6 lưu ý chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não

Tác giả: - Xuất bản: 29/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 16/10/2023
Chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não
6 lưu ý chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não - Ảnh: BookingCare
Người bệnh sau tai biến mạch máu não cần tuân thủ đúng và đầy đủ các chế độ chăm sóc, điều trị và tập luyện đặc biệt tại nhà.

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ có thể dẫn đến nhiều di chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động, giao tiếp, nhận thức, tâm lý,... của người bệnh. Để khắc phục những di chứng này, bản thân người bệnh phải nỗ lực, kiên trì cùng với sự chăm sóc, hỗ trợ tích cực của người nhà.

6 lưu ý chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não

1. Chế độ sinh hoạt và luyện tập

Bệnh nhân nằm tại giường cần được đổi tư thế nằm khoảng 2 giờ một lần để chống loét. Người nhà nên thường xuyên giúp người bệnh tập vận động thụ động tay chân dưới hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp và teo cơ.

Tuỳ mức độ di chứng liệt, người nhà nên phối hợp với nhân viên y tế cho người bệnh tập vận động 2-3 lần một ngày. Người bệnh cần cố gắng tự thực hiện các động tác hoạt động sinh hoạt cơ bản hàng ngày trong khả năng của họ để tăng khả năng hồi phục. Lưu ý duy trì tập luyện đều đặn ngay cả khi đã hồi phục.

2. Chăm sóc dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm ba bữa ăn chính và bữa ăn phụ. Thực đơn phù hợp với từng bệnh nhân nhằm đảm bảo mỗi bữa ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng và vitamin thiết yếu. Nếu người bệnh bị đái tháo đường hay tăng huyết áp, cần giảm lượng tinh bột, đường, muối, mỡ,… cần tham khảo và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác.

3. Chăm sóc vệ sinh

Một số người bệnh bị giảm khả năng vận động sẽ nằm nhiều hơn nên cần đảm bảo vệ sinh da luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh lở loét, nhiễm trùng.

Tắm rửa, vệ sinh cá nhân hàng ngày ở nơi kín gió, nhiệt độ đủ ấm. Phòng tắm không trơn trượt, thời gian tắm trong khoảng 5-7 phút và không tắm buổi tối.

Vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần đại tiểu tiện để tránh nhiễm trùng tiết niệu. Hướng dẫn người bệnh cần ra hiệu khi có nhu cầu đại tiểu tiện.

4. Chăm sóc tâm lý

Người bệnh sau tai biến mạch máu não thường gặp một số di chứng gây suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc bản thân, phải nhờ đến sự chăm sóc của người khác dẫn đến tự ti, mặc cảm, dễ cáu gắt, xúc động, thậm chí là trầm cảm. Vì vậy, người thân trong gia đình cần động viên, hỗ trợ để người bệnh lạc quan, vui vẻ.

5. Lưu ý về lựa chọn giường nằm

Đối với bệnh nhân bị liệt, cần sử dụng đệm hơi hoặc đệm nước. Giường phải có thành chắn tránh té ngã, có các gối kê để thay đổi tư thế nằm hoặc ngồi. Ngoài ra, vị trí giường nên đặt ở nơi thoáng, có ánh nắng mặt trời, không ẩm thấp và tránh gió lùa.

6. Sử dụng thuốc và tái khám

Bệnh nhân cần tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ, uống thuốc hàng ngày theo đơn, tái khám theo hẹn hoặc ngay khi có các dấu hiệu bất thường.

Trên đây là những lưu ý khi chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não tại nhà. Quá trình chăm sóc người bệnh tại nhà đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và phòng tránh đột quỵ tái phát.

Nếu thấy các dấu hiệu của đột quỵ tái phát: ý thức chậm hơn, liệt tăng lên, nói khó hơn, đi lại khó khăn hơn (loạng choạng, mất thăng bằng), miệng méo,... cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.