4 dấu hiệu cảnh báo bé bị lác mắt
4 dấu hiệu cảnh báo bé bị lác mắt
Dấu hiệu bé bị lác mắt
Tìm hiểu dấu hiệu bé bị lác mắt giúp các bậc phụ huynh theo dõi và can thiệp điều trị kịp thời - ảnh: BookingCare

4 dấu hiệu cảnh báo bé bị lác mắt

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
Làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu bé bị mắt lác? Các bậc phụ huynh cần lưu ý điều gì trong việc chăm sóc và theo dõi các biến chứng thị lực cho con? Đọc thêm trong bài viết sau đây!

Mắt lác là tình trạng dễ bắt gặp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trong một số trường hợp, hiện tượng lác mắt ở trẻ nhỏ có thể là hiện tượng lác do điều tiết. Tuy nhiên, nếu không được theo dõi và kiểm soát cụ thể, chứng lác mắt có thể phát triển gây ra những hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của bé trong tương lai.

Các triệu chứng cảnh báo nguy cơ lác mắt ở trẻ

Tình trạng lác mắt thường xuất hiện ở giai đoạn trẻ sơ sinh đến khoảng 5 tuổi. Các triệu chứng lác mắt thường gặp ở trẻ có thể kể đến như:

Mắt nhìn lệch

Khi nhìn vào mắt trẻ có thể thấy hai tròng mắt không cân đối, một mắt bị lệch ra ngoài hoặc vào trong, lên trên hoặc xuống dưới. Một số trẻ bị phối hợp vừa lệch ra ngoài/ vào trong vừa lệch lên trên/ xuống dưới gọi là lác chéo. 

Những trường hợp lác nặng thường bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết nhưng những trường hợp độ lác nhỏ hoặc trung bình bố mẹ có thể không nhận ra mà cần phát hiện bởi bác sĩ.

Nhìn mờ, chớp, nheo mắt khi nhìn

Trẻ bị lác thường gặp khó khăn trong việc quan sát đồ vật nên trẻ thường phải chớp hoặc nheo mắt liên tục để tập trung quan sát vào đối tượng.

Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng này:

  • Thứ nhất mắt bị lác thường đi kèm tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị khiến trẻ bị giảm thị lưc.
  • Thứ hai, khi bị lác mỗi mắt nhìn một hướng nên mỗi mắt sẽ thu được hình ảnh khác nhau nên não không thể tổng hợp 2 ảnh từ hai mắt thành một hình ảnh không gian ba chiều sắc nét được. Khi đó não có thể sẽ chỉ nhận hình ảnh từ một mắt, ức chế mắt còn lại dẫn đến mắt đó bị nhược thị.

Mắt chuyển động lệch

Hai mắt không di chuyển cùng nhau, nhất là khi quan sát đồ vật chuyển động hoặc khi đọc sách, có thể sinh ra nhìn đôi làm trẻ không thể quan sát rõ đồ vật. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi, ngại học hỏi bằng việc nhìn và quan sát từ môi trường.

Hiện tượng này thường xảy ra ở những trường hợp bị lác do liệt cơ hoặc liệt dây thần kinh dẫn đến hạn chế vận động nhãn cầu, tiên lượng điều trị khó khăn hơn lác thông thông thường.

Tư thế bất thường

Lác mắt bản chất là do 2 mắt bị lệch trục khiến hình ảnh thu được từ hai mắt khác nhau. Để thích nghi với hiện hiện tượng này, giảm sự sai khác hình ảnh giữa 2 mắt trẻ thường có các tư thế để thích nghi và bù trừ lác mắt như lệch đầu,vẹo cổ có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý cột sống cổ khác.

Khả năng điều trị dấu hiệu trẻ bị lác mắt

Một số trẻ có hiện tượng giả lác, bố mẹ cần lưu ý. Giả lác là hiện tượng mắt trẻ trông như bị lác nhưng thật sự lạ không lác. Do cấu trúc mi mắt và góc mắt quá xa nhau che khuất một phần lòng trắng góc trong khiến lòng đen có vẻ gần mũi hơn tạo ra cảm giác bị lác trong. Để phân biệt giả lác và lác thật cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Khi trẻ bị lác thì cần điều trị càng sớm càng tốt. Lác mắt cần được điều trị trước 7 tuổi để tránh nhược thị và khôi phục chức năng thị giác. Điều trị lác sau 7 tuổi sẽ chỉ có thể giải quyết về mặt thẩm mỹ chứ không thể khôi phục được chức năng thị giác cho trẻ.

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tùy theo nguyên nhân và mức độ lác. Lác do điều tiết, viễn thị thường được điều trị bằng kính. Đa số các loại lác khác như lác liệt, lác do bất đối xứng cơ vận nhãn thường được điều trị bằng phẫu thuật.

Việc tìm hiểu và nhận biết các dấu hiệu trẻ bị mắt lác đóng vai trò quan trọng và quyết định đến khả năng điều trị và hồi phục cho trẻ. Các bậc phụ huynh cần lưu ý theo dõi và đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng và nâng cao khả năng hồi phục thị lực cho con.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết