Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch như: tuổi tác, tiền sử gia đình, béo phì, thói quen đứng/ngồi quá lâu... Một số yếu tố như tiền sử gia đình hoặc tuổi tác sẽ khó tránh hơn so với các yếu tố khác. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch và hạn chế bệnh tiến triển nặng.
6 cách đơn giản giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch
Tránh đứng hoặc ngồi lâu
Những người đứng hoặc ngồi thường xuyên trong một khoảng thời gian dài thường có nguy cơ suy giãn tĩnh mạch cao hơn người khác. Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng bệnh, bạn nên nghỉ ngơi và vận động sau khi đứng/ngồi nhiều giờ. Nếu phải đứng lâu, bạn nên ngồi xuống mỗi 15 phút, xoa bóp bắp chân để tăng cường lưu thông máu sau đó có thể đứng trở lại. Việc vận động giúp các cơ ở chân di chuyển máu về tim nhiều hơn.
Tập thể dục thường xuyên
Các bài thể dục đặc biệt là bài tập cơ bắp chân giúp tăng khả năng đẩy máu của tĩnh mạch về tim. Bài tập chân cũng giúp giảm các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chi dưới hiệu quả. Một số bài tập bạn có thể tham khảo như: đi bộ, leo cầu thang, yoga…
Giảm cân nếu bạn thừa cân
Thừa cân hoặc béo phì gây áp lực nhiều hơn lên hệ tĩnh mạch, làm giảm khả năng lưu thông máu của chân, là một trong những nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch. Giảm cân cũng có thể ngăn ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch mới hình thành hoặc hạn chế bệnh tiến triển nặng.
Ngoài việc giúp hỗ trợ điều trị chứng suy giãn tĩnh mạch, giảm cân cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Khi có một sức khỏe tổng thể tốt sẽ giúp bạn giảm nguy cơ hình thành các bệnh lý không mong muốn trong đó có suy giãn tĩnh mạch.
Tránh mặc quần áo bó sát
Để phòng ngừa sự hình thành và phát triển của chứng suy giãn tĩnh mạch, bạn không nên mặc quần áo quá chật, bó sát vào cơ thể đặc biệt là phần chân. Bởi những loại quần áo này sẽ gây cản trở lưu thông máu, tạo áp lực lên thành mạch máu và dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Nâng cao chân lên
Khi có thể, hãy đặt chân lên ghế hoặc nâng chân cao giúp hỗ trợ quá trình máu chảy ngược về tim. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn làm công việc đòi hỏi phải đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
Khi ngồi hoặc ngủ, nâng cao chân cao hơn tim có thể tăng cường lưu thông máu thích hợp.
Hạn chế mang vác vật nặng
Khi mang vác vật quá nặng không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương khớp mà còn khiến các tĩnh mạch chân chịu lực ép lớn do máu dồn xuống chân.
Mặc dù các cách trên có thể giúp phòng ngừa chứng suy giãn tĩnh mạch phát triển cũng như giảm đau đớn của những tĩnh mạch hiện có. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bệnh, bạn cần thăm khám y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn và có phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch phù hợp.