7 điều cần lưu ý về hiện tượng mắt lác
7 điều cần lưu ý về hiện tượng mắt lác
Hiện tượng mắt lác
Tình trạng mắt lác có thể xảy ra ở mọi đối tượng, đặc biệt là ở trẻ em dưới 3 tuổi - ảnh: BookingCare

7 điều cần lưu ý về hiện tượng mắt lác

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 15/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 15/04/2024
Mắt lác là tình trạng nhãn khoa khá phổ biến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này xảy ra khi các cơ vận động quanh mắt bị ảnh hưởng dẫn tới không thể giữ nhãn cầu thẳng thẳng trục và chuyển động bình thường.

Mắt lác là hiện tượng hai mắt không đồng trục (không cùng nhìn về một hướng) với nhau. Các trường hợp mắt lác phần lớn không thể tự hồi phục, vì vậy cần được can thiệp điều trị sớm nhằm tránh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến thị lực của người bệnh. Đọc thêm trong bài viết.

Các triệu chứng nhận biết mắt lác

Mắt lác có thể nhận biết bằng cảm quan dựa trên các dấu hiệu như:

  • Mắt lệch, hai mắt không định thị cùng một hướng.
  • Suy giảm thị lực hoặc mất khả năng định thị.
  • Nghiêng, quay đầu hoặc nheo mắt khi nhìn.
  • Nhìn mờ, nhìn đôi.
  • Dễ đau đầu, mỏi mắt khi sử dụng mắt liên tục (đọc sách, xem phim, làm việc liên tục với các thiết bị điện tử…)

Lác mắt có thể chia thành các trường hợp như:

  • Lác ngang: bao gồm mắt lác hướng vào trong hoặc mắt lác hướng ra ngoài.
  • Lác đứng: gồm mắt lác hướng lên trên và mắt lác hướng xuống dưới.
  • Lác chéo: kết hợp lác ngang và lác đứng.
  • Mắt lác không liên tục: tình trạng mắt lác xảy ra gián đoạn vào từng thời điểm và biểu hiện không rõ ràng.

Tình trạng mắt lác có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt các dấu hiệu lác mắt ở trẻ em thường phổ biến và dễ nhận biết hơn. Đồng thời, khả năng điều trị mắt lác ở trẻ em cũng được đánh giá có triển vọng hơn so với người lớn.

Những nguyên nhân gây mắt lác

Tình trạng mắt lắc có thể xảy ra do một số nguyên nhân như sau:

  • Rối loạn chức năng các dây thần kinh sọ não thứ ba, thứ tư và thứ sáu.
  • Ảnh hưởng của các tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị, viễn thị.
  • Do bẩm sinh.
  • Chấn thương do va đập hoặc di chứng của các bệnh như đột quỵ.
  • Các bệnh lý tuần hoàn, viêm nhiễm.

Các biến chứng liên quan đến mắt lác

Mắt lác có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, hoạt động hàng ngày và chất lượng cuộc sống. Sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng mắt lác (đặc biệt là dấu hiệu nhìn đôi) ở cả người lớn và trẻ em (trên 3 tuổi) có thể chỉ ra một chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng hơn.

Các biến chứng thường gặp của mắt lác bao gồm:

  • Nhược thị không hồi phục: lác mắt có thể dẫn đến nhược thị, nếu lác không được điều trị sớm trước 7 tuổi thì khả nặng hồi phục thị lực sẽ rất hạn chế.
  • Tư thế bất thường như lệch đầu, vẹo cổ: bệnh nhân lác thường sẽ phải nghiêng đầu, nghiêng mặt để có thể nhìn dễ dàng hơn, đây là một phản ứng để thích nghi với tình trạng lác mắt. Nếu để lâu có thể thành tật tư thế bất thường.
  • Bệnh lý thần kinh sọ não: nhiều trường hợp lác mắt là dấu hiệu khởi đầu đầu của các bệnh lý thần kinh, sọ não như liệt dây thần kinh sọ do khối u chèn ép, do phình mạch máu hay do xuất huyết, nhồi máu não. Nếu không được phát hiện kịp thời có thể nguy hại đến tính mạng.

Các phương pháp chẩn đoán nguyên nhân mắt lác

Để chẩn đoán nguyên nhân mắt lác, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp như:

  • Kiểm tra thị lực
  • Làm test che mắt chẩn đoán xác định lác, hướng lác, đo độ lác bằng lăng kính, đánh giá tình trạng của các cơ vận nhãn ở các hướng khác nhau.
  • Khám lâm sàng toàn diện để phát hiện nguyên nhân gây lác nếu có làm các xét nghiệm va và chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt là chụp sọ não trong trường hợp nghi ngờ lác do nguyên nhân thần kinh.

Điều trị mắt lác

Việc áp dụng các phương pháp điều trị mắt lác phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Một số phương pháp điều trị thông thường bao gồm:

  • Đeo kính: thường áp dụng trong trường hợp lác do viễn thị hoặc điều tiết quả mức. Một số trường hợp lác chưa có chỉ định phẫu thuật có thể được điều trị tạm thời bằng lăng kính chỉnh lác để hạn chế song thị và nhược thị.
  • Phẫu thuât: trong trường hợp lác liệt hoặc lác bẩm sinh thông thường do mất cân bằng cơ vận nhãn.
  • Điều trị bổ trợ bằng thuốc và bịt mắt: bịt mắt hoặc tra thuốc làm mờ mắt có thị lực tốt hơn để mắt có thị lực yếu hơn tăng cường hoạt động từ đó nâng cao thị lưc. Đây là phương pháp chính để điều trị nhược thị từ đó giúp tình trạng lác cải thiện tốt hơn.

Khả năng điều trị mắt lác

Tiên lượng và khả năng điều trị mắt lác phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Việc can thiệp sớm các phương pháp điều trị và thực hiện chăm sóc thích hợp, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể cải thiện đáng kể tình trạng mắt lác.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghiêm trọng, mắt lác không thể khắc phục hoàn toàn, gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực của người bệnh.

Trên đây là những thông tin về mắt lác, hy vọng người bệnh có thể cập nhật được những thông tin hữu ích trong việc theo dõi, điều trị và phòng ngừa bệnh để duy trì thị lực và chất lượng cuộc sống ổn định.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết