Khàn tiếng hay khản tiếng là tình trạng giọng nói bị thay đổi thường hay gặp trong các trường hợp liên quan đến khô hoặc ngứa rát cổ họng. Đây cũng là triệu chứng thường bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến thanh quản. Dưới đây là 11 nguyên nhân khàn tiếng thường gặp nhất.
Viêm thanh quản mạn tính
Khàn tiếng lâu ngày có thể do trước đó mắc viêm thanh quản cấp nhưng không điều trị triệt để, dẫn tới tái phát nhiều lần và thành mạn tính. Ngoài biểu hiện khàn tiếng, nặng có thể mất tiếng, người bị viêm thanh quản mạn còn bị đau rát họng, ho nhiều, nói nhanh mệt…
Dùng giọng nói quá nhiều
Những công việc đòi hỏi phải nói nhiều, nói lớn như giáo viên, huấn luyện viên, mc, ca sĩ, tư vấn viên, nhân viên bán hàng… có nguy cơ cao bị khàn tiếng. Bởi họ phải nói hoặc hát với âm lượng lớn, trong thời gian dài. Đối với những công việc đặc thù này, cần phải có những kỹ thuật, thói quen chăm sóc, bảo vệ giọng nói của mình.
Cảm lạnh
Cảm lạnh có thể khiến cổ họng bị viêm và đau rát. Dây thanh quản cũng bị sưng viêm lên, ảnh hưởng đến hoạt động rung của dây dẫn đến khàn giọng.
Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên đến dây thanh âm. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến. Triệu chứng chính là chứng ợ nóng. Axit dạ dày gây kích ứng dây thanh âm, cổ họng và thực quản. Điều này khiến cho giọng nói bị khàn, âm phát ra không đều.
Hút thuốc
Khói thuốc lá kích thích dây thanh âm của bạn, có thể dẫn đến các vấn đề về giọng nói trong thời gian dài. Hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển khối u nhỏ được gọi là poly trên dây thanh quản. Chúng có thể khiến giọng nói của bạn trở nên trầm, hụt hơi và khàn.
Tuổi tác
Càng lớn tuổi, các cơ quan bao gồm dây thanh quản cũng sẽ bị lão hóa, tính đàn hồi kém. Vậy nên, độ rung của dây thanh quản cũng giảm dần, khiến giọng nói của bạn trở nên khàn hơn.
Nốt sần, Polype, U nang
- Nốt sần: Những mô sẹo này thường hình thành ở giữa dây thanh âm, và có xu hướng biến mất nếu giọng nói của bạn được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Polype: Thường xuất hiện ở một bên của dây thanh âm, nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau. Không giống các nốt sần, chúng thường cần được phẫu thuật cắt bỏ.
- U nang: Những khối mô chứa chất lỏng hoặc bán rắn phát triển gần hoặc bên dưới bề mặt dây thanh âm. Nếu chúng làm thay đổi nghiêm trọng giọng nói của bạn, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chúng.
Hít phải các khí độc
Việc hít phải khí lạ hay tiếp xúc với các chất độc có trong không khí hay các hóa chất tẩy rửa sử dụng trong gia đình cũng có thể là tác nhân gây ra tình trạng khàn tiếng.
Một số ung thư đầu mặt cổ
Những người bị ung thư thanh quản, cổ họng, phổi,... thường có triệu chứng là khàn giọng. Ung thư di căn từ vú hoặc các vùng khác của cơ thể lan đến vùng giữa phổi có thể chèn lên dây thần kinh thanh quản, gây khàn tiếng.
Bệnh hệ thần kinh
Đối với một số bệnh lý đặc thù như đột quỵ, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng ảnh hưởng rất lớn tới dây thần kinh thanh quản và các cơ quan khác. Khiến người bệnh bị khàn giọng hoặc mất giọng, không nói được rõ ràng.
Tình trạng tuyến giáp
Khi tuyến giáp của bạn không sản xuất đủ hormone kiểm soát một số chức năng trong cơ thể, một triệu chứng bạn có thể gặp phải là giọng nói khàn.
Khàn tiếng nói chung không phải tình trạng bệnh cấp cứu, có nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng mà bạn không thể chủ quan. Cần đi khám bác sỹ ngay nếu tình trạng khàn tiếng không tự khỏi và kéo dài trên 1 tuần ở trẻ em, trên 10 ngày ở người lớn.