5 dấu hiệu cận thị thường gặp là gì?

Tác giả: - Xuất bản: 07/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
cac-dau-hieu-can-thi-la-gi
Các dấu hiệu cảnh báo tật cận thị là gì? - ảnh: Bookingcare
Dấu hiệu cận thị là những biểu hiện khá dễ nhận biết để dự đoán nguy cơ mắc bệnh. Vậy những dấu hiệu nào phản ánh một người đang mắc phải tình trạng này? Đọc thêm trong bài viết!

Dấu hiệu cận thị có thể xuất hiện từ sớm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng quan sát của người bệnh. Việc nhận biết các dấu hiệu giúp mọi người theo dõi và có những biện pháp khắc phục nhằm duy trì sự ổn định trong sinh hoạt, làm việc và học tập.

Các dấu hiệu phổ biến của cận thị 

Dụi, nheo mắt liên tục

Khả năng điều tiết mắt bị ảnh hưởng khiến mắt khô và mỏi hơn. Người bệnh thường liên tục nheo mắt hoặc chớp mắt để tập trung nhìn rõ vào vật thể. Đặc biệt khi quan sát lâu vào một điểm, mắt thường có dấu hiệu nhìn lóa hoặc mờ hơn so với bình thường.

Xu hướng thu hẹp khoảng cách quan sát 

Cận thị khiến người bệnh có xu hướng thu hẹp khoảng cách quan sát của mắt với vật. Người bệnh có xu hướng đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng điện thoại ở cự ly gần mắt hơn để tiếp nhận thông tin bằng thị giác so với người bình thường.

Giảm khả năng nhìn xa

Người mắc tật cận thị bị hạn chế về tầm nhìn xa. Khi quan sát vật cách xa (khoảng 10m trở lên), bệnh nhân thường nhìn mờ, nhìn lóa các vật thể kích cỡ nhỏ hoặc trung bình ở xa, khó quan sát hoặc phải nheo mắt để quan sát được các đối tượng này. 

Lóa mắt

Người bệnh cận thị dễ bị lóa mắt khi thay đổi từ môi trường tối sang môi trường có ánh sáng mạnh hoặc nhìn trực tiếp vào nguồn sáng. Các vấn đề điều tiết mắt có thể gây ra cảm giác khó chịu và làm mất tạm thời khả năng quan sát khi thay đổi cường độ ánh sáng. 

Nhức đầu

Khi tập trung quan sát vào một điểm hoặc một vật bất kỳ quá lâu có thể dẫn đến tình trạng nhức đầu. Người bệnh thường phải tập trung liên tục để nhìn rõ các chữ cái hoặc từng chi tiết làm tăng quá trình co quắp điều tiết và áp lực tiếp nhận, xử lý thông tin từ bên ngoài lên các dây thần kinh mắt, não dẫn đến cảm giác đau nhức.

Các biện pháp khắc phục dấu hiệu cận thị 

Trong trường hợp mới xuất hiện các dấu hiệu cận thị, bạn đọc có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản tại nhà để giảm thiểu mức độ các triệu chứng như sau:

  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để mắt được điều tiết và không phải làm việc quá sức.
  • Thực hiện các bài tập xoay mắt, nhìn xa và nhìn gần giúp làm tăng tuần hoàn máu và cải thiện thị lực. 
  • Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhằm tránh tác dụng của ánh sáng xanh gây căng thẳng cho mắt. 
  • Luôn thực hiện quy tắc 20-20-20: khi làm việc nhiều trên máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng, người bị cận nên nhắm mắt trong 20 giây và nhìn xa 20 feet (6m) sau 20 phút làm việc để thư giãn đôi mắt và phòng ngừa tăng độ cận thị.
  • Sử dụng kính râm khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng mạnh để giảm áp lực lên mắt.
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng cho mắt như vitamin A, C, E, kẽm và selen.... trong chế độ ăn hàng ngày của bạn.
  • Ngủ đủ giấc (7- 8 tiếng/ngày) để mắt được phục hồi và tái tạo sau thời gian làm việc.
  • Thực hiện kiểm tra thị lực định kỳ với bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc kỹ thuật viên khúc xạ để phát hiện sớm các vấn đề về thị lực và kiểm tra mức độ cận thị có cần phải đeo kính không.

Người bệnh cần chú ý quan sát các dấu hiệu cận thị để phòng ngừa và khắc phục kịp thời. Việc bảo vệ và chăm sóc mắt là điều quan trọng giúp mọi người duy trì sinh hoạt và chất lượng cuộc sống ổn định.