Điều trị Hen phế quản ở trẻ em như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 20/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 20/11/2023
Điều trị Hen phế quản ở trẻ em như thế nào?
Điều trị Hen phế quản ở trẻ em như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Bệnh hen phế quản ở trẻ em cần được phụ huynh theo dõi chặt chẽ, đưa trẻ đi khám đúng hẹn để được bác sĩ xác định đúng mức độ, bậc kiểm soát và đưa ra lộ trình điều trị tối ưu.

Mục tiêu của điều trị hen phế quản là giảm thiểu các đợt hen cấp và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày của trẻ.. Thực tế, cách tiếp cận điều trị bệnh hen phế quản ở trẻ em nhìn chung cũng giống như bệnh hen phế quản ở người lớn.

Điều trị hen phế quản ở trẻ

Tuỳ thuộc vào tình trạng của trẻ, mà bác sĩ sẽ tư vấn cha mẹ phương án điều trị phù hợp nhất. 

Dùng thuốc

Hai loại thuốc điều trị hen phế quản chính là thuốc cắt cơn và thuốc phòng ngừa. Trẻ luôn cần mang theo sẵn bên mình thuốc cắt cơn dạng hít để có thể sử dụng ngay khi có triệu chứng hen phế quản. 

Thuốc phòng ngừa là thuốc kháng viêm chứa corticosteroid dạng hít, giúp ngăn ngừa các triệu chứng của cơn hen cấp trong tương lai. Đối với trẻ em cần được lựa chọn loại ống hít phù hợp nhất với độ tuổi của trẻ để có thể phát huy hiệu quả của thuốc. Với từng loại ống hít sẽ có cách sử dụng khác nhau, phụ huynh cần làm theo cẩn thận và hỏi thêm bác sĩ để được hướng dẫn.

Ngoài ra, các loại thuốc điều trị hen phế quản khác cũng sẽ được bác sĩ kê đơn để kiểm soát tình trạng lâu dài. Có thể sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp một số loại với nhau.

Lập trình sẵn một kế hoạch hành động cho bệnh hen phế quản

Kế hoạch hành động cho bệnh hen phế quản là một kế hoạch bằng văn bản được bác sĩ khám cho trẻ hướng dẫn và lưu ý để giúp trẻ đạt được và duy trì việc kiểm soát tốt bệnh hen phế quản.

Kế hoạch hành động về bệnh hen phế quản bao gồm:

  • Danh sách các thuốc điều trị hen thường sử dụng, bao gồm cả liều thuốc.
  • Các hướng dẫn xử trí khi hen trở nặng (bao gồm khi nào thì tăng thêm liều thuốc hoặc sử dụng thêm thuốc khác, hoặc khi nào phải đi khám cấp cứu).
  • Phải làm gì trong tình trạng cấp cứu hen.
  • Tên của bác sĩ giúp thiết kế kế hoạch hành động hen cho trẻ.

Thay đổi lối sống

Các triệu chứng hen phế quản không dễ dàng xảy ra, thông thường các triệu chứng xuất hiện khi trẻ tiếp xúc với tác nhân khiến phế quản co lạiviệc ứ đọng nhiều chất nhầy đàm nhớt ở đường hô hấp, cản trở quá trình thông khí đến phổi. Vì vậy, phụ huynh cần tìm ra tác nhân khởi phát cơn hen phế quản, loại bỏ các yếu tố này ra khỏi cuộc sống của trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần thảo luận với giáo viên, nhân viên y tế của nhà trường về tình trạng bệnh của trẻ để có thể hỗ trợ kịp thời khi trẻ xuất hiện cơn hen cấp.

Bệnh hen phế quản được kiểm soát tốt là như thế nào?

Các bác sĩ đánh giá tình trạng kiểm soát bệnh hen phế quản trong khoảng thời gian gần đây bằng cách hỏi về các triệu chứng trong vòng 4 tuần trước đó:

  • Hoạt động hoàn toàn không bị hạn chế bởi bệnh hen phế quản
  • Không có triệu chứng hen phế quản về đêm (kể cả ho khi ngủ) hoặc khi thức dậy.
  • Các triệu chứng ban ngày không quá 2 ngày mỗi tuần
  • Cần dùng thuốc cắt cơn không quá 2 ngày mỗi tuần (không tính thuốc cắt cơn uống trước khi tập thể dục)
  • Mọi triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng sau khi sử dụng thuốc cắt cơn dạng hít.

Dựa trên các câu hỏi này, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh hen phế quản của trẻ đang tiến triển như thế nào và cùng với phụ huynh lập một kế hoạch hành động mới phù hợp với tình trạng của trẻ.