Khó có thể xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh hen phế quản ở trẻ em. Dưới đây là một số nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh, phụ huynh có thể nhận biết để đưa trẻ đi khám khi nghi ngờ.
5 Nguyên nhân chính gây hen phế quản ở trẻ em
1. Yếu tố di truyền
Bệnh hen phế quản có tính di truyền trong gia đình, nếu trẻ có cha mẹ mắc bệnh hen phế quản trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác. Nhưng không có nghĩa rằng trẻ chắc chắn sẽ mắc bệnh.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh hen phế quản cao gấp ba đến sáu lần nếu cha hoặc mẹ của trẻ mắc bệnh hen phế quản.
2. Tác nhân gây hen phế quản
Nguyên nhân tiềm ẩn của các triệu chứng hen phế quản và các cơn hen phế quản ở những trẻ mắc bệnh này rất khác nhau. Có rất nhiều tác nhân kích ứng, khởi phát và có thể có nhiều tác nhân khác nhau tác động đến một đứa trẻ.
3. Các yếu tố trong nhà
Trong nhà có thể tồn tại bất kỳ yếu tố gây dị ứng nào gây ra triệu chứng hen phế quản:
- Mạt bụi: Loài côn trùng cực nhỏ, chúng ăn những mảnh da và tóc nhỏ trên các đồ phủ vải như: giường (nệm, gối, ga trải giường), thảm, đồ nội thất bọc nệm, thú nhồi bông, đồ chơi...
- Nấm mốc: Nấm mốc thường được tìm thấy nhiều nhất trên các bề mặt ẩm ướt trong phòng tắm, nhà bếp và tầng hầm.
- Gián và các loài gây hại khác: Các bộ phận cơ thể, nước tiểu và phân của gián và sâu bệnh có chứa protein có thể gây ra các triệu chứng dị ứng.
- Vật nuôi: Các chất gây dị ứng từ da chết, phân, nước tiểu và nước bọt của vật nuôi có thể gây ra bệnh hen phế quản.
- Khói thuốc lá: Có thể gây kích ứng đường thở và gây ra các triệu chứng hen phế quản.
- Nitrogen dioxide: Một loại khí được giải phóng bởi bếp gas, lò sưởi, có thể gây kích ứng phổi tăng nguy cơ mắc bệnh hen.
4. Các yếu tố bên ngoài
Một số yếu tố bên ngoài môi trường có thể gây ra bệnh hen phế quản ở trẻ em như:
- Phấn hoa: Phấn hoa từ nhiều loại cỏ, cỏ dại và cây cối khác nhau có thể gây ra các triệu chứng dị ứng và hen phế quản.
- Nấm mốc: Nấm mốc phát triển trong đất hoặc trên thảm thực vật ngoài trời có thể bay vào không khí và gây ra các triệu chứng hen phế quản.
- Thời tiết: Thời tiết nhất định có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hen phế quản. Ví dụ, phấn hoa dễ dàng phát tán khi trời nóng, khô và có gió. Nấm mốc phát triển mạnh khi thời tiết mưa hoặc ẩm ướt,...
5. Nhiễm trùng đường hô hấp
Bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào, như cảm lạnh hay cúm, đều có thể gây ra các triệu chứng hen phế quản.
Một số yếu tố nguy cơ gây hen phế quản ở trẻ
Ngoài các nguyên nhân chính được liệt kê bên trên, một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh hen phế quản ở trẻ được liệt kê dưới đây. Nếu có những yếu tố này, trẻ sẽ có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn những trẻ khác.
- Sinh non, cân nặng lúc sinh thấp: Trẻ sinh trước 33 tuần tuổi thai có nguy cơ cao mắc bệnh hen phế quản do phổi chưa trưởng thành. Ngay cả những trẻ sinh ra ở tuần thai thứ 38 cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn những trẻ sinh muộn hơn.
- Tiếp xúc với khói thuốc: Trẻ có mẹ hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ trẻ bị hen phế quản, cũng tương tự như việc trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động sau khi sinh.
- Bệnh chàm: Trẻ em mắc bệnh viêm da cơ địa khi còn nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh hen phế quản sau này.
- Dị ứng: Trẻ bị dị ứng gây hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi có nguy cơ mắc bệnh hen phế quản cao hơn trẻ không bị dị ứng mũi.
- Viêm tiểu phế quản: Nghiên cứu cho thấy tình trạng này thường xảy ra ở trẻ sinh non do virus hợp bào hô hấp (RSV) và cảm lạnh thông thường, có thể liên quan đến bệnh hen phế quản ở trẻ em.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp phụ huynh có thể dễ dàng hơn trong việc nhận biết các nguy cơ mắc phải bệnh hen phế quản ở trẻ. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.