được cải thiện đáng kể nếu kết hợp các phương pháp trên đây. Chế độ ăn nhiều chất xơ không giải quyết được trường hợp táo bón kéo dài nếu không có sự trợ giúp từ thuốc làm mềm phân. Sau khi táo bón được cải thiện, nếu trẻ không nạp đủ chất xơ và nước, sẽ có nguy cơ táo bón tái phát trở lại. Phụ huynh nên lưu ý vấn đề này để đưa ra chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ.