Đục thủy tinh thể: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc sau mổ
Đục thủy tinh thể: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc sau mổ
Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Đục thủy tinh thể: Dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị và chăm sóc sau mổ

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 11/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 11/12/2023
Đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Mỹ, gần 20% số người từ 65 đến 74 tuổi bị đục thủy tinh thể gây cản trở thị lực. Gần 50% số người trên 75 tuổi bị đục thủy tinh thể.

Thủy tinh thể là cấu trúc trong mắt có chức năng như một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là lớp tế bào giúp nhận cảm ánh sáng và gửi tín hiệu thị giác lên não. Ở mắt bình thường, ánh sáng đi xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để tạo ảnh rõ nét.

Thủy tinh thể được cấu tạo chủ yếu là nước và protein. Các protein được sắp xếp trật tự để cho ánh sáng xuyên qua và hội tụ trên võng mạc. Một số trường hợp protein tập trung thành đám, làm ánh sáng đi qua bị tán xạ, tạo ra những vùng mờ đục trong thủy tinh thể, cản ánh sáng đến võng mạc và gây giảm thị lực. Tình trạng này gọi là đục thủy tinh thể.

Cùng tìm hiểu chi tiết về bệnh đục thủy tinh thể trong bài viết dưới đây của BookingCare.

Dấu hiệu đục thủy tinh thể

Đối với những người bị đục thủy tinh thể, việc nhìn qua thủy tinh thể đục cũng giống như nhìn qua một tấm kính phủ đầy sương mù. Tầm nhìn bị mờ do đục thủy tinh thể có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc quan sát, đọc chữ, lái xe vào ban đêm,...

Bệnh thường diễn tiến từ từ và không gây đau nhức mắt, ở những giai đoạn đầu gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Khi đến giai đoạn nặng hơn thì các triệu chứng dưới đây có thể xuất hiện:

  • Tầm nhìn bị mờ.
  • Khó nhìn vào ban đêm.
  • Nhạy cảm với ánh sáng mạnh và chói mắt.
  • Cần ánh sáng mạnh hơn để đọc và thực hiện các hoạt động khác.
  • Nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn.
  • Nhìn màu sắc bị nhạt đi hoặc ố vàng.
  • Nhìn một thành hai hình, nhìn thấy nhiều bóng mờ cùng một lúc.
  • Độ kính đang đeo thay đổi thường xuyên.

Nguyên nhân đục thủy tinh thể

Đa số trường hợp đục thủy tinh thể liên quan tuổi già, ngoài ra còn gặp đục thủy tinh thể bẩm sinh và do các nguyên nhân khác. Các yếu tố nguy cơ có thể gây ra đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Chấn thương: Có thể gây đục thủy tinh thể ngay sau chấn thương hoặc xuất hiện sau nhiều năm.
  • Hút thuốc, sử dụng rượu
  • Tiếp xúc với tia X-quang
  • Tiếp xúc với tia hồng ngoại
  • Bệnh toàn thân (ví dụ, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì,...)
  • Viêm màng bồ đào
  • Các thuốc dùng đường toàn thân (ví dụ, corticosteroid)
  • Suy dinh dưỡng
  • Tiếp xúc với tia cực tím kéo dài
  • Trong một số trường hợp, đục thủy tinh thể mang tính bẩm sinh,có căn nguyên di truyền hoặc liên quan đến các hội chứng toàn thân hoặc các bệnh toàn thân.

Sử dụng estrogen sau mãn kinh có thể có tác dụng bảo vệ đục thủy tinh thể tuy nhiên nhưng không nên sử dụng estrogen cho riêng mục đích này.

Xét nghiệm chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để phát hiện bệnh cần phải khám mắt bằng sinh hiển vi và soi đáy mắt. Tốt nhất bệnh nhân nên được khám mắt toàn diện với đồng tử nhỏ giãn.

Đục thủy tinh thể tiến triển có dạng đục xám, trắng hoặc nâu vàng. Đánh giá ánh hồng đồng tử qua đồng tử giãn bằng đèn soi đáy mắt sẽ phát hiện được sơ bộ những dạng đục thủy tinh thể, với mắt đục thủy tinh thể sẽ không quan sát được ánh hồng đồng tử như mắt bình thường.

Khám sinh hiển vi cung cấp các thông tin chi tiết về đặc điểm, vị trí và mức độ đục của thủy tinh thể.

Mắt bình thường với mắt bị đục thủy tinh thể
Mắt bình thường với mắt bị đục thủy tinh thể - Ảnh: aoa.org 

Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc tăng cường độ ánh sáng khi làm việc.

Nếu những biện pháp này không có tác dụng thì chỉ có phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Phẫu thuật sẽ tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục, hút ra ngoài và đặt vào một thấu kính nhân tạo để thay thế thủy tinh thể đục.

Mổ đục thủy tinh thể thường được chỉ định trong những trường hợp:

  • Thị lực tối đa khi dùng kính kém hơn 20/40 (< 6/12), hoặc thị lực giảm đáng kể trong điều kiện ánh sáng chói ở bệnh nhân nhìn có quầng màu hoặc chói sáng
  • Bệnh nhân than phiền  thị lực giảm nhiều (ví dụ: cảm thấy bị cản trở trong sinh hoạt hằng ngày như lái xe, đọc sách, làm việc nhà).
  • Thị lực có thể cải thiện đáng kể sau phẫu thuật thủy tinh thể (nghĩa là đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây giảm thị lực).

Ngoài ra, kiểm tra khúc xạ và chỉnh kính thường xuyên có thể giúp duy trì thị lực trong giai đoạn tiến triển của đục thủy tinh thể khi chưa có chỉ định phẫu thuật.

Chăm sóc mắt sau khi mổ đục thủy tinh thể

Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa, có thể chảy nước mắt, mắt cảm thấy chói sáng và nhạy đau. Nếu mắt khó chịu, có thể dùng thuốc giảm đau mỗi 4-6 giờ. Sau 1-2 ngày mắt sẽ giảm đau và khó chịu. Đa số trường hợp mắt sẽ phục hồi hoàn toàn trong 6 tuần.

Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và hạn chế tiếp xúc với máy tính, tivi, không nên ra ngoài nhiều vì có thể sẽ bị bụi bẩn bay vào mắt. Bệnh nhân cũng cần đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt. Tránh dụi hoặc đè ấn lên mắt.

Không nên khom cúi hoặc xách vật nặng. Khom cúi sẽ làm tăng áp lực nội nhãn. Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể đi bộ, leo cầu thang và làm việc nhẹ trong nhà.

Tái khám định kỳ sau phẫu thuật với bác sĩ chuyên khoa là điều cần thiết.

Biến chứng sau phẫu thuật đục thủy tinh thể rất hiếm. Biến chứng có thể gặp là nhiễm trùng, chảy máu, viêm (mắt đau, đỏ, sưng), hoặc bong võng mạc. Các biến chứng này gây giảm thị lực. Nếu phát hiện kịp thời thì có thể điều trị thành công những biến chứng này.

Phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo hiệu quả và an toàn tuyệt đối. Điều quan trọng là phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh đã được xác định.

  • Khám mắt thường xuyên. Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, điều trị sớm các bệnh tại mắt như glôcôm, viêm màng bồ đào,...
  • Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa như vitamin B2, B3, C, E, D sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu các vitamin trên.
  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác như tia cực tím từ mặt trời, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

Như vậy, trên đây là những thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, cách điều trị, các lưu ý khi chăm sóc và phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể để bệnh nhân và người nhà có thể tham khảo.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết