Bệnh tả được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Cách chẩn đoán và điều trị bệnh tả
Tìm hiểu cách chẩn đoán và điều trị bệnh tả - Ảnh: BookingCare

Bệnh tả được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 30/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Bệnh tả có thể được chữa khỏi rất đơn giản nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. Cùng tìm hiểu ngay vấn đề này trong bài viết dưới đây.

Bệnh tả do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nếu nhận thấy người thân có những triệu chứng nghi ngờ do bệnh tả, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín gần nhất. Các bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám, chẩn đoán, phát hiện nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng ca bệnh.

Chẩn đoán bệnh tả như thế nào?

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ dựa vào những triệu chứng của bệnh tả qua từng giai đoạn bệnh để xác định, chẩn đoán. Các triệu chứng của bệnh tả thường biểu hiện rõ ràng và dễ nhận biết nhất vào thời kỳ toàn phát của bệnh.

  • Thời kỳ ủ bệnh: Từ vài giờ đến 5 ngày, thường chưa xuất hiện triệu chứng.
  • Thời kỳ khởi phát: Bắt đầu có biểu hiện sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần, có thể xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn.
  • Thời kỳ toàn phát:
  • Bệnh nhân sẽ bị tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, đôi khi có thể tới hàng chục lít một ngày. Đặc điểm điển hình của phân tả là toàn nước, có màu trắng đục, lờ nhờ như nước vo gạo và không có nhầy máu.
  • Một triệu chứng khác đó là nôn mửa, dịch nôn ban đầu có thức ăn, nhưng về sau sẽ toàn là nước. Bệnh nhân mắc tả thường không sốt và hiếm khi có biểu hiện đau bụng.
  • Ngoài ra, bệnh tả thường dẫn đến tình trạng mất nước và điện giải, gây mệt mỏi, khó chịu, chuột rút,... cho người bệnh.
  • Thời kỳ hồi phục: Nếu được bù nước và điều trị kháng sinh phù hợp, sau 1-3 ngày, bệnh sẽ thuyên giảm và bệnh nhân sẽ bắt đầu hồi phục lại.

Trong vùng dịch tả, các bác sĩ thường chẩn đoán trường hợp bệnh chủ yếu vào các biểu hiện lâm sàng này. Nếu bệnh nhân không ở trong vùng dịch tả, các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được sử dụng nhằm xác định chính xác liệu bệnh nhân có nhiễm vi khuẩn tả hay không.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh tả bao gồm:

  • Soi phân: Soi phân dưới kính hiển vi sẽ giúp chẩn đoán nhanh sự xuất hiện vi khuẩn tả trong phân.
  • Cấy phân: Mẫu phân cần được lấy sớm - ngay khi xuất hiện tiêu chảy lần đầu tiên và trước khi điều trị. Kỹ thuật viên sẽ cấy phân vào một môi trường chuyên biệt. Trong môi trường thuận lợi, phẩy khuẩn tả sẽ phát triển rất nhanh và có thể xác định sau 24 giờ.
  • Kỹ thuật PCR tìm gen CTX: Xét nghiệm này cũng giúp chẩn đoán nhanh bệnh tả.
  • Tình trạng cô đặc máu: Hematocrit (tỷ lệ hồng cầu trong máu) tăng.
  • Tình trạng rối loạn điện giải: Giảm Kali, giảm Bicarbonat, pH thấp.
  • Suy thận: 2 chỉ số Ure và creatinin máu tăng trong những trường hợp nặng.
Soi phân
Soi phân dưới kính hiển vi giúp chẩn đoán nhanh bệnh tả - Ảnh: Canva

Điều trị bệnh tả như thế nào?

Việc điều trị bệnh tả sẽ tuân thủ theo 3 nguyên tắc.

Cách ly bệnh nhân

Chất thải (phân) của bệnh nhân tả chứa vi khuẩn tả và có thể gây bệnh cho người tiếp xúc phải. Do vậy, cần cách ly người bệnh để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Người chăm sóc cũng cần đeo găng tay và rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân. Dụng cụ cá nhân của bệnh nhân tả cần được khử khuẩn bằng các dung dịch sát khuẩn như Chloramine B nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.

Bù nước và điện giải nhanh chóng

Với những trường hợp nhẹ hoặc bệnh tả đang ở giai đoạn đầu (chưa mất nước nhiều) hay trong giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có thể bù nước bằng đường uống (tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế).

Người bệnh có thể uống Oresol pha theo hướng dẫn in trên bao bì của nhà sản xuất, hoặc có thể tự pha dịch thay thế theo một số công thức sau:

  • Công thức 1: 8 thìa nhỏ (thìa cà-phê) đường, 1 thìa nhỏ muối pha với 1 lít nước lọc
  • Công thức 2: Nước cháo nấu từ 50g gạo và một nhúm muối (khoảng 3,5g)
  • Công thức 3: Nước dừa non pha với một nhúm muối

Khi uống bù dịch, nên uống từng ngụm nhỏ (đặc biệt là khi có triệu chứng nôn nhiều).

Với những trường hợp nặng, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được để được điều trị bù nước bằng đường truyền tĩnh mạch.

Các loại dịch truyền có thể được sử dụng cho bệnh nhân mắc vi khuẩn tả là:

  • Natri clorid 0,9%
  • Ringer lactat
  • Natri bicarbonat 1,4%
  • Glucose 5%

Trong quá trình truyền, cán bộ điều dưỡng, bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (mạch, huyết áp,...) và một số chỉ số khác như hematocrit, áp lực tĩnh mạch trung tâm, điện giải đồ để điều chỉnh tốc độ và liều lượng truyền dịch cho phù hợp.

Sau khi đã hết nôn và có thể uống được, bệnh nhân sẽ được chuyển sang phương pháp bù dịch bằng dung dịch uống.

Dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn

Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc kháng sinh sau đây:

  • Nhóm Fluoroquinolon (Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày): Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Thận trọng khi dùng cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi.
  • Azithromycin 10 mg/kg/ngày: Dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú
  • Cloramphenicol 30 mg/kg/ngày
  • Erythromycin 1g/ngày
  • Doxycyclin 300 mg

Sau khi đã sang giai đoạn hồi phục, bệnh nhân có thể bắt đầu ăn lại. Người bệnh nên ăn những món ăn lỏng, dễ tiêu, với trẻ nhỏ còn chưa cai sữa thì cần tăng cường cho trẻ bú mẹ.

Nhìn chung, nếu được điều trị kịp thời, hợp lý, bệnh nhân mắc bệnh tả thường hồi phục mà không để lại hậu quả lâu dài nào và cũng không trở thành một nguồn mang vi khuẩn tả có thể lây cho người khác. Dù vậy, người bị bệnh tả sẽ không có kháng thể với căn bệnh này và vẫn có thể mắc bệnh lại nếu tiếp xúc với phẩy khuẩn tả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết