3 phương pháp điều trị chảy máu não phổ biến hiện nay
dieu-tri-chay-mau-nao
Điều trị chảy máu não là cách khắc phục dấu hiệu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực tới sức khỏe - ảnh: BookingCare

3 phương pháp điều trị chảy máu não phổ biến hiện nay

Tác giả: - Xuất bản: 07/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Điều trị chảy máu não là một quá trình giúp bệnh nhân hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng. Đọc thêm về các phương pháp điều trị chảy máu não qua bài viết.

Chảy máu não tạo ra các khối máu tụ, gây áp lực lớn lên các cấu trúc xung quanh dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, điều trị chảy máu não là vấn đề được nhiều người quan tâm nhăm khắc phục tình trạng và ngăn ngừa những tác động tiêu cực tới sức khỏe.

Các phương pháp điều trị chảy máu não

Các phương pháp điều trị được chỉ định dựa trên tình trạng bệnh nhân và các nguyên nhân gây chảy máu não. Phương hướng điều trị thường tập trung vào kiểm soát, ngăn chặn sự lan rộng khối máu tụ và giảm áp lực lên các cấu trúc não để cải thiện tình trạng sức khỏe cho người bệnh.

Kiểm soát chức năng và theo dõi

Phương pháp này thường được áp dụng đối với những trường hợp chảy máu não nhỏ, triệu chứng nhẹ hoặc chảy máu mạn tính không có triệu chứng.

Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi tình trạng chảy máu não thông qua triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, phim chụp sọ não và các dấu hiệu sinh tồn nhằm duy trì các chỉ số huyết áp, chế độ ăn uống, sinh hoạt để hạn chế vùng chảy máu lan rộng, từ đó khối máu tự được tiêu dần. Đây chính là quá trình hồi phục tự nhiên của cơ thể người bệnh.

Sử dụng thuốc

Đây là các loại thuốc điều trị các triệu chứng chảy máu não do khối máu tụ gây ra như đau đầu, nôn, co giật,... và các loại thuốc làm giảm áp lực nội sọ cũng như kiểm soát huyết áp.

Các thuốc được bác sĩ sử dụng để giảm áp lực nội sọ là các thuốc thuộc nhóm lợi niệu thẩm thấu, giúp cơ thể thải nhiều nước hơn ra bên ngoài, từ đó làm giảm tình trạng phù não. Ngoài ra, các biện pháp khác như nằm đầu cao, thông khí hỗ trợ cũng giúp giảm bớt áp lực nội sọ.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được kê một số các loại thuốc chống lo âu, thuốc chống động kinh, thuốc giảm đau mạnh để điều trị các triệu chứng đau đầu dữ dội hoặc co giật bất thường.

Thuốc chống táo bón có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân nhằm ngăn ngừa tác động rặn khi đi đại tiện có thể làm tăng áp lực nội sọ gây chảy máu não. Sau khoảng thời gian điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp lại phim CT sọ não để đánh giá kết quả điều trị.

Phẫu thuật

Trong trường hợp máu tích tụ ở trong não chèn ép lên nhu mô não lành, vị trí khối máu tụ và sức khỏe thuận lợi để tiếp cận bằng phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các phẫu thuật loại bỏ các khối máu tụ. Có hai hình thức phẫu thuật được áp dụng như sau:

Phẫu thuật lấy khối máu tụ

Trong phẫu thuật lấy khối máu tụ, bác sĩ sẽ mở sọ, tiếp cận và hút các cục máu ra ngoài kết hợp với đặt dẫn lưu hoặc không. Phương pháp này thường áp dụng cho chảy máu não ngoài màng cứng, dưới màng cứng hoặc chảy máu nội sọ ở vùng não nông, dễ tiếp cận.

Phẫu thuật mở sọ giám áp

Phẫu thuật mở sọ giảm áp là phương pháp điều trị các trường hợp chảy máu não nặng, có khối máu tụ lớn hoặc gây áp lực nghiêm trọng trong não.

Vị trí khối máu tụ ở các vùng sâu của bán cầu não, đè đẩy lên vùng não lành gây ảnh hưởng đến các trung tâm hô hấp, tuần hoàn của người bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành mở nắp hộp sọ nhằm tạo không gian để não có thể giãn nở, sau đó đợi thời gian khi bệnh nhân hồi phục, khối máu tụ tiêu dần sẽ đóng nắp hộp sọ trở lại.

Quá trình phục hồi sau khi điều trị chảy máu não thường diễn ra chậm và kéo dài. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định cụ thể của bác sĩ để kiểm soát nguy cơ và kiên trì phục hồi chức năng. Tùy theo tình trạng bệnh lý, hiệu quả điều trị và các yếu tố khác mà người bệnh có thể cải thiện sức khỏe, hồi phục và quay trở lại cuộc sống bình thường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết