Thông thường, nếu sống ở nơi không có vi khuẩn tả, bạn không cần quá lo lắng và cũng không cần thực hiện phương pháp đặc biệt nào để phòng ngừa bệnh tả.
Bạn chỉ cần chú ý giữ vệ sinh chỗ ở, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, sử dụng nguồn thực phẩm sạch có nguồn gốc rõ ràng và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là đã giảm được phần lớn nguy cơ mắc các bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống nói chung.
Còn nếu bạn đang sống trong vùng dịch tả hay đi du lịch đến những nơi có dịch tả, thực hiện theo các cách đơn giản sau sẽ giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tả.
Các cách phòng ngừa bệnh tả
Sử dụng nguồn nước sạch và an toàn
Trong vùng có dịch tả, nước là một nguồn dễ bị ô nhiễm bởi vi khuẩn và cũng là nguồn gây nhiễm vi khuẩn tả cho con người. Vì vậy, cần thận trọng và cố gắng sử dụng nguồn nước sạch, an toàn nhất:
- Sử dụng nước đóng chai để đánh răng, rửa và nấu thức ăn, làm đá hoặc đồ uống.
- Nếu không có nước đóng chai, hãy sử dụng nước đã được đun sôi và khử trùng bằng clo hoặc lọc nước bằng bộ lọc có thể loại bỏ vi khuẩn.
- Sử dụng nước đóng chai còn nguyên seal.
- Tránh sử dụng những thức ăn, đồ uống bán trên đường phố.
Nếu không chắc chắn rằng nguồn nước đang sử dụng có an toàn hay không, hãy xử lý nước clo, đun sôi hoặc lọc nước trước khi sử dụng.
- Khử trùng nước bằng Clo: Hãy dùng các sản phẩm Clo chuyên dụng có bán sẵn tại địa phương và khử trùng nước theo hướng dẫn sử dụng dán trên bao bì sản phẩm.
- Đun sôi nước: Đun sôi nước là cách hiệu quả để tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, nước đã đun sôi để nguội vẫn có nguy cơ tái nhiễm vi khuẩn nếu không được bảo quản cẩn thận. Không nên sử dụng nước đun sôi sau khi đã sử dụng quá 24h.
- Sử dụng bộ lọc nước: Nếu lọc nước, hãy sử dụng thiết bị có kích thước lỗ lọc nhỏ hơn hoặc bằng 0,3 micromet.
Sau khi nước đã được xử lý xong, hãy luôn đảm bảo nước được bảo quản trong thùng dụng cụ chứa sạch, có nắp đậy kín.
Rửa tay thường xuyên
Hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch vào các thời điểm sau:
- Trước, trong và sau khi nấu ăn
- Trước và sau khi ăn hay cho trẻ ăn.
- Sau đi vệ sinh.
- Sau khi thay bỉm, tã cho em bé.
- Sau khi chăm sóc người bị tiêu chảy.
Nếu không có xà phòng và nước sạch, hãy sử dụng dung dịch rửa tay có chứa ít nhất 60% cồn.
Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
Hãy luôn giữ vệ sinh an toàn thực phẩm từ khi nấu cho đến khi ăn.
- Làm sạch khu vực nấu ăn và đồ dùng nhà bếp bằng xà phòng và nước sạch đã qua xử lý rồi để khô hoàn toàn trước khi sử dụng.
- Sơ chế riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín.
- Ăn chín uống sôi: ăn thực phẩm đã được nấu chín kỹ khi vẫn còn nóng, nhất là với các loại hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ.
- Đồ ăn sau khi nấu chín, nếu không ăn ngay cần đậy kín trong hộp sạch.
Không ăn rau sống, trái cây chưa gọt vỏ, gỏi thịt cá, mắm tôm, hải sản sống hoặc chưa chín kỹ,…
Sử dụng vaccine
Hiện nay có 3 loại vaccine uống đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt là Dukoral, ShanChol và Euvichol-Plus/Euvichol. Tuy nhiên những loại vacxin này không có sẵn tại Việt Nam.
Ở Việt Nam, loại vaccine phòng bệnh tả đang được sử dụng là mORCVAX của Công ty Vabiotech (Việt Nam) sản xuất theo công nghệ chuyển giao của Thụy Điển.
Vaccine mORCVAX là vaccine bất hoạt, đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và được sử dụng cho các địa phương khi có dịch tả lưu hành. Hiện tại mORCVAX đang được tổ chức y tế thế giới WHO xem xét đưa vào dự trữ toàn cầu.
Trên đây là một số cách mà bạn có thể thực hiện để bảo vệ bản thân tránh mắc bệnh tả khi đến những vùng có dịch tả. Mong rằng bài viết trên đã mang lại những thông tin hữu ích cho độc giả.