Chảy máu não: phân loại, nguyên nhân và những lưu ý chăm sóc, điều trị
Chảy máu não: phân loại, nguyên nhân và những lưu ý chăm sóc, điều trị
chay-mau-nao
Chảy máu não là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra tình trạng đột quỵ - ảnh: BookingCare

Chảy máu não: phân loại, nguyên nhân và những lưu ý chăm sóc, điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 07/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Chảy máu não là một loại tai biến mạch máu não nghiêm trọng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh. Chảy máu não còn được gọi với các tên khác như tụ máu não hay xuất huyết não.

Chảy máu não là trường hợp mạch máu não bị vỡ khiến máu chảy vào nhu mô não, tạo ra khối máu tụ gây ra tổn thương như đè đầy nhu mô não lành. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra tình trạng đột quỵ (chiếm khoảng 15-30% số ca bệnh) và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người bệnh.

Phân loại và đặc điểm các loại chảy máu não

Thông thường, máu lưu thông trong các mạch máu não để cung cấp chất dinh dưỡng cho não hoạt động. Khi mạch máu não bị vỡ do các nguyên nhân khác nhau, máu sẽ chảy ra ngoài và tụ lại một vị trí hoặc lan tỏa toàn bộ lớp màng bao quanh não (màng não) gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Chảy máu não có thể được phân loại thành bốn loại chính: chảy máu não nội sọ, chảy máu ngoài màng cứng, chảy máu não dưới màng cứng và chảy máu não dưới màng nhện. Mỗi loại chảy máu có đặc điểm riêng về nguyên nhân, hậu quả và những triệu chứng chảy máu não khác nhau.

Chảy máu não nội sọ

Là tình trạng mạch máu bị vỡ ở bên trong nhu mô não, tạo ra 1 khối máu tụ. Hộp xương sọ là một khoang kín, khi có thêm khối máu tụ sẽ đè đẩy vào nhu mô não xung quanh gây thiếu máu thứ phát cho vùng não này, làm chết tế bào thần kinh, thậm chí gây tụt não xuống phía dưới. Loại chảy máu não này thường do các nguyên nhân như cơn tăng huyết áp quá cao khiến mạch máu bị vỡ hoặc các tác động bên ngoài như chấn thương đầu.

Chảy máu ngoài màng cứng

Não được bao quanh bởi 3 lớp màng, trong đó màng cứng là lớp màng nằm ngoài cùng. Chảy máu ngoài màng cứng là khi khối máu tự nằm ở bên ngoài lớp màng đè đẩy vào nhu mô não bên trong. Loại chảy máu này hay gặp sau chấn thương sọ não.

Chảy máu dưới màng cứng

Là tình trạng khối máu tụ nằm bên dưới lớp màng cứng nhưng vẫn ở bên ngoài 2 lớp màng màng nhện và màng mềm. Loại chảy máu này thường gặp sau chấn thương sọ não hoặc những cú ngã rất nhẹ cũng có thể gây ra. Chảy máu dưới màng cứng thường gặp ở người già, người nghiện rượu bia, người có bệnh lý rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông cho bệnh tim mạch.

Chảy máu dưới màng nhện

Khi máu chảy ở bên dưới lớp màng thứ 2 của màng não là màng nhện. Khi máu chảy ở đây, nó thường chảy lan tỏa ra toàn bộ não chứ không khu trú một chỗ như 3 dạng chảy máu trên. Loại chảy máu này thường gặp nhất là do vỡ một túi phình ở động mạch não hoặc sau chấn thương sọ não.

Triệu chứng chảy máu não

Chảy máu khiến áp lực lên não ngày càng tăng có thể gây ra một số triệu chứng như:

  • Đau đầu dữ dội
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Ý thức không tỉnh táo, ngủ gà thậm chí lú lẫn, gọi hỏi không đáp ứng, hôn mê.
  • Chóng mặt
  • Lú lẫn, suy giảm trí nhớ
  • Khó giao tiếp
  • Mất cảm giác hoặc giảm khả năng vận động các cơ quan của cơ thể (tay, chân, mặt,...)
  • Co giật toàn thân
  • Đại tiểu tiện không tự chủ

Nguyên nhân chảy máu não

Các triệu chứng chảy máu não xuất phát từ nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến hơn là các lý do như sau:

  • Tăng huyết áp: áp lực máu tăng cao có thể gây vỡ mạch máu não. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây chảy máu não.
  • Dị dạng mạch máu não do bẩm sinh hay mắc phải như phình mạch não, thông động tĩnh mạch não, thông động tĩnh mạch màng cứng,.. gây ra các bất thường về thành mạch cũng như dòng chảy của máu, dễ dẫn tới vỡ mạch não.
  • Bệnh mạch máu nhiễm tinh bột (amyloid) làm giảm khả năng liên kết thành mạch máu não nên dễ gây nứt hoặc vỡ mạch.
  • Chấn thương đầu: xảy ra do tai nạn xe, ngã, tác động vật lý và các chấn thương khi chơi thể thao.
  • Một số loại thuốc chứa chất làm loãng máu, chống tiểu cầu như: aspirin, thuốc chống đông như warfarin, acenocoumarol có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở nhiều vị trí trong cơ thể, đặc biệt là não.
  • Lạm dụng rượu bia
cac-nguyen-nhan-tu-mau-nao
Sử dụng quá nhiều rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não - ảnh: canva.com

Đối tượng có nguy cơ cao mắc chảy máu não

Chảy máu não có thể xảy ra với nhiều trường hợp, đặc biệt một số nhóm người có thể trạng đặc biệt như:

  • Những người có tiền sử tăng huyết áp: các đối tượng có tiền sử tăng huyết áp không kiểm soát tốt có nguy cơ cao mắc chảy máu não hơn người bình thường.
  • Người cao tuổi: tuổi tác càng cao, chức năng và độ bền mạch máu ngày càng giảm và yếu dần theo thời gian dẫn đến nguy cơ vỡ, nứt mạch.
  • Những người có sử dụng thuốc chứa thành phần chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu não.
  • Những người tham gia các công việc nguy hiểm, chơi thể thao mạo hiểm dễ gặp chấn thương vùng đầu: công nhân công trường, vận động viên...

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân chảy máu não

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra chảy máu não, người bệnh có thể được chỉ định một số phương pháp như:

Chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh là phương pháp chủ yếu được sử dụng nhằm chẩn đoán tình trạng và nguyên nhân chảy máu não. Các hình thức chẩn đoán chảy máu não bằng hình ảnh bao gồm:

  • Chụp CT-scanner: là kỹ thuật sử dụng tia X để dựng hình sọ não nhằm phát hiện chi tiết các tổn thương xương sọ và các khu vực máu tụ trong não.
    • Ngoài ra CT scanner có tiêm thuốc cản quang là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có ưu thế trong đánh giá mạch máu não, thường được sử dụng ở các bệnh nhân chảy máu não.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): phương pháp đánh giá chi tiết cấu trúc não, mạch máu não, sọ não, có thể sử dụng được cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, khả năng dựng mạch máu không tốt như chụp CT.
  • Chụp mạch não số hóa xóa nền (DSA): sử dụng tia X và thuốc cản quang để dựng hình ảnh mạch máu não.
    • Đây là phương pháp chụp mạch máu cho kết quả chính xác và nhiều thông tin nhất cho các bác sĩ. Tuy nhiên, xét nghiệm này khá xâm lấn, cần chọc động mạch để luồn catheter vào hệ thống mạch máu của người bệnh.

Thăm khám lâm sàng

Ngoài các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, người bệnh cần được thực hiện kiểm tra lâm sàng để có kết luận chính xác về tình trạng chảy máu não. Chẩn đoán lâm sàng bao gồm: kiểm tra tiền sử bệnh, triệu chứng, yếu tố nguy cơ…

Ngoài ra, một số trường hợp có thể được yêu cầu xét nghiệm máu, kiểm tra các chỉ số huyết học và yếu tố đông máu nhằm xác định mức độ nguy hiểm của tình trạng chảy máu não.

Cần làm gì khi bị chảy máu não?

Chảy máu não là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và can thiệp y tế kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Khi đó, việc áp dụng phương pháp điều trị sẽ tùy vào nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Một số phương pháp điều trị có thể bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: bao gồm việc kiểm soát các chức năng sống, tình trạng huyết áp và quản lý các biến chứng khác của tụ máu não, kết hợp phục hồi chức năng thần kinh là phương pháp thường áp dụng cho các đa phần các trường hợp chảy máu não.
  • Phẫu thuật: Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ khối máu tụ và giảm áp lực trong não.

Lưu ý khi chăm sóc người bị chảy máu não

Chảy máu não là tình trạng nguy hiểm, vì vậy để chăm sóc và hạn chế gây thêm các biến chứng cho người bệnh, người thân và người bệnh cần lưu ý một số điều sau:

  • Luôn tuân thủ thực hiện theo chỉ định của bác sĩ: sử dụng thuốc theo đúng liều lượng, thời gian, tập phục hồi chức năng, đảm bảo lối sống lành mạnh để kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh lý.
  • Bổ sung dinh dưỡng trong chế độ ăn uống: sử dụng các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin D và ít chất béo bão hòa như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt...
  • Theo dõi triệu chứng và thông báo dấu hiệu sức khỏe bất thường cho bác sĩ để được tư vấn và can thiệp kịp thời.
  • Chảy máu não có thể gây ra tác động lên tinh thần đối với bệnh nhân, vì vậy người thân cần tạo môi trường và luôn động viên bệnh nhân trong quá trình phục hồi.

Chảy máu não là một bệnh lý thần kinh nặng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, bạn đọc cần chú ý theo dõi và thăm khám thường xuyên để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, góp phần duy trì sức khỏe, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare