Chắc hẳn là ai trong mỗi chúng ta đều đã từng nghe qua ít nhất một lần về bệnh tả hay dịch tả. Dù thế, không phải ai cũng biết chính xác về nguyên nhân gây nên căn bệnh này. Vì vậy, hãy cùng đi tìm lời giải của vấn đề này ngay bây giờ trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây bệnh tả là gì?
Nguyên nhân gây bệnh tả là do nhiễm vi khuẩn Vibrio cholerae - hay vi khuẩn tả, phẩy khuẩn tả.
Khi xâm nhập vào cơ thể con người, loại vi khuẩn này sẽ tạo ra một loại chất độc trong ruột non, khiến niêm mạc ruột tăng tiết quá mức điện giải, gây ra các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa, dẫn đến mất nước, mất cân bằng điện giải nhanh chóng. Bệnh nhân có thể đi vào truỵ tim mạch do mất nước nhanh và lớn.
Chúng ta có thể mắc bệnh tả do uống nước hoặc ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn tả. Ở những nơi có nguồn nước thải không được xử lý làm sạch thường xuyên, điều kiện vệ sinh kém,... dịch tả có thể xảy ra khiến rất nhiều người trong vùng dịch bị mắc bệnh.
Vi khuẩn tả có thể được tìm thấy trong:
- Nguồn nước công cộng: Giếng làng, ao làng hay các nguồn nước công cộng bị ô nhiễm là nguồn thường xuyên gây ra dịch tả quy mô lớn. Người sống ở những nơi đông đúc, chật hẹp, không có điều kiện vệ sinh đầy đủ có nguy cơ mắc bệnh đặc biệt cao.
- Hải sản: Vi khuẩn tả còn có thể sống trong môi trường nước lợ và vùng nước ven biển. Ăn hải sản (có nguồn gốc từ những vùng có vi khuẩn tả) sống hoặc chưa nấu chín kỹ, đặc biệt là những loài động vật có vỏ có thể khiến bạn nhiễm vi khuẩn tả.
- Rau sống và trái cây chưa gọt vỏ: Ăn rau sống hoặc trái cây chưa gọt vỏ có thể trở thành yếu tố nguy cơ mắc bệnh tả. Đặc biệt là khi rau quả được tưới bằng phân tươi hoặc tưới nước có chứa vi khuẩn tả sẽ trở thành một nguồn chứa vi khuẩn tả và gây nhiễm bệnh cho người ăn.
- Đồ dùng, vật dụng sinh hoạt của những người nhiễm tả có thể chứa vi khuẩn tả và đây là nguồn lây cho những người lành.
Phương thức lây truyền bệnh tả
Bệnh lây qua đường tiêu hoá. Vi khuẩn tả không gây bệnh cho tất cả những người tiếp xúc với chúng và không có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác qua đường hô hấp hay khi tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, vi khuẩn tả có thể được thải qua phân của người đã bị nhiễm bệnh, kể cả ở những người không có biểu hiện triệu chứng bệnh.
Vì vậy khi sống cùng người mắc bệnh, chúng ta vẫn có khả năng nhiễm phải vi khuẩn khi tiếp xúc với chất thải của người bệnh mà không cẩn thận, vệ sinh tay sạch sẽ, kỹ càng.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh tả?
Mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh tả, ngoại trừ trẻ sơ sinh đã có khả năng miễn dịch từ những bà mẹ đang cho con bú trước đây từng mắc bệnh tả.
Tuy nhiên, một số yếu tố nhất định có thể khiến chúng ta dễ mắc bệnh tả hơn hoặc có nhiều dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc bệnh tả:
- Sống trong điều kiện vệ sinh kém: Bệnh tả có nhiều khả năng phát triển mạnh trong những tình huống mà môi trường vệ sinh và nguồn cung cấp nước không đảm bảo an toàn như ở trại tị nạn, các quốc gia nghèo khó, khu vực bị ảnh hưởng bởi nạn đói, chiến tranh hoặc thiên tai.
- Thói quen ăn uống thực phẩm chưa được nấu chín như: rau sống, nem,… có nguy cơ bị lây nếu nguồn nước bị nhiễm bệnh.
Tóm lại, bệnh tả là do vi khuẩn tả gây nên và chúng ta có thể nhiễm bệnh khi ăn uống thực phẩm có nhiễm vi khuẩn tả. Giữ cơ thể, chỗ ở sạch sẽ và ăn uống hợp vệ sinh là cách tốt để bạn có thể phòng tránh bệnh tả và bảo vệ bản thân cũng như các thành viên trong gia đình.