Cận thị không đeo kính có sao không? Có tự khỏi cận thị không?

Tác giả: - Xuất bản: 08/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
can-thi-khong-deo-kinh-co-lam-sao-khong
Cận thị không đeo kính có làm sao không là thắc mắc của rất nhiều người - ảnh: BookingCare
Đối với các trường hợp cận nhẹ thường thắc mắc "cận thị không đeo kính có sao không?". Vậy khi cận thị có bắt buộc phải sử dụng kính không? Có phương pháp nào khác hoặc có thể tự khỏi được cận thị hay không?

Bài viết đưa ra đánh giá về vấn đề liên quan đến cận thị không đeo kính có sao không và khả năng tự hồi phục của cận thị, đồng thời gợi ý một số giải pháp kiểm soát và tránh sự phụ thuộc vào kính cận.

Chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu cho các trường hợp mắc cận thị để khỏi bệnh, trừ các trường hợp phẫu thuật lasik ở người trên 18 tuổi và phẫu thuật thay thủy tinh thể ở những người cận thị bẩm sinh nặng.

Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị cận thị có thể kiểm soát triệu chứng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Cận thị không đeo kính có sao không?

Nhiều trường hợp cận thị nhẹ không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày có xu hướng hạn chế hoặc không sử dụng kính cận cho mắt. Thực tế, việc không đeo kính cận có thể áp dụng với một vài trường hợp. Vì vậy, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể.

Cận thị bao nhiêu độ cần đeo kính thường xuyên?

Mức độ cận thị cần đeo kính thường xuyên sẽ khác nhau tùy vào từng trường hợp. Để biết chính xác mức độ cận thị của mắt, cần tham khảo ý kiến và thực hiện các kiểm tra mắt chuyên sâu với bác sĩ. Bác sĩ sẽ đo lường và đưa ra đề xuất số diop kính phù hợp để cải thiện tật cận thị.

Cận thị bao nhiêu độ không cần đeo kính thường xuyên?

Thông thường độ cận nhỏ (dưới 1 độ) ít gây ảnh hưởng đến thị lực và sinh hoạt hàng ngày, vì vậy người bệnh có thể không cần đeo kính thường xuyên. Tuy nhiên người mắc tật cận thị cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thêm về độ dày võng mạc cũng như các vấn đề mắt khác để có kết luận cần đeo kính hay không.

Biện pháp hạn chế tăng độ khi không đeo kính cận 

Người cận thị nếu không đeo kính cần lưu ý một số biện pháp để hạn chế tăng độ cận như sau:

  • Thực hiện các bài tập mắt: Bài tập mắt như xoay mắt, nhìn xa và gần xen kẽ, hay nhìn vào điểm xa trong một khoảng thời gian ngắn có thể giúp giảm căng thẳng mắt và hạn chế sự gia tăng độ cận.
  • Luôn thực hiện quy tắc 20-20-20: khi làm việc nhiều trên máy tính, điện thoại hoặc máy tính bảng, người bị cận thị nên nhắm mắt trong 20 giây và nhìn xa 20 feet (6m) sau 20 phút làm việc để thư giãn đôi mắt và phòng ngừa tăng độ cận.

Có thể tự khỏi cận thị không?

Giả cận thị có thể điều trị khỏi. Giả cận thị là hiện tượng co quắp điều tiết khi nhìn gần trong thời gian kéo dài dẫn đến tình trạng nhìn xa bị kém. Tình trạng này thường gặp ở trẻ em dưới 11 tuổi.

Do vậy, tất cả trẻ dưới 11 tuổi khi có dấu hiệu nghi ngờ cận thị cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán cụ thể.

Bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ cấp đơn thuốc liệt điều tiết, sau một khoảng thời gian điều trị sẽ kiểm tra lại thị lực. Nếu không cận thì bệnh nhân không cần đeo kính, ngược lại bác sĩ sẽ kê đơn kính tùy theo tình trạng thị lực và độ kính của người bệnh thông qua một số phương pháp như:

  • Sử dụng kính hoặc kính áp tròng cận thị hoặc các loại kính cận ban đêm để cải thiện thị lực. Lưu ý, sử dụng kính áp tròng được vệ sinh tốt để tránh tình trạng viêm nhiễm và thiếu oxy giác mạc.
  • Sử dụng một số loại thuốc như atropine nồng độ thấp giúp giãn đồng tử, thư giãn mắt và hạn chế tăng độ cận.
  • Phẫu thuật laser điều chỉnh hình dạng của giác mạc, khôi phục khả năng lấy nét chính xác cho mắt trong các trường hợp người bệnh trên 18 tuổi và độ cận không tăng dần theo thời gian.

Tuy nhiên nếu không được chăm sóc, cải thiện đúng cách từ nhỏ có thể dẫn đến cận thị nặng kèm theo các bệnh lý mắt nghiêm trọng như:

  • Đục thủy tinh thể
  • Viêm võng mạc
  • Tăng nhãn áp
  • Bệnh đa hồng cầu
  • Nguy cơ mất thị lực
  • Thoái hóa võng mạc
  • Tân mạch hắc mạc
  • Rách võng mạc
  • Bong võng mạc dẫn đến mù lòa

Trên đây là những lưu ý về vấn đề cận thị không đeo kính có sao không. Để biết rõ về trường hợp của mình, bạn đọc cần đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe cá nhân.