5 bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường từ dân gian
5 bài thuốc trị bệnh tiểu đường từ dân gian
5 bài thuốc trị bệnh tiểu đường từ dân gian - Ảnh: BookingCare

5 bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường từ dân gian

Tác giả: - Xuất bản: 07/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Các bài thuốc điều trị tiểu đường từ dân gian từ các nguyên liệu như: khổ qua, lô hội, thìa canh, nấm lim xanh, quế đều có tác dụng điều hòa đường huyết nhưng vẫn cần làm theo hướng dẫn và chỉ định từ bác sĩ.

Việc thay đổi lối sống kết hợp với thuốc là nguyên tắc cốt lõi giúp quản lý bệnh tiểu đường. Song song với đó, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp điều trị tiểu đường từ dân gian dưới đây.

5 bài thuốc điều trị bệnh tiểu đường từ dân gian 

1, Khổ qua

Khổ qua, hay mướp đắng vốn là bài thuốc dân gian sở hữu nhiều tác dụng như: chống viêm, giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa,... và cả điều trị tiểu đường. Trong thành phần của khổ qua có chứa charantin, vicine và các polypeptide-p có tác dụng giống như insulin, giúp cho quá trình vận chuyển và chuyển hóa glucose trong cơ thể diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Để sử dụng khổ qua làm bài thuốc dân gian điều chỉnh lượng đường huyết hiệu quả, có thể sử dụng trực tiếp, ép thành nước uống hoặc chế biến thành các món ăn như: mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi thịt,.. 

Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng sử dụng bởi mướp đắng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn với người bệnh.

2. Lô hội

Rất nhiều người biết đến công dụng dưỡng da từ lô hội nhưng không dừng lại ở đó, loại cây này còn có tác dụng làm chậm tiến trình phát triển của bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020 đã chỉ ra các tác dụng của việc sử dụng lô hội trong điều trị đái tháo đường:

  • Tăng cường nồng độ insulin
  • Tăng cường các tế bào trong đảo tụy, nơi trực tiếp sản sinh ra insulin
  • Giảm thiểu các biến chứng tiểu đường ở thận và ở mắt

Do có tính mát nên lô hội rất phù hợp để sử dụng làm các loại thức uống vừa để giải nhiệt, vừa có tác dụng điều hòa đường huyết như: dùng làm trà nha đam, ép cùng các loại hoa quả (dâu tây, ổi, lựu,...) để làm sinh tố nha đam. Ngoài ra, bạn còn có thể bổ sung nha đam vào trong salad để sử dụng, rất tốt cho sức khỏe tổng thể.

Cần lưu ý rằng, nha đam không thích hợp cho phụ nữ mang thai và cho con bú bởi chúng có thể gây co thắt tử cung. Vì vậy, nếu bạn thuộc đối tượng trên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

3, Dây thìa canh

Trong thành phần của lá thìa canh có chứa Gymnemic có tác dụng kích thích sản sinh tế bào beta của tuyến tụy, nhờ đó, giúp tăng sản sinh ra insulin, hỗ trợ quá trình điều trị tiểu đường.

Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng làm mất vị ngọt tạm thời giúp người dùng giảm cảm giác thèm đồ ngọt.

Cách thông dụng nhất để sử dụng lá thìa canh vẫn là đun sôi cùng với nước để uống. Hiện nay, cũng đã có nhiều thương hiệu thực phẩm chức năng điều chế dây thìa canh thành dạng viên nang để tiện sử dụng. Người bệnh nên tìm hiểu kỹ các thương hiệu, nguồn gốc và tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng các loại thực phẩm chức năng này. 

4, Nấm lim xanh

Nấm lim xanh không chỉ có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu mà còn có công dụng trong việc giảm lượng đường huyết. Trong loại nấm này, có thành phần ganoderans giúp kích thích sản sinh insulin ở tuyến tụy, hạ đường huyết.

Cũng tương tự như dây thìa canh, nấm lim xanh thường được sử dụng để đun sôi với nước để uống. Không chỉ thế, đây cũng là vị thuốc lý tưởng dùng để ngâm rượu thuốc. 

Về liều lượng sử dụng, người bệnh cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án dùng nấm lim xanh điều trị tiểu đường hiệu quả nhất.

5, Quế 

Quế thường được sử dụng làm gia vị bổ sung trong các món ăn cho người tiểu đường bởi chúng tạo thêm vị ngọt cho món ăn nhưng không khiến đường huyết tăng lên. Không chỉ thế, loại gia vị này có tác dụng trực tiếp đến việc kiểm soát đường huyết.

Một nghiên cứu đã chỉ ra ràng dùng một thìa cà phê bột quế hàng ngày trong 40 ngày có thể giảm 18% hàm lượng cholesterol và gần 25% hàm lượng đường huyết.

Nên dùng dạng bột quế hoặc trà quế để điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, liều lượng vẫn cần hỏi ý kiến bác sĩ. Cần lưu ý rằng, quế không được khuyến cáo sử dụng cho người có tiền sử về bệnh gan bởi có nguy cơ gây những vấn đề về gan.

Một số lưu ý khi áp dụng các phương pháp dân gian để trị tiểu đường 

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của các bài thuốc dân gian trong điều trị tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây để áp dụng chúng vào cuộc sống hiệu quả:

  • Cần kiên nhẫn khi áp dụng các bài thuốc dân gian bởi phần lớn chúng đều đòi hỏi áp dụng trong thời gian dài mới nhận thấy hiệu quả
  • Các bài thuốc dân gian trị tiểu đường không có tác dụng thay thế hoàn toàn thuốc điều trị mà chỉ có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị
  • Bên cạnh dùng các biện pháp dân gian, người bệnh cần kết hợp với việc thay đổi lối sống và sinh hoạt để đạt được hiệu quả tốt nhất
  • Không phải đối tượng nào cũng có thể áp dụng các biện pháp dân gian để chữa trị tiểu đường, cần phải tham khảo ý kiến các bác sĩ về chỉ định và liều lượng khi sử dụng
  • Người bệnh cần ngưng sử dụng và đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra một khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường

Với những chia sẻ trên, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin về các bài thuốc dân gian trị tiểu đường hiệu quả. Dù người bệnh áp dụng phương pháp nào, bạn cũng cần tham khảo và bám sát lộ trình điều trị từ các bác sĩ Nội tiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết