Những điều bạn cần biết về bệnh tả
Những điều bạn cần biết về bệnh tả
Các thông tin cần biết về bệnh tả
Tổng quan các thông tin cần biết về bệnh tả - Ảnh: BookingCare

Những điều bạn cần biết về bệnh tả

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/01/2024 | Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Bệnh tả là gì? Tìm hiểu ngay những thông tin về bệnh tả: nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh tả trong bài viết dưới đây.

Bệnh tả là một bệnh truyền nhiễm gây tiêu chảy cấp do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh tả có thể dẫn đến tử vong.

Trong lịch sử, bệnh tả bùng phát đã gây ra những đại dịch lớn khiến hàng triệu người đã bị tử vong.Ở Việt Nam, bệnh tả đã xảy ra năm 2009, một số bệnh nhân tử vong do mất nước, toan chuyển hóa nặng. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè.

Nguyên nhân gây bệnh tả

Tác nhân gây bệnh tả là vi khuẩn tả Vibrio cholerae. V.Cholerae được phân loại dựa trên kháng nguyên O và các nhóm huyết thanh. Hiện nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra tới ít nhất 200 nhóm huyết thanh của loại vi khuẩn này.

Trong đó, 2 nhóm huyết thanh O1 và O139 là nguyên nhân chính gây nên những ca bệnh tả lưu hành hiện nay và có thể phát thành dịch tả. Các nhóm huyết thanh còn lại thường chỉ gây tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ và không có triệu chứng.

Vi khuẩn tả là vi khuẩn gram âm, còn được gọi là phẩy khuẩn tả do nó có hình dạng cong cong như dấu phẩy khi được soi trên kính hiển vi điện tử. Chúng di động rất nhanh nhờ có một sợi lông roi trên cơ thể.

Phẩy khuẩn tả có khả năng sống trong nước và thức ăn khoảng một tuần và có thể tồn tại nhiều năm trong các động vật thân mềm ở vùng ven biển.

Bệnh tả lây theo đường tiêu hóa, chủ yếu là do ăn uống phải thực phẩm, nguồn nước nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là thủy hải sản.

Trong nước, vi khuẩn tả sống ký sinh chủ yếu ở các loài động, thực vật thủy sinh phù du như: rong, tảo, đặc biệt ở các động vật giáp xác như tôm, cua, sò, ốc, hến,…

Triệu chứng của bệnh tả

Khoảng 75% người nhiễm vi khuẩn tả không có biểu hiện triệu chứng bệnh. Trong số những người có biểu hiện triệu chứng, 80% là ở thể nhẹ và vừa, 20% có biểu hiện mất nước nặng.

Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, người mắc bệnh tả có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây.

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Cơ thể mệt mỏi khó chịu
  • Mắt trũng
  • Khô miệng và khát nước
  • Da khô và nhăn nheo
  • Tiểu ít hoặc không đi tiểu
  • Huyết áp thấp
  • Nhịp tim không đều
  • Chuột rút
Buồn nôn và nôn trong bệnh tả
Buồn nôn và ói mửa là triệu chứng của bệnh tả - Ảnh: Canva

Biến chứng của bệnh tả

Tiêu chảy do bệnh tả có thể dẫn đến tình trạng mất nước và mất cân bằng điện giải nghiêm trọng và khiến bệnh nhân tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, một số biến chứng khác có thể xảy ra, chẳng hạn như:

  • Hạ đường huyết: Lượng đường trong máu (glucose) là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra ở những người bệnh tả nôn nhiều, không ăn được mà chưa được điều trị hợp lý. Trẻ em có nguy cơ cao nhất gặp phải biến chứng này. Nó có thể dẫn đến co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.
  • Hạ kali: Những người mắc bệnh tả sẽ bị mất một lượng lớn điện giải do tiêu chảy, trong đó có Kali. Nồng độ kali quá thấp gây ảnh hưởng đến chức năng tim và thần kinh, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
  • Suy thận: Biến chứng suy thận do bệnh tả có thể gây đe dọa tính mạng. Ở người mắc bệnh tả, suy thận thường kèm theo sốc.

Chẩn đoán và điều trị bệnh tả

Hầu như không thể phân biệt một bệnh nhân mắc bệnh tả với một bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính do nhiễm mầm bệnh khác nếu không xét nghiệm mẫu phân.

Việc chẩn đoán bằng các triệu chứng lâm sàng như nôn mửa hay tiêu chảy chỉ có thể hữu ích trong việc chẩn đoán nếu bệnh nhân ở trong vùng dịch tả.

Trong trường hợp bình thường, người bệnh sẽ phải làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như soi phân, cấy phân,... để xác định sự tồn tại của vi khuẩn tả trong cơ thể.

Sau khi có chẩn đoán chính xác, bệnh nhân sẽ được bù nước và điện giải qua đường uống, truyền tĩnh mạch hoặc sử dụng kháng sinh tùy thuộc vào mức độ bệnh.

Với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần điều trị tại nhà. Người chăm sóc cần chú ý những điều sau:

  • Cho người bệnh uống dung dịch bù nước và điện giải bằng Oresol.
  • Chú ý đến các dấu hiệu mất nước, mất cân bằng điện giải để đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời.
  • Sau khi tình trạng bệnh đã ổn định, cho người bệnh ăn các món lỏng, dễ tiêu để bổ sung năng lượng. Với trẻ em, cần cho trẻ tăng cường bú mẹ.

Phòng ngừa bệnh tả

Vi khuẩn tả có thể dễ dàng bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao và các chất diệt khuẩn thông thường như cồn hay clo. Do vậy, việc phòng ngừa bệnh tả cũng tương đối đơn giản, bạn chỉ cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh như:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch (sau khi đi vệ sinh, trước, sau khi ăn và nấu ăn, sau khi thay tã bỉm cho trẻ em,...).
  • Sử dụng đồ ăn thức uống hợp vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng.
  • Ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm sống hay chưa chín kỹ, đặc biệt là các loại thủy hải sản.
  • Ăn thức ăn khi còn nóng.
  • Đồ ăn sau khi nấu xong, cần đậy kín nếu chưa ăn ngay.
  • Ăn hoa quả đã gọt vỏ.

Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng vacxin phòng ngừa bệnh tả nếu phải đến những vùng có dịch tả đang hoành hành. Vacxin tả sẽ được sử dụng theo đường uống, khác với đường tiêm thông thường.

Nhìn chung, bệnh tả cũng là một bệnh lý có thể ra gây nguy hiểm nhất định cho người mắc phải nếu không được điều trị kịp thời. Điều may mắn là bệnh tả rất dễ dàng điều trị và người bệnh sẽ không có di chứng gì sau khi được chữa khỏi.

Điều quan trọng bạn cần làm là luôn ăn uống hợp vệ sinh và chú ý đến những triệu chứng bất thường của cơ thể. Nếu nhận thấy bản thân có những biểu hiện nôn mửa hay tiêu chảy nặng, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được làm các xét nghiệm, chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

Mong rằng bài viết trên đây đã mang lại cho độc giả những thông tin hữu ích về bệnh tả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare