Việc tìm hiểu để phát hiện sớm các dấu hiệu viễn thị ở trẻ nhỏ là việc vô cùng quan trọng và cần thiết góp phần xử lý kịp thời, tránh các hệ lụy đáng tiếc đến chức năng thị giác, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và phát triển của trẻ. Đọc thêm trong bài viết.
Các dấu hiệu cảnh báo tật viễn thị
Các dấu hiệu viễn thị có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào. Với các trường hợp viễn thị nhẹ (phổ biến ở trẻ em) có thể không biểu hiện một triệu chứng cụ thể nào.
Mặt khác, trẻ em cũng không thể nhận biết được các vấn đề của mình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ và thầy cô giáo nếu chú ý có thể phát hiện một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng viễn thị ở trẻ như:
Giảm khả năng nhìn gần
Các trường hợp viễn thị nhẹ, trẻ cần điều tiết mắt giúp nhìn rõ hình ảnh của sự vật ở gần, đồng nghĩa với việc mắt trẻ sẽ dễ bị mỏi hơn do phải hoạt động nhiều hơn bình thường. Nếu bị viễn thị nặng, trẻ thường nhìn mờ ở khoảng cách cả gần lẫn xa.
Mỏi mắt
Khi mắc viễn thị, mắt thường xuyên phải điều tiết nên dẫn đến hiện tượng nhanh bị mỏi. Người bị viễn thị thường cảm thấy căng thẳng thị giác khi liên tục tập trung quan sát vào một đối tượng cụ thể trong thời gian dài. Mỏi mắt kéo dài có thể kèm theo triệu chứng nóng rát, khô mắt, đau nhức đầu hoặc đau xung quanh mắt, vùng thái dương.
Nheo mắt khi quan sát
Người bị viễn thị thường gặp khó khăn khi quan sát các chi tiết nhỏ. Bệnh nhân thường phải nheo mắt khi đọc hoặc nhìn vào các chi tiết trên hình ảnh, màn hình có diện tích nhỏ để quan sát rõ đối tượng.
Nhạy cảm với ánh sáng
Hạn chế về khả năng thích nghi giữa các nguồn sáng mạnh và yếu có thể là dấu hiệu của tật viễn thị. Việc di chuyển hoặc thay đổi đột ngột từ môi trường ánh sáng yếu sang môi trường ánh sáng mạnh hoặc ngược lại có thể khiến người bệnh cảm thấy lóa mắt, khó nhìn rõ hoặc choáng váng.
Để nhìn rõ các vật ở gần, người bệnh thường xuyên phải điều tiết, co kéo cơ quanh mắt trán để nhìn rõ hơn. Mắt viễn thị có xu hướng xoay vào trong, có những trường hợp trông giống bị lác hoặc bị lác thật sự.
Các biến chứng và hậu quả do viễn thị gây ra
Nếu không được khắc phục triệu chứng và nguyên nhân viễn thị, trẻ có thể đối mặt với một số hậu quả, biến chứng như:
- Giảm hiệu suất học tập và làm việc do mỏi mắt, giảm sự tập trung gây mỏi mắt, nhức đầu; người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc đọc sách, làm việc với máy tính, bài giảng trực tuyến hoặc làm việc với các công cụ cần nhìn rõ vật ở gần.
- Gây nguy hiểm khi tham gia các hoạt động, đặc biệt là lái xe, chơi thể thao hoặc vận hành máy móc cỡ lớn...
- Lác mắt: trẻ bị viễn thị thường phải điều tiết nhiều nên mắt có xu hướng xoay vào trong, gây lác trong ảnh hưởng đến thị lực và thẩm mỹ.
- Nhược thị: trẻ bị viễn thị nặng hoặc bất đồng khúc xạ hai mắt có thể dẫn đến nhược thị. Nhược thị nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây mất thị lực vĩnh viễn, mất cân bằng thị giác 2 mắt và khó khăn trong việc quan sát và định vị không gian.
Các dấu hiệu viễn thị có thể cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến thị giác cũng như gợi ý một số bệnh lý liên quan. Để xác định nguy cơ mắc viễn thị, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán cụ thể nhằm hạn chế tình trạng này cũng như dự phòng các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.