Hạ đường huyết thường gặp ở những người bệnh đái tháo đường lớn tuổi, kiểm soát đường huyết kém, đa bệnh lý. Trung bình ở người bệnh đái tháo đường loại 1 có 2 đợt hạ đường huyết có triệu chứng mỗi tuần và có 1 đợt hạ đường huyết nặng mỗi năm, người bệnh đái tháo đường loại 2 có tỷ lệ bị hạ đường huyết thấp hơn loại 1, nhưng tổng số người bị đái tháo đường loại 2 cao hơn nhiều. Hạ đường huyết là rào cản chính trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, và bản thân hạ đường huyết dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm liên quan đến tim mạch, thần kinh, có thể gây nên một số chấn thương nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong.
1, Biến chứng về tim mạch
Hạ đường huyết có thể gây ra một số biến chứng liên quan đến tim mạch như: loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim cục bộ hay suy tim.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lượng đường trong máu hạ xuống thấp đột ngột sẽ kích hoạt đến hệ thống giao cảm-thượng thận giải phóng một chất gọi là catecholamine, có thể làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim và cung lượng tim, giảm lưu lượng mạch vành.
Ngoài ra, hạ đường huyết còn gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình bài tiết cytokine gây viêm, chức năng nội mô, đông máu và tiêu sợi huyết, làm tăng nguy cơ đông máu nội mạch và huyết khối ở người bệnh đái tháo đường.
2, Suy giảm nhận thức
Các tế bào thần kinh ở não không thể tổng hợp và lưu trữ glucose, do vậy, não cần được hệ thống tuần hoàn cung cấp glucose liên tục. Tuy nhiên, khi đường huyết giảm xuống dưới 3,0 mmol/L (54 mg/dL) thì khả năng cung cấp glucose đến não cũng bị gián đoạn. Do đó, khi bị hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường, sẽ xuất hiện triệu chứng suy giảm nhận thức, thiếu máu não cục bộ, suy chức năng não, mất trí nhớ, mất điều hòa tiểu não.
Trường hợp hôn mê hạ đường huyết hoặc hạ đường huyết mức độ nặng và kéo dài nhưng không hôn mê đều làm chết các tế bào thần kinh, gây ra suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức khác nhau, bao gồm trí nhớ, sự chú ý, xử lý thông tin, khả năng giữ thăng bằng, chức năng tâm thần vận động, định vị không gian và thời gian.
3, Tăng nguy cơ chấn thương
Biến chứng hạ đường huyết này rất hay xảy ra với người bệnh đái tháo đường cao tuổi. Đây là các hệ quả từ biểu hiện tay chân run, suy giảm nhận thức do nồng độ đường trong máu quá thấp gây ra. Những biểu hiện này có thể gián tiếp gây ra tai nạn ngã dẫn đến các trường hợp gãy xương, trật khớp, chấn thương sọ não và tổn thương các mô mềm.
4, Hội chứng “Chết trên giường”
Hội chứng chết trên giường (DIB) là một thuật ngữ dùng để mô tả những cái chết đột ngột không rõ nguyên nhân của những người trẻ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 đang điều trị với insulin. Hội chứng này tương đối hiếm nhưng được cho là chiếm khoảng 6% trường hợp tử vong ở những người dưới 40 tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Nguyên nhân của hội chứng chết giường đối với những người bệnh mắc đái tháo đường tuýp 1 được cho là do hạ đường huyết đột ngột vào ban đêmvà/hoặc kèm rối loạn nhịp tim. Tình trạng này thường gặp hơn ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch di truyền, hạ đường huyết nặng < 40mg/dl (2,2 mmol/) kéo dài trên 3 giờ mà không có triệu chứng báo trước. Suy giảm thần kinh giao cảm và tăng hoạt động phó giao cảm về đêm cũng là 1 nguyên nhân góp phần. Ngoài rối loạn nhịp tim, hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra những cơn co giật gây ức chế hô hấp.
Hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường không những gây ra nhiều nguy hiểm cho người bệnh tại thời điểm đó mà nếu tình trạng này kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ dẫn đến các biến chứng hạ đường huyết nghiêm trọng. Do đó, người bệnh đái tháo đường cần chủ động kiểm soát đường huyết bằng việc xây dựng chế độ ăn uống kết hợp với vận động lành mạnh, thăm khám định kỳ để phòng ngừa hiện tượng hạ đường huyết và biến chứng hạ đường huyết.