Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị

Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị
Hen phế quản ở trẻ: Nguyên nhân, Triệu chứng và Điều trị - Ảnh: BookingCare
Hen phế quản là một trong những bệnh mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở  lứa tuổi nhũ nhi và khó điều trị dứt điểm. Điều cần làm là giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc phải các đợt hen cấp và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Bệnh hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) ở trẻ em cũng giống như người lớn nhưng trẻ em sẽ có những triệu chứng khác. Các triệu chứng hen suyễn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động ban ngày và ban đêm trong cuộc sống của trẻ. Nếu không được kiểm soát tốt, cơn hen suyễn cấp có thể khiến trẻ thở mệt phải nhập viện.

Nguyên nhân mắc hen phế quản ở trẻ em

Thực tế, nguyên nhân chính xác của bệnh hen suyễn không được nhận diện một cách rõ ràng.. Các nghiên cứu cho thấy mối liên quan phức tạp giữa bệnh hen với các yếu tố di truyền và môi trường.

Một số tác nhân phổ biến có thể liên quan đến hen suyễn được liệt kê dưới đây:

  • Viêm đường hô hấp: Bao gồm cảm lạnh, viêm phổi và viêm xoang.
  • Chất gây dị ứng: Trẻ có thể bị dị ứng với một số yếu tố như mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng và phấn hoa.
  • Yếu tố gây kích thích: Ô nhiễm không khí, hóa chất, không khí lạnh, mùi hôi hoặc khói có thể là tác nhân.
  • Hoạt động thể dục: Có thể dẫn đến thở khò khè, ho và tức ngực.
  • Stress: Có thể khiến trẻ khó thở và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hen suyễn.

Bên cạnh đó, có một số yếu tố nguy cơ như: 

  • Dị ứng mũi hoặc bệnh chàm (viêm da cơ địa)
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng
  • Cân nặng lúc sinh thấp, sinh non nhẹ cân
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động trong quá trình thai nghén hoặc sau khi ra đời

Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em

Không phải tất cả trẻ em đều có các triệu chứng hen suyễn giống nhau . Một đứa trẻ thậm chí có thể có các triệu chứng khác nhau theo từng đợt. Bao gồm:

  • Ho kéo dài hoặc tái phát nhiều lần (có thể là triệu chứng duy nhất)
  • Ho thường xuyên và trầm trọng hơn khi trẻ nhiễm virus, vận động mạnh hoặc trong thời tiết lạnh
  • Dễ mệt, tức ngực, hụt hơi khi vận động cùng cường độ so với các trẻ cùng lứa tuổi
  • Ho về đêm dai dẳng, nặng hơn có thể khò khè, khó thở
  • Trẻ thở khò khè là điều hoàn toàn không bình thường và không bao giờ phụ huynh nên bỏ qua dấu hiệu này. Trẻ càng nhỏ thì việc nhận biết càng khó khăn hơn.

 Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám khi nhận thấy trẻ có:

  • Tiếng thở bất thường (khò khè) mới xuất hiện
  • Khò khè không phải mới nhưng ngày càng trầm trọng hơn

Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, hen suyễn chủ yếu được chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng. Tuy nhiên, có một số cận lâm sàng có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, tùy thuộc vào độ tuổi, khả năng hợp tác và tình trạng hô hấp của trẻ. Một số xét nghiệm và phép đo có thể được bác sĩ chỉ định:

  • Đo chức năng hô hấp: Đánh giá mức độ nặng và khả năng hồi phục của tình trạng tắc nghẽn đường thở.
  • Chụp X-quang ngực: Giúp loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự như bệnh hen suyễn.
  • Xét nghiệm dị ứng: Các xét nghiệm dị ứng có thể giúp xác định các tác nhân gây hen suyễn, nhưng đây không phải là xét nghiệm chẩn đoán bệnh hen suyễn.
  • Đo nồng độ NO trong khí thở ra (FeNO: fraction of exhaled nitric oxide): Đánh giá khi chẩn đoán hen không rõ ràng, thường được chỉ định ở trẻ trên 5 tuổi, có thể được sử dụng như một chất chỉ điểm sinh học để theo dõi mức độ nặng của bệnh và hiệu quả điều trị.

Bệnh sẽ được phân loại dựa trên các mức độ nghiêm trọng như sau:

  • Nhẹ, cách quãng: Các triệu chứng xảy ra từ hai ngày trở xuống mỗi tuần; không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường
  • Nhẹ, dai dẳng: Triệu chứng kéo dài hơn hai ngày mỗi tuần; những hạn chế nhỏ đối với hoạt động bình thường
  • Vừa, dai dẳng: Triệu chứng xuất hiện hàng ngày; ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động bình thường
  • Nặng, dai dẳng: Triệu chứng xuất hiện liên tục cả ngày, hạn chế nghiêm trọng đối với các hoạt động bình thường

Dựa trên mức độ nặng của đợt cấp và bậc kiểm soát hen suyễn của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất.

Điều trị hen phế quản ở trẻ

Mục tiêu của điều trị hen suyễn là theo dõi, giáo dục, giảm thiểu các đợt cấp và nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ. Ngoài sự khác biệt do tuổi tác, cách tiếp cận điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em nhìn chung cũng giống như ở người lớn. Bao gồm:

  • Xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn là điều quan trọng. Mặc dù khó có thể tránh tất cả các tác nhân nhưng cần hạn chế tiếp xúc tối đa có thể.
  • Điều trị bằng thuốc: Chủ yếu sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít hoặc phun khí dung, có tác dụng nhanh làm giãn đường thở và cải thiện hô hấp. Ngoài ra, tuỳ vào tình trạng của trẻ, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc điều trị khác. 
  • Giáo dục: bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ (hoặc người chăm sóc trẻ trực tiếp) cách nhận diện, theo dõi tình trạng hô hấp của trẻ cũng như các biện pháp phòng ngừa và xử trí cơn hen cấp tại nhà.

Cách sống chung với hen phế quản

Phụ huynh có thể giúp kiểm soát bệnh hen suyễn, giúp trẻ giảm thiểu các triệu chứng cũng như cơn cấp của con mình bằng cách:

  • Tìm ra các tác nhân khởi phát và giữ trẻ tránh xa chúng.
  • Cho trẻ sử dụng thuốc uống và thuốc xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa các triệu chứng.
  • Theo dõi các triệu chứng hô hấp để nhận biết khi nào xuất hiện cơn hen suyễn cấp.
  • Tham khảo các nguồn thông tin uy tín, hỏi ý kiến bác sĩ để biết phải làm gì khi bệnh hen suyễn trở nặng.
  • Đảm bảo trẻ luôn có thuốc xịt khẩn cấp phù hợp ở bên mình.
  • Trao đổi với giáo viên và nhân viên y tế của nhà trường về tình trạng của trẻ. 

Phòng ngừa bệnh hen phế quản ở trẻ

Mặc dù không thể hoàn toàn phòng ngừa bệnh, nhưng một số biện pháp dưới đây giúp phần nào phòng ngừa bệnh hen phế quản ở trẻ mà phụ huynh có thể thực hiện:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Giúp trẻ nâng cao hệ miễn dịch
  • Đảm bảo chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại rau quả chứa nhiều vitamin C
  • Tránh xa khói thuốc lá
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, tránh để bụi bẩn
  • Kiểm soát cân nặng của trẻ: Trẻ béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh lý hô hấp nói chung và bệnh hen suyễn nói riêng.
  • Tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ để hạn chế các bệnh viêm đường hô hấp có thể đẫn đến bệnh hen suyễn. 

Tóm lại, hen phế quản ở trẻ em khó có thể xác định được chính xác nguyên nhân gây ra, các biện pháp điều trị cũng gần như tương tự với hen phế quản ở người lớn. Tuy nhiên, việc nhận biết các dấu hiệu hen phế quản ở trẻ em có thể gặp khó khăn vì triệu chứng không rõ ràng và trẻ nhỏ không thể mô tả chính xác tình trạng của bản thân. Vì vậy, với bất cứ dấu hiệu nghi ngờ nào, phụ huynh nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.