4 dấu hiệu và triệu chứng điển hình nhận biết trào ngược dạ dày thực quản

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 22/01/2018 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

4 triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: ợ nóng (nóng sau xương ức),ợ chua (trào dịch thượng vị),nuốt khó và ho khan khàn tiếng.

4 dấu hiệu và triệu chứng điển hình nhận biết trào ngược dạ dày thực quản
Ợ nóng là một triệu chứng đặc trưng của trào ngược dạ dày thực quản - Ảnh: Dying and Grief

Tuy không phải tất cả, nhưng thói quen ăn uống của không ít người đang dần “Tây hóa”. Ngày nay, với hàng trăm lý do mà chúng ta dần dần dành ít thời gian cho các bữa cơm gia đình, với những món ăn truyền thống, ít thời gian để tự vào bếp nấu nướng các món ăn tốt cho sức khỏe.

Thực sự mà nói, tình trạng ngồi làm việc, học hành xuyên trưa, xuyên đêm, đói lúc nào gọi đồ ăn lúc đấy không còn hiếm gặp nữa. Các cửa hàng đồ ăn nhanh la liệt, menu cũng “dài như sông” càng làm con virus lười biếng và thèm ăn trong người trỗi dậy. VTV 24 thì liên tục “nóng” với những thông tin về thực phẩm bẩn, thế thì chả có lý nào sức khỏe chúng ta vẫn tốt được?

Thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không khoa học sẽ gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, nhưng ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là hệ tiêu hóa. Bệnh tiêu hóa dù nặng dù nhẹ thì tỷ lệ mắc phải cũng đều đang có xu hướng tăng lên. Một trong số đó là Trào ngược dạ dày thực quản, có thể dùng một vài câu chữ để nói về bệnh này đó là “phổ biến, nguy hiểm nhưng vẫn bị thờ ơ”.

Nếu bạn đã và đang dừng lại ở bài viết này, có lẽ bạn đang tìm đáp án cho câu hỏi “Tôi/người thân của tôi có đang bị trào ngược dạ dày thực quản không?” Hãy tham khảo và đánh giá biểu hiện hiện tại của bạn, hy vọng đó chỉ là do những “pha ăn no quá đà” chứ không phải bệnh trào ngược kia.

4 dấu hiệu và triệu chứng điển hình nhận biết trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên các chất (dịch axit) từ dạ dày lên thực quản, bệnh không chỉ gây khó chịu mà còn có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư nếu để lâu ngày mà không điều trị.

Một số triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản (GERD) - Ảnh: BookingCare 

Triệu chứng được chia làm 3 nhóm: triệu chứng điển hình, triệu chứng không điển hình và triệu chứng báo động.

Triệu chứng

1. Ợ nóng/nóng sau xương ức

Đó là cảm giác gây ra do các thành phần của dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Bệnh nhân thấy nóng rát từ vùng thượng vị, lan ngược lên phía sau xương ức có khi lên tận cổ họng. Ợ nóng thường tăng lên sau khi ăn, khi nằm xuống hoặc ưỡn người về phía trước.

2. Ợ chua/trào ngược dịch vị

Là hiện tượng do thành phần axit của dịch vị trào ngược lên vùng hầu họng .

3. Nuốt khó

Xuất hiện ở 1/3 số bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản, cảm giác thức ăn hay nước uống dừng lại phía sau xương ức ngay sau khi nuốt.

Theo thời gian, niêm mạc thực quản tổn thương có thể hình thành các mô sẹo, các mô sẹo thu hẹp gây ra khó nuốt, vướng. Nuốt khó, hay nghẹn là triệu chứng cần cảnh giác với ung thư thực quản.

4. Ho khan, khàn giọng

Dịch axit trào lên lâu ngày sẽ gây viêm, tổn thương niêm mạc hầu họng, gây ho, khàn giọng. Nhiều trường hợp do không biết mình bị trào ngược dạ dày gây ho, người bệnh không đi khám và tự đi mua thuốc uống (thuốc ho, đau họng…). Hệ quả là uống cả tháng trời tình trạng ho vẫn không giảm, thậm chí còn gây bệnh dạ dạ vì sử dụng quá nhiều thuốc.

Ngoài ra còn có các triệu chứng không điển hình khác, gồm: nôn, ợ hơi, tăng tiết nước bọt, khò khè, hen phế quản, mòn răng do axit, có những người còn bị viêm xoang, viêm tai giữa do hệ quả của trào ngược dạ dày thực quản lâu ngày…

Thống kê về triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản

Các chuyên gia đã thống kê về mức độ phổ biến của các triệu chứng như sau:

Triệu chứng Tần suất 
Nóng sau xương ức / ợ nóng 80%
Trào ngược dịch vị / ợ chua 54%
Ho khan 27%
Nuốt khó (thức ăn đặc)23%
Khàn giọng 21%
Đầy hơi 15%
Khò khè 7%
Cảm giác nuốt nghẹn  4%

Triệu chứng báo động

Là các triệu chứng khi nó xuất hiện có thể trào ngược dạ dày đã ở giai đoạn nặng, đã gây ra biến chứng .

  • Nuốt khó, nuốt vướng: do các mô sẹo tại thực quản, khối u thực quản.
  • Nuốt đau: có thể do loét thực quản nghiêm trọng. Các vết loét thực quản có thể chảy máu, gây đau khi ăn uống.
  • Sụt cân nhanh.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Nôn ra máu, đại tiện phân đen
  • Đau tức ngực liên tiếp.
  • Nghẹt thở, khó thở. Do biến chứng tại thực quản gây chèn ép hay co thắt thanh - khí quản
Nuốt đau là do niêm mạc thực quản bị viêm loét nghiêm trọng, có thể gây chảy máu - Ảnh: Reader's Digest

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Mục đích điều trị:

  •  Loại bỏ nguyên nhân và phục hồi lại các tổn thương do trào ngược dạ dày thực quản gây ra. Phòng ngừa biến chứng.
  • Phòng tránh bệnh tái phát.

Hiện nay, bệnh nhân cần phải kết hợp giữa điều trị không dùng thuốc (thay đổi lối sống, giờ giấc sinh hoạt, thói quen ăn uống) và điều trị dùng thuốc để đạt hiệu quả cao. Có những trường hợp nặng, bác sĩ có thể tư vấn điều trị bằng phẫu thuật hoặc một số kỹ thuật can thiệp qua nội soi.

Người bệnh cần chú ý đến cách sinh hoạt như:

  • Không ăn quá no.
  • Tránh thức ăn chứa nhiều axit, rượu, caffein, chocolate, hành tỏi, hạt tiêu, ớt.
  • Giảm thức ăn béo.
  • Tránh nằm xuống ngay sau khi ăn.
  • Kê cao đầu giường khi ngủ.
  • Tránh dùng thuốc có thể gây trào ngược (thuốc an thần, NSAID, nitrat…)
  • Bỏ thuốc lá.
  • Tránh mặc quần hay thắt lưng quá chặt.

Khám với bác sĩ giỏi

Cách tốt nhất là kiểm soát chính bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Khi dịch axit không trào lên hoặc ít trào lên vùng hầu họng nữa thì bẹnh sẽ thuyên giảm dần. Tùy tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cụ thể, có những trường hợp phải kết hợp giữa bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ tai mũi họng thì mới nhanh khỏi.

 
 
Tài liệu tham khảo
http://www.bachmai.vn/Article/8375.aspx
http://suckhoedoisong.vn/benh-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-n13312.html
http://noitonghop.org/hoi-chung-trao-nguoc-da-day-thuc-quan/
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/